Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 8/10, đa số đại biểu đều nhất trí dự án Luật Đăng ký bất động sản (BĐS) chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 nên đề nghị không trình kỳ họp thứ 4, QH khóa XII tuần tới.
Theo Ủy ban Pháp luật, Ban soạn thảo cần rà soát, sửa đổi những vướng mắc trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các luật có liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai và tài sản gắn liền với đất, sửa đổi, bổ sung ngay những quy định chưa phù hợp trong các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này, bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, rõ ràng, sát thực tế mà không nhất thiết phải ban hành Luật đăng ký BĐS với nội dung như dự thảo đã trình.
Tán thành những ý kiến của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng và giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đối với các loại BĐS gắn liền với đất là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước, không thể và không nên giao cho Văn phòng đăng ký BĐS là đơn vị sự nghiệp thực hiện.
Việc giao thẩm quyền cho Văn phòng đăng ký BĐS chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết và hoàn toàn không thực tế. Hơn nữa, việc quy định người dân vừa phải đăng ký để được cấp giấy chứng nhận, vừa phải đăng ký đối với BĐS đó để được tham gia vào các giao dịch dân sự làm phát sinh nhiều giấy tờ, thủ tục, gây lãng phí thời gian, tốn kém, phiền hà cho dân, cho xã hội. Đây là vấn đề cần được xem xét, cân nhắc kỹ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị, dự án Luật này cần bàn kỹ hơn. Qua tìm hiểu một số bà con Việt kiều ở nước ngoài, họ vẫn còn băn khoăn việc đăng ký tài sản rất phức tạp, thậm chí kéo dài hàng tháng. Đây là vấn đề cần xem xét lại để dự án Luật có đủ điều kiện tư cách pháp nhân xử lý tốt những vấn đề đặt ra trong thực tế đời sống.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình đều bày tỏ băn khoăn về tính pháp lý của việc đăng ký BĐS, đồng thời cho rằng, dự án Luật này đưa ra quá nhiều thủ tục, gây phiền hà cho người dân.
Mặt khác, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo được đề nghị nên báo cáo lại với Chính phủ về vấn đề này, tiếp tục nghiên cứu thêm để đưa vào thời điểm thích hợp. Trưởng Ban dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, xung quanh dự án Luật Đăng ký BDS vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn kỹ, tránh gây phát sinh nhiều vấn đề và tránh chồng chéo với đạo luật khác.
Do dự án luật này chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008, vì vậy, Ủy ban Pháp luật nhất trí đề nghị không bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 và không trình QH tại kỳ họp sắp tới.
Các ý kiến của một số đại biểu thuộc Uỷ ban Pháp luật khẳng định việc đề nghị dự án Luật này không trình QH, vì Uỷ ban Pháp luật ý thức rất rõ trách nhiệm vấn đề này trước QH, còn nếu Chính phủ trực tiếp đề xuất thì cần xem xét, thảo luận tiếp.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là dự án Luật đòi hỏi ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ. Với tinh thần trách nhiệm cao, Uỷ ban TVQH tán thành với các ý kiến của các thành viên là chưa nên trình QH.
Kết luận về dự án Luật Đăng ký BĐS, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tổ chức hội thảo để làm rõ hơn những vấn đề vẫn còn băn khoăn, đồng thời nên lùi lại dự án Luật này để có tính khả thi hơn.
(Theo TTXVN)