- "Vì mục tiêu đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, Bộ Tài chính chưa tăng thuế nhập khẩu xăng dầu để yêu cầu các doanh nghiệp phải hạ giá tiếp", Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định như vậy bên lề phiên họp QH ngày 18/10, cùng ngày giá xăng tiếp tục giảm 500 đồng/lít.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh : "vì mục tiêu đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, Bộ Tài chính chưa tăng thuế nhập khẩu xăng dầu để tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp phải hạ giá tiếp". Ảnh: L.N
Tuyên bố của Bộ trưởng Ninh đưa ra trong bối cảnh hai lần liên tiếp trong hai ngày qua, Bộ Tài chính chấp thuận phương án giảm giá xăng do các doanh nghiệp đầu mối đưa ra xuống tổng cộng 1000 đồng/lít.
Hai ngày trước, bên lề phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, QH khóa XII, Bộ trưởng Tài chính đã khẳng định "nếu tình hình vẫn cứ giữ thế này, sẽ giảm giá bán lẻ xăng dầu và khả năng cho thấy có thể giảm được giá xăng dầu thêm nữa".
Trao đổi với báo giới sáng 18/10, Bộ trưởng Ninh khẳng định "vì mục tiêu là đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, Bộ Tài chính chưa tăng thuế nhập khẩu xăng dầu để tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp phải hạ giá tiếp".
Bộ trưởng cho biết khi điều chỉnh giá cũng phải tính toán nhiều yếu tố khác. Khung thuế nhập khẩu xăng dầu lẽ ra là 40% nhưng Nhà nước mới áp dụng mức cho xăng là 5%, dầu hỏa là 10%, còn madut, diesel vẫn là 0%.
"Điều đó để nói Chính phủ vẫn đảm bảo ưu tiên lợi ích cho người dân và ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát chứ không phải vì thu ngân sách", ông Ninh nhấn mạnh.
"Dân sẽ giám sát việc tăng, giảm giá xăng dầu"
Ông Ninh cho biết Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu phương thức để giao cho doanh nghiệp quyết định tự điều chỉnh giá xăng dầu trên cơ sở thị trường. Tinh thần chung đó là Nhà nước chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và ngược lại, doanh nghiệp cần phải biết ý định điều tiết của Nhà nước.
Cụ thể, Bộ trưởng Ninh cho hay Bộ Tài chính dự kiến sẽ công bố mức thuế mà Nhà nước áp dụng tương ứng với giá xăng dầu thế giới cũng như công bố mức doanh nghiệp được trích để bù lỗ cũ, hưởng lãi hợp lý.
"Trên cơ sở đó, doanh nghiệp được tự quyền quyết định điều hành giá xăng dầu và cũng là căn cứ quan trọng cho toàn dân hiểu và giám sát việc tăng giảm giá xăng dầu", ông Ninh nhấn mạnh.
Khi doanh nghiệp được trao quyền tự điều chỉnh giá xăng dầu, Nhà nước sẽ thực hiện cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm toán chặt chẽ từ hình thành chi phí, hoạch toán, tỷ lệ lãi hợp lý...để xác định hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đó.
Ông Ninh cũng cho biết khi giá giảm, doanh nghiệp phải tính bình quân giá của lượng hàng hóa mà đảm bảo dữ trự lưu thông. Hiện nay, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo dự trữ lưu thông là 20 ngày. Tuy nhiên, vì an ninh năng lượng quốc gia nên Chính phủ đã nâng lên mức 25 ngày và đến nay yêu cầu các doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông 30 ngày.
"Có nghĩa doanh nghiệp phải tính thời điểm 30 ngày trước chứ không phải tính tại thời điểm hiện tại để điều chỉnh giá tăng hay giảm."
Tiếp tục kỳ họp thứ 4, QH khóa XII, ngày 18/10, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật đa dạng sinh học và Luật Công nghệ cao. Uỷ viên Ủy ban thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Đặng Vũ Minh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo hai luật này. Dự kiến, dự thảo Luật đa dạng sinh học và Luật Công nghệ cao sẽ được thông qua ngày 13/11. |
-
Xuân Linh