- Trao đổi với VietNamNet chiều 20/10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận trách nhiệm trước thực trạng nông dân sản xuất lúa gạo bị "lâm khó" do tồn đọng lúa gạo, không bán được. Song ông cho rằng: Nếu quy trách nhiệm thực trạng này do dự báo sai tình hình của Chính phủ là chưa hoàn toàn chính xác.
"Chính phủ không chỉ đạo dừng xuất khẩu"
Bộ trưởng Cao Đức Phát : Chính phủ không chỉ đạo dừng xuất khẩu mà chỉ chủ trương tạm dừng ký hợp đồng mới. Ảnh: LN
Nông dân phàn nàn việc Chính phủ dự báo sai về tình hình an ninh lương thực và giá gạo thế giới nên đã tạm dừng xuất khẩu trong thời điểm giá gạo thế giới lên cao, gây thiệt hại cho họ. Xin cho biết ý kiến của Bộ trưởng?
- Chính phủ không chỉ đạo dừng xuất khẩu mà vào thời điểm cuối tháng 3, Chính phủ có chủ trương tạm dừng ký hợp đồng mới để xuất khẩu lúa gạo cho đến hết tháng 6 vì sản lượng lúa đông xuân hàng năm cũng như năm nay chỉ đủ đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và khả năng xuất khẩu vào khoảng 2,3 đến 2,4 triệu tấn.
Đến cuối thời điểm tháng 3 năm nay, lượng hợp đồng đã ký đạt 2,4 triệu tấn. Vì thế, trước tình hình vụ đông xuân ở miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề của rét và sản lượng lúa thực tế chúng ta có đến lúc đó cũng chỉ có khả năng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu theo mức như đã ký hợp đồng nên chủ trương là đảm bảo vững chắc yêu cầu ở trong nước và thực hiện những hợp đồng mà chúng ta đã ký kết. Còn tùy theo diễn biến thực tế của vụ lúa sẽ có điều chỉnh cho phù hợp.
Hàng trăm ngàn tấn lúa từ vụ hè thu còn tồn đọng, không bán được đang khiến bà con ở ĐBSCL lâm vào tình cảnh khó khăn. Theo Bộ trưởng, tồn đọng lúa gạo không bán được do đâu?
- Việc tồn đọng lúa cũng như giá cả biến động do nhiều yếu tố khác. Thứ nhất, sản lượng của chúng ta đạt cao do được giá, thời tiết thuận lợi và nỗ lực sản xuất của bà con. Do đó, lượng cung bây giờ lớn. Thứ hai, cầu của thị trường thế giới hiện đã suy giảm.
Thứ ba, do những khó khăn về vốn nên việc thu mua để tạm trữ hàng của các doanh nghiệp có phần hạn chế hơn so với năm trước. Họ phải chịu lãi suất cao khi vay vốn để trữ hàng trong kho nên các doanh nghiệp có xu hướng xuất đến đâu thì mua đến đó.
Bên cạnh đó, do lúa gạo được giá nên bà con ở nhiều nơi đã tranh thủ sản xuất, sử dụng giống lúa mặc dù có năng suất cao nhưng chất lượng thấp như IR 50404, Vào vụ đông xuân, lúa gạo bán được, nhưng ở thời điểm này, nhu cầu của thị trường, của người mua lại thấp nên khó bán.
"Bộ chịu trách nhiệm về dự báo sản lượng"
Vậy yếu tố dự báo sai về tình hình an ninh lương thực và giá gạo thế giới thì sao, thưa Bộ trưởng?
"Sẽ thu mua lúa gạo để tạo sức mua, duy trì giá, đảm bảo lãi cho bà con nông dân". Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
- Việc dự báo là việc khó. Năm nay có nhiều biến động bất thường. Các cơ quan của Chính phủ đã theo dõi sát sao diễn biến và cố gắng làm hết sức mình trong điều kiện có thể làm được chẳng hạn như việc sản lượng lúa của từng vụ và khả năng xuất khẩu đến đâu. Còn chúng ta dự kiến xuất khẩu một năm 4,5 hay 5 triệu tấn, nếu nói từ đầu năm là để định hướng thôi.
Theo Bộ trưởng, những dự báo chệch thực tiễn có phải do hạn chế về năng lực của các cơ quan chức năng làm công tác dự báo?
- Bản thân dự báo là việc khó. Trong năm nay có rất nhiều những yếu tố biến động bất thường, thậm chí biến động mạnh so với bình thường.
Trách nhiệm dự báo sai thuộc về bộ, ngành nào, thưa Bộ trưởng?
- Tùy theo từng vấn đề. Nếu trách nhiệm dự báo về sản lượng lúa thì thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Những dự báo sai đã có những tác động nhất định đến sản xuất lúa gạo của bà con nông dân. Bộ trưởng có suy nghĩ gì?
- Chúng tôi thấy mình có trách nhiệm trong việc này và thấy rằng rõ ràng phải cố gắng hơn trong công tác điều hành. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng, nói do dự báo sai mà bây giờ lúa gạo không bán được thì chưa hoàn toàn chính xác.
Cụ thể, Bộ trưởng đã có chỉ đạo gì để tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân?
- Trước mắt, chúng tôi đã chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam cố gắng cao nhất, tiếp tục thu mua lúa gạo để tạo ra sức mua, duy trì giá, đảm bảo có lời cho bà con nông dân. Mặt khác là đàm phán ký kết các hợp đồng để xuất khẩu.
Chúng tôi cũng họp với các địa phương để chỉ đạo và hướng dẫn cho bà con nông dân điều chỉnh lại cơ cấu giống để chuẩn bị cho vụ đông xuân tới trồng các giống có giá trị và khả năng tiêu thụ tốt hơn trên thị trường.
Qua hạn chế về công tác dự báo vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rút kinh nghiệm gì?
- Trong lúc khó khăn cần phải bình tĩnh, theo dõi sát sao để có sự phối hợp nhịp nhàng và đặc biệt là thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp cũng như bà con nông dân để có sự điều chỉnh kịp thời trước biến động của thị trường.
-
Xuân Linh thực hiệnÝ kiến của bạn: