- Đề án về thí điểm cho người dân bầu trực tiếp chủ tịch xã dự kiến sẽ "nới" thêm quyền cho chủ tịch như quyền quyết định đề xuất "ghế" các phó chủ tịch và ủy viên, quyết định về quản lý sử dụng nguồn kinh phí ngoài ngân sách. Nhưng khi thẩm tra đề án này, các ủy viên của UB Pháp luật lại cho rằng vẫn nên giữ nguyên như cũ.
Người dân ở 500 xã sẽ thực hiện thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch xã. Ảnh minh họa: VNN
Chiều 9/10, sau khi nghe Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đọc tờ trình Chính phủ về Đề án, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Pháp luật đã trình bày báo cáo thẩm tra.
Đề xuất không hạn chế quyền dân chủ trực tiếp
Các thành viên trong Ủy ban Pháp luật QH cho rằng, vì chỉ thí điểm việc "bầu chủ tịch" nên nhiệm vụ quyền hạn của "ông" chủ tịch do dân bầu vẫn nên tuân thủ theo quy định hiện hành của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND.
Việc "nới" thêm ba quyền hạn là giới thiệu nhân sự, toàn quyền với nguồn kinh phí ngoài ngân sách và khen thưởng kỷ luật hạ bậc lương công chức xã khi có kết luận từ cơ quan có thẩm quyền là không cần thiết.
Thay vào đó, đề án nên tính toán kỹ các vấn đề "kỹ thuật" như quy định tiêu chuẩn, trình tự bầu cử, điều kiện cho bầu cử.
Ông Thuận cho rằng, việc tổ chức hiệp thương, chốt 2 người cuối cùng mới đưa ra cho dân bầu là hạn chế quyền dân chủ trực tiếp của dân.
Đại diện cho UB Pháp luật đề xuất: "Trong trường hợp cùng lúc có nhiều người đủ tiêu chuẩn thì vẫn nên đưa ra tất cả cho dân bầu. Sau khi bầu vòng một, nếu vẫn không có ai đủ số phiếu "quá bán" thì lấy 2 người có số phiếu cao nhất để dân bầu vòng hai chọn ra chủ tịch. Quy trình như vậy mới phát huy được quyền dân chủ trực tiếp".
"Nếu đã xác lập HĐND do dân bầu và xã trưởng cũng do dân bầu, thì mối quan hệ giữa hai thiết chế này phải là quan hệ kiểm tra và chế ước lẫn nhau. Nếu không, sẽ rất dễ xảy ra lạm quyền" TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Cũng theo ông Thuận, để dân bầu trực tiếp thì vị trí, vai trò, chức danh của "ghế" chủ tịch xã rất quan trọng, hoàn toàn có tư cách bình đẳng với HĐND do cả hai đều được dân bầu lên.
Trưởng ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên cũng cho rằng việc một số người muốn thẩm quyền chủ tịch do dân bầu phải cao lên không khả thi.
"Vì thực chất, trong quan hệ làng xã hiện nay, chủ tịch UBND vẫn phải chịu trách nhiệm giám sát của hội đồng. Không thể giao quyền lực tuyệt đối hoặc lớn hơn hiện nay được. Bầu chủ tịch xã, về hình thức rất dân chủ, rất trách nhiệm nhưng cũng phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng bộ", ông Tuyên nói.
Nhiều ủy viên UBTVQH cũng nhất trí Chính phủ nên cân nhắc "đặc thù chính trị" đến việc "làm thế nào cũng vẫn phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng" khi liên quan đến vấn đề nhân sự.
Khó khăn khi thí điểm nhiều mô hình chính quyền
Tán thành chủ trương cải cách này, nhưng các ủy viên UB Pháp luật vẫn đề nghị làm rõ hơn cơ sở khoa học và pháp lý trước khi thí điểm.
Vì sao bỏ HĐND quận, huyện nhưng vẫn duy trì thị xã, thành phố thuộc tỉnh? Bỏ HĐND rồi nhưng sao vẫn tiếp tục duy trì các tổ chức khác ở cấp chính quyền tương đương? Vì sao không thí điểm bầu chủ tịch UBND phường? Biểu hiện của sự thiếu tự tin trong thực hiện chính sách?... là những câu hỏi được đặt ra trong phiên thảo luận.
Theo nhận định của UB Pháp luật thì đề án chưa thể hiện rõ tính đột phá trong cải cách hành chính. Chẳng hạn không tổ chức HĐND quận, huyện, phường…. là một thiết chế không hoàn thiện và thay đổi bằng cách giao quyền cho cơ quan cấp trên thì vẫn là nửa vời.
"Chưa kể, thí điểm nghĩa là cùng lúc tồn tại nhiều mô hình chính quyền, sẽ gây khó khăn trong triển khai chính sách trên địa bàn cũng như phối hợp giữa các địa phương. Những khó khăn này vẫn chưa được tính hết", ông Thuận nhấn mạnh.
Trong dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII, Nghị quyết về việc thí điểm này sẽ được thông qua ngay trước phiên bế mạc.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn: 39 tỉnh sẽ thí điểm bầu chủ tịch xã, với 385 xã (chiếm 4,22%). 10 địa phương sẽ thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường. Dự kiến sẽ không tổ chức HĐND quận, huyện ở 100 (16,77%) và thí điểm trên 484 phường (37,20%). 25/4/2009 bắt đầu thí điểm và sẽ kết thúc khi có nghị quyết mới của QH.
-
Lê NhungÝ kiến của bạn: