- Theo dự kiến, Luật Cán bộ Công chức sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII khai mạc tuần tới, nhưng đến nay, không ít chuyên gia vẫn “tha thiết” đề nghị nên hoãn dự án luật này sang phiên họp sau.
Phường Bách Khoa, Hà Nội: Chủ tịch phường ngồi cùng bàn với cán bộ tư pháp để chứng thực nhanh chóng hồ sơ của công dân. Ảnh: VA
Buổi thảo luận ngày 7/10 do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA) phối hợp với Hội Luật gia VN và Viện nghiên cứu xã hội tổ chức nhằm góp thêm một "kênh" phản biện trước khi Quốc hội đưa dự thảo luật trên ra xem xét.
Còn phân biệt đối xử
Lý giải vì sao “là cơ quan phản biện” nhưng việc lấy ý kiến đóng góp chuyên gia lại tổ chức “sát nút” ngày khai mạc Quốc hội, quyền Chủ tịch VUSTA Hồ Uy Liêm nói: “Trong suốt thời gian soạn thảo luật, tổ chức lấy ý kiến (hơn 30 cuộc - PV) thì VUSTA chưa bao giờ được tham vấn cũng như tiếp xúc với dự luật. Và cuộc trao đổi hôm nay chỉ nhằm để “bổ túc” thêm cho các ĐBQH trong khối khoa học.
Dự án luật được kỳ vọng nếu ban hành sẽ góp phần “xây dựng một bộ máy cán bộ, công chức mạnh, trong sạch làm việc theo nguyên tắc: minh bạch và dân chủ” lần này đã tách rõ khái niệm “ai là cán bộ, ai là công chức”. Việc đổi từ “Luật Công vụ” sang “Luật Cán bộ, Công chức” cũng cho thấy mục tiêu này.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Đức (Ủy viên UBTƯ Mặt trận Tổ quốc VN), phạm vi điều chỉnh của Luật “ôm” mọi cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nhưng các quy định trong dự thảo về kết hợp tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm, lựa chọn, nâng ngạch… lại chỉ phù hợp với công chức trong bộ máy hành chính.
Chưa kể, thống kê chi tiết từ các điều khoản trong luật, ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Thủ tướng còn “phát hiện” ra sự phân biệt đối xử giữa cán bộ với công chức và những mâu thuẫn trong xác định quyền và nghĩa vụ khiến mọi người thích làm cán bộ hơn công chức.
"Với mức lương khoảng 5 triệu đồng, tôi vẫn oằn mình làm việc trước hàng đống giấy tờ, hàng năm lại tự chấm điểm mình mấy lần. Chỉ riêng chuyện mỗi năm phải ngồi lại để phê phán nhau anh có đáng được 70 hay 80 điểm hay không đã đủ “chết”. Những điều như thế này không thể làm cho công chức tiến bộ được. Hãy trao cho công chức quyền, trách nhiệm và tìm cách phát huy được họ". GS.TS Lê Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam
Ông Tuấn dẫn chứng: “Điều 34 đánh giá, phân loại cán bộ có 6 khoản sơ sài, trong lúc đó chương IV về công chức lại chi tiết đến 7 điều, 12 khoản, dễ gây thắc mắc về việc người được ưu ái, người không”.
Ngoài ra, trong thực tế vẫn có người nay là cán bộ, mai là công chức. Dự luật chưa tính đến việc xử lý tình huống một cán bộ trở thành công chức và ngược lại.
“Trước kia tôi là viên chức ở Viện Nghiên cứu nhà nước và Pháp luật, bây giờ tôi chuyển về làm việc ở Mặt trận Tổ quốc VN. Nếu chiếu theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức thì tôi sẽ nghiễm nhiên trở thành công chức, chẳng phải qua thi cử, mà tôi thì nghĩ mình là cán bộ”, ông Bùi Xuân Đức lấy ví dụ.
Các chuyên gia đều nhất trí rằng, việc gọi những người làm việc trong các tổ chức “chính trị - xã hội” như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn, Hội… là công chức đã vô tình biến hoạt động của các tổ chức này thành quan liêu, xa rời trong lúc chúng ta đang không ngừng nỗ lực kêu gọi không nên “hành chính hóa”...
Đồng tác giả cho một báo cáo công phu của Viện Nhà nước và Pháp luật, TS Bùi Nguyên Khánh khuyến cáo: “Sẽ lý tưởng nếu xây dựng dự thảo luật này cho công chức vì đây là điều kiện để xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại”.
Chuyên gia này kiến nghị có các chương riêng biệt đối với chức danh lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước với các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, trách nhiệm giải trình và trách nhiệm chính trị cũng chỉ áp dụng với chức danh lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Việc xem xét trách nhiệm công vụ sẽ hạn chế với nhóm này.
Hoan nghênh những phân tích trên, đại diện cho UB Pháp luật QH, bà Trần Thị Quốc Khánh “phân bua”: “Dự án luật đã được đưa vào chương trình”, nhưng bà “hứa” sẽ chuyển tải hết những kiến nghị này tới các ĐBQH trước khi bấm nút.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, TS Phạm Tuấn Khải cũng giải thích không thể kỳ vọng một dự án luật giải quyết được hết mọi vấn đề của nền công vụ, trong bối cảnh, ngay cả những người ở tuổi 59 sắp về hưu vẫn “thi lên chuyên viên cao cấp”.
Ông Hồ Uy Liêm cho hay, những ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp để gửi tới Ủy ban thường vụ QH và VUSTA sẽ kiến nghị Quốc hội chưa nên thông qua tại kỳ họp thứ 4 này.
-
Lê Nhung
Ý kiến của bạn: