221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1118295
Rất khó đạt mức tăng trưởng GDP 7% năm 2008
1
Article
null
Rất khó đạt mức tăng trưởng GDP 7% năm 2008
,

 - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (QH) Hà Văn Hiền nói còn 8/25 chỉ tiêu dự báo không hoàn thành kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu về môi trường và xã hội đã cho thấy sự thiếu bền vững trong phát triển kinh tế trung hạn.

2008: khó đạt tăng trưởng 7%

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu QH. Ảnh: TTXVN
Trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận thực trạng "phát triển kinh tế chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7%" trong năm 2008.

Theo Thủ tướng, mặc dù đã được kiềm chế theo hướng giảm dần nhưng mức tăng giá tiêu dùng vẫn còn cao gấp gần 2 lần năm 2007 và là mức tăng cao nhất từ hơn 10 năm nay.

Lạm phát cao và thiên tai, dịch bệnh đã làm giảm thu nhập thực tế của nhân dân, nhất là các hộ nghèo. Tỷ lệ tái nghèo tăng, còn nhiều huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Chỉ tiêu giảm nghèo đạt thấp hơn kế hoạch (13,1%/11 - 12%).

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Kinh tế QH Hà Văn Hiền, trong tình hình lạm phát còn rất cao (dự báo cả năm khoảng 24%), thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều vùng, số hộ nghèo và tái nghèo sẽ tăng thêm. Do đó cần xác định chuẩn nghèo mới để đánh giá số hộ nghèo sát với thực tế hơn.

Cũng theo ông Hiền, còn 8/25 chỉ tiêu dự báo không hoàn thành kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu về môi trường và xã hội đã cho thấy sự thiếu bền vững trong phát triển kinh tế trong trung hạn.

Riêng quản lý nhà nước về môi trường chưa tốt, có những vụ việc cơ quan kiểm tra, thanh tra còn né tránh trách nhiệm, nên khi phát hiện sự việc xảy ra xử lý rất chậm, như vụ việc xảy ra ở Nhà máy Vedan, nhà máy Huyndai Vinashin vừa qua.

Ông Hiền nhận định chung "tốc độ tăng trưởng có thể không đạt, lạm phát có xu hướng giảm dần nhưng vẫn ở mức rất cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Tăng trưởng kinh tế trong những năm qua chưa thực sự tạo ra sự phát triển bền vững, mới chỉ thể hiện về mặt lượng, chậm cải thiện về chất lượng phát triển".  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận thực trạng lạm phát cao của nền kinh tế "chủ yếu là do cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, chính sách tiền tệ, tài khoá chưa thật phù hợp, kém hiệu quả."

Người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận "quản lý nhà nước trong kinh tế thị trường còn nhiều bất cập. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chậm bị phát hiện, xử lý. Việc chỉ đạo thực hiện không ít nơi trách nhiệm chưa cao, thiếu sâu sát, thiếu quyết liệt. Kỷ luật, kỷ cương trong xã hội còn nhiều yếu kém".

GDP thể hiện đúng chất lượng?

"Tăng trưởng kinh tế trong những năm qua chưa thực sự tạo ra sự phát triển bền vững, mới chỉ thể hiện về mặt lượng, chậm cải thiện về chất lượng phát triển". 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Hà Văn Hiền

Đối với chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP, theo Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế QH, trong khi Nghị quyết Quốc hội điều chỉnh giảm từ 8,5 - 9% xuống 7%, nhưng phần lớn các địa phương không điều chỉnh và trên thực tế báo cáo của nhiều nơi cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt ở mức cao trong năm 2008.

Ông Hiền nói từ đây đặt ra vấn đề về sự thiếu tính đồng bộ trong điều hành từ trung ương đến địa phương, thiếu thống nhất số liệu thống kê nên chưa phản ánh đúng thực tế phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Trong 3 phương án tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng là 7%, 7,5% và 6,5%, Chính phủ đã đề nghị chọn phương án tăng trưởng 7% trong năm 2009.

Một số thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2009 sẽ chỉ đạt ở mức thấp từ 5,5 - 6%; có ý kiến đề nghị giữ mức 6 - 6,5%; nhiều ý kiến khác đề nghị phương án tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7%.

Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế thống nhất đề nghị chọn phương án tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 từ 6,5 - 7%. 

Theo phân tích của Chủ tịch Uỷ ban kinh tế Hà Văn Hiền, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động phức tạp khó lường, việc để mục tiêu tăng trưởng năm 2009 trong khoảng từ 6,5% đến 7% phù hợp hơn, đáp ứng sự điều hành linh hoạt giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát và giữ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí với mục tiêu của Chính phủ đó là tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần, phấn đấu đến năm 2010 đưa tốc độ lạm phát xuống một con số, nhưng cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát và mục tiêu bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý cần phải được thể hiện bằng chính sách và các biện pháp cụ thể để tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành và các địa phương.

  • Xuân Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,