221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1118697
Phát triển kinh tế chững lại bởi...cú phanh gấp
1
Article
null
Phát triển kinh tế chững lại bởi...cú phanh gấp
,

 - Thảo luận tại các tổ sáng 17/10 về tình hình kinh tế- xã hội nhiều ĐBQH cho rằng Chính phủ không nên ấn định "cứng" tăng trưởng GDP 7% cho năm 2009.

Uyển chuyển trong xác định chỉ tiêu tăng trưởng

Các ĐBQH tổ Hải Phòng - Hà Nam - Lạng Sơn  trao đổi ngoài hành lang. Ảnh: Lê Anh Dũng
"Con số tăng trưởng GDP 6,5% trong bối cảnh kinh tế 9 tháng qua là phù hợp. Chính Thủ tướng cũng dè dặt nói khó đạt mục tiêu 7%. Quốc hội (QH) nên cân nhắc tránh trường hợp như kỳ họp thứ 2 đã quyết con số cố định trên một bức tranh sáng sủa",  ĐBQH Trần Du Lịch nói.

Ông Lịch cho rằng năm 2009 nên để "con số mềm" 6,5% - 7%. Bởi theo ông "QH nên đặt câu hỏi là năm tới nếu nền kinh tế tiếp tục suy thoái, thị trường ế ẩm, ứ đọng thì chúng ta đối phó thế nào?".

Ông Trần Du Lịch đề xuất cần tập trung tái cấu trúc nền kinh tế vì các nguyên nhân dẫn đến lạm phát vẫn còn nguyên.

Cùng quan điểm, bà Vũ Hồng Anh (Hà Nội) nói rằng "có nhất định phải đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 7% cho 2009? Tại sao cứ nhất định đặt chỉ tiêu tăng trưởng năm sau phải cao hơn năm trước? Như Trung Quốc, năm nay họ dự đoán tăng trưởng 8% và cũng chỉ đặt mục tiêu năm 2009 dưới 8%".

Đánh giá, báo cáo của Thủ tướng lần này đã "sát thực tế, dám nhìn nhận sự thật, đánh giá những điều chưa được",  ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng "cảm giác báo cáo vẫn màu hồng quá".

Theo bà, Chính phủ đầu năm đã nhận ra sai sót, giật mình dừng lại, thấy những cái chưa làm được... "Tiếc là chính sách, phương pháp làm đột ngột, giống như việc phanh gấp. Chính sách tiền tệ của ta là một cú phanh gấp, khiến cho nền kinh tế bị chững lại, không chỉ 1 năm mà phải 2-3 năm mới có thể vực dậy".

Thực tế, trong báo cáo, Chính phủ đã "xin" Quốc hội xem các chỉ tiêu đó chỉ có tính định hướng. Ông Nguyễn Ngọc Đào cho rằng điều này hợp lý bởi chúng ta đã từng đưa mục tiêu tăng trưởng 9% nhưng không đạt được, đã hạ xuống 7%.

Cắt giảm đầu tư công: còn biểu hiện đối phó

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM): "Các tổ chức tài chính đều nói lạm phát do tập đoàn kinh tế": Ảnh: Lê Nhung
Thực chất của con số dự án đình hoãn, cắt giảm cũng là vấn đề được nhiều vị ĐBQH đi sâu phân tích.

Ông Trần Du Lịch nói rằng tổng số công trình dự án của bộ, ngành, địa phương hoãn khởi công là 1.968 dự án với 5.991 tỷ đồng. "Nhưng số tiền cắt thực chất bao nhiêu. Là dự án đáng lẽ giải ngân 2008 hay thực chất là những dự án không bao giờ triển khai được nên mới báo lên như vậy?"- ông Lịch tỏ rõ sự băn khoăn.

ĐB Ngôn, Điện Biên tán đồng, "riêng các địa phương là đối phó. Dự án luôn luôn chậm nên đưa vào báo cáo hoãn tiến độ năm nay những dự án không thực hiện được để vừa đạt thành tích chống lạm phát, vừa tránh được khuyết điểm không đạt mục tiêu".

Từ độ vênh giữa "mục tiêu, con số báo cáo và thực chất" các dự án đình hoãn, các ĐBQH đề xuất xem lại hàng loạt chỉ tiêu bất khả khi khác về tỷ lệ giải quyết việc làm, giảm đói nghèo, đặc biệt xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường QH Nghiêm Vũ Khải nói, đưa chỉ tiêu phấn đấu năm 2009 xử lý 65% cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng là không có cơ sở vì chưa rõ giải pháp. Trong khi sai phạm hiển hiện của Công ty  Vedan vẫn chưa xử lý khả thi và sự quan tâm lâu nay của Chính phủ và các địa phương về môi trường chưa tương xứng.

Đại biểu Phạm Lệ Chi, Quảng Ninh phân vân: "Tôi nghi ngờ con số được nêu trong báo cáo của Chính phủ về xử lý môi trường nói rằng năm 2008 đã giải quyết được 60% ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Vì trong phần đánh giá vi phạm lại nói 70 % số khu công nghiệp, 90% cơ sở sản xuất kinh doanh không có hệ thống xử lý nước thải".

Thấy người có trách nhiệm dân mới hài lòng

Dẫn lại câu chuyện EVN trả lại 13 dự án nhà máy điện vì "thiếu vốn" trong lúc vẫn xây resort, đầu tư ngân hàng, Bí thư Thành đoàn TP.HCM Tất Thành Cang bức xúc: "Hai lần QH chất vấn về chuyện này thì đều nói là tiền đầu tư ra ngoài ngành đều vay của ngân hàng. Tôi cho là phải quy trách nhiệm đến cùng cho Bộ Công Thương".

"Quy đến cùng trách nhiệm người đứng đầu" cũng là ý tưởng của nhiều ĐBQH khác khi "đụng" đến hàng loạt vấn đề như tham nhũng, xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường, đầu tư xây dựng cơ bản...

Theo ông Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) thì, cái yếu kém mà Chính phủ cần làm rõ thêm đó là chỉ đạo nhiều đầu mối nhưng trách nhiệm không rõ nên "cứ nêu thế nhưng không xử lý được ai".

"Trách nhiệm của người đứng đầu ở các vụ việc như Miwon, Vedan nếu như ở các nước là bị xử lý ngay. Nhưng ta cứ vẫn bình yên vô sự",  Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Bình Nguyễn Thạc Nhượng than.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) bổ sung: "Dân phải thấy có người chịu trách nhiệm thì mới hài lòng. Tôi cũng rất ngạc nhiên là chúng ta chưa ai đề nghị cách chức "ông điện lực". Ngành điện lực làm ăn là lãi lắm chứ không hề lỗ như họ kêu, xăng dầu cũng thế. Lỗ bao nhiêu nhà nước bù bấy nhiêu".

Chiều 17/10, các ĐBQH tiếp tục thảo luận tại tổ về ngân sách.

  • Lê Nhung - Phương Loan
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,