221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1119547
Cán bộ, công chức đông nhưng vẫn kém cạnh tranh
1
Article
null
Cán bộ, công chức đông nhưng vẫn kém cạnh tranh
,

 - "Bất bình đẳng" giữa cán bộ và công chức (CBCC), "không thừa nhận" cho đội ngũ làm việc ở cấp xã đứng chung hàng ngũ CBCC trong lúc cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm vẫn còn thiếu minh bạch... là băn khoăn của nhiều ĐBQH trong phiên thảo luận sáng 20/10 về dự án luật Cán bộ, công chức.

Thiếu chuyên nghiệp

ĐB Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận). Ảnh: XD
Việc đưa đối tượng làm việc tại cơ quan Đảng, đoàn thể nằm ngoài công vụ vào chung với công chức khiến luật trở nên rối rắm, lẫn lộn là một trong những nội dung được nhiều ĐBQH "xoáy" đề nghị làm rõ.

Theo ĐB Bùi Thị Hòa (Đăk Nông), việc đưa cả cán bộ và công chức vào chung trong luật "phản ánh khá rõ đặc thù đội ngũ CBCC trong hệ thống chính trị, đó là tính liên thông, luân chuyển trong đội ngũ làm công tác Đảng, đoàn thể sang quản lý nhà nước và ngược lại".

Tuy nhiên, một số quy định cho thấy sự "bất bình đẳng". Chẳng hạn, phân loại công chức thì căn cứ vào ngạch, vị trí công tác, còn nhóm cán bộ thì căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận định, quy định tuyển dụng, nâng ngạch của nhóm công chức phải qua thi tuyển để đảm bảo cạnh tranh chất lượng trong khi đầu vào của một số nhóm ở các tổ chức chính trị, chính trị xã hội lại mở hơn.

Ông Hà nói, để xử lý chênh lệch, cần có quy định thống nhất về tiêu chuẩn đầu vào, nội dung đào tạo, quy trình đề bạt, bổ nhiệm.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) than: "Quy định khó khắc phục được thực trạng CBCC đông nhưng thiếu chuyên nghiệp, thiếu người giỏi, chưa có sự cạnh tranh và chưa có cơ chế sử dụng người tài".

Theo ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng), Luật chưa làm rõ những khác biệt khi chuyển đổi từ cán bộ sang công chức hay viên chức sang công chức khiến cho "ngay bản thân chúng tôi khi thông qua luật rồi cũng không hiểu được thì không thể nào giải thích với cử tri".

Tuyển vào dễ, cho ra khó

Về tuyển dụng và bổ nhiệm, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo "phát hiện" dự án luật đã có thêm điểm mới, đó là quy định việc thi tuyển và xét tuyển một số cán bộ cần thiết ở một số phạm vi.

"Tôi muốn hướng tới việc khuyến khích thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, từ phó, trưởng phòng của cấp quận, huyện trở lên. Thực tế cho thấy có thể nghiên cứu làm được để chúng ta có thể tuyển dụng những cán bộ lãnh đạo quản lý có trình độ phù hợp theo hướng một bộ máy hành chính chuyên nghiệp", bà Thảo góp ý.

Xung quanh quy định CBCC sau 2 năm mà không hoàn thành được nhiệm vụ thì sẽ bố trí công tác khác, bà Thảo lưu ý, "tuyển vào thì được nhưng cho ra những người không hoàn thành nhiệm vụ rất khó khăn và thấy rất lâu".

Hơn nữa, đã "không hoàn thành nhiệm vụ" lại cho "chuyển công tác khác" không phải là "sáng kiến" khiến bộ máy bớt trì trệ.

Theo ĐB Võ Đình Tuyển (Bình Phước), khi tuyển dụng, phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tránh tình trạng sinh viên ra trường rồi chạy đến hết cơ quan nọ sang cơ quan kia xin việc. "Lúc thân quen thì người ta nói còn biên chế, còn không quen biết thì chỗ nào cũng nói hết biên chế", ông Tuyển phản ánh.

ĐB Bùi Thị Hoà nói cần giao quyền chủ động hơn cho các cơ quan, đơn vị, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và CBCC không đáp ứng được yêu cầu. Mà lý do vì cơ quan sử dụng CBCC đã không được tham gia tuyển dụng, không có quyền trong việc quyết định các chế độ chính sách. Trong tương lai, cần tiến đến bỏ dần việc giao chỉ tiêu biên chế, nên tuyển dụng theo công việc và chức danh nhiệm vụ.

Tâm huyết với vấn nạn "chạy chức, chạy quyền" từ nhiều kỳ họp QH đến nay, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) yêu cầu phải thực hiện cơ chế dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình bổ nhiệm và tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng cử viên. "Người có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình".

CBCC xã còn bị phân biệt đối xử

Hầu hết ĐBQH đều lên tiếng "kêu" cho CBCC cấp xã.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), đưa đội ngũ này vào luật là cần thiết, nhưng dành riêng 1 chương với những nội dung phân biệt, thiếu công bằng chưa xác định đúng vị trí của đội ngũ này, chưa tạo ra sự liên thông và khuyến khích.

Bà Thúy cho rằng, đội ngũ này không cần đến một quy định riêng "phân biệt đối xử" như vậy mà vẫn nên đứng chung trong đội ngũ CBCC nhà nước.

ĐB Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp) cho rằng: "Có một mâu thuẫn là chúng ta không thừa nhận cấp xã là một cấp chính quyền và nếu như vậy sẽ không đảm bảo được tính liên thông trong quá trình đào tạo tuyển dụng, sử dụng, điều động, luân chuyển cán bộ".

Sẽ không thể trông đợi lực lượng trẻ, chuyên nghiệp và có học vấn "xung phong" về xã vì họ không nhìn thấy cơ hội bồi dưỡng để nâng cao trình độ "tạo nguồn" cho các cấp trên như huyện,  tỉnh.

Ông Đặng Văn Xướng (Long An) chỉ góp ý, "nếu vẫn đưa ra ngoài là anh em rất tâm tư vì có sự phân biệt".

Ít ngày trước đây,  Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA) phối hợp với Viện nghiên cứu xã hội đã có ý kiến "nên hoãn thông qua dự án luật cán bộ công chức lần này".

Dự kiến, dự án Luật CBCC sẽ được QH thông qua vào ngày 13/11.

  • Lê Nhung

                                              Ý kiến của bạn:

     

                                             

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,