221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1119783
Đã đến lúc chấm dứt độc quyền kiểu EVN
1
Article
null
Đã đến lúc chấm dứt độc quyền kiểu EVN
,

 - Thiếu tiền đầu tư nên phải trả lại 13 dự án điện. Xin tăng giá để bù cho việc đang bán dưới giá thành. Nhưng mới đây, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã "xin" Chính phủ cho trích 1.002 tỉ đồng chênh lệch nhờ tăng giá điện để khen thưởng.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền: "EVN làm như vậy dễ gây phản cảm". Ảnh: LN

Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp QH sáng 21/10, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nói, vấn đề không phải là "số tiền to hay bé" mà phải tùy thuộc tình hình cụ thể. 

Trước mắt, Bộ Tài chính vẫn đang chờ ý kiến của Chính phủ.

Dễ gây phản cảm

Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Hà Văn Hiền, trong thời điểm kinh tế như hiện nay, ngành điện vừa đồng thời xin tăng giá điện vừa đề nghị tăng thêm tiền trích cho quỹ phúc lợi trong khi họ không có thành tích nào đặc biệt thì "rất dễ gây phản cảm".

Ông Hiền nói: "Mọi vấn đề khen thưởng đều phải xuất phát từ kết quả, hiệu quả sản xuất của một đơn vị".

Ủy viên UB Khoa học, công nghệ và môi trường QH Nguyễn Đình Xuân phân tích, với tư cách là doanh nghiệp, đề nghị khen thưởng có một cơ sở là Luật Doanh nghiệp nhưng đó chỉ là mặt lí thuyết.

Về thực tế, một doanh nghiệp muốn được thưởng phải có lãi thật, còn lãi trên cơ sở cắt điện để giảm chi phí thì không xứng đáng được thưởng. "Trước khi đặt vấn đề khen thưởng, EVN phải tự thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ chưa. Nếu khen thưởng một người không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ mang đến tác dụng ngược".

Ông Hà Văn Hiền khẳng định, trong khi chưa theo kịp với nhu cầu phát triển kinh tế thì khi có trong tay nguồn vốn, nhiệm vụ trước mắt là EVN cần tập trung đầu tư cho phát triển để làm đúng chức năng của mình. 

"Phần chăm lo cho đời sống cho cán bộ cũng là cần thiết nhưng phải trên một mặt bằng chung của các ngành kinh tế. Phải huy động mọi nguồn vốn có thể có để tập trung cho đầu tư", Chủ nhiệm UB Kinh tế nhấn mạnh.

"EVN nói lạm phát 5% trở lên là có thể tăng giá điện. Đấy không phải căn cứ. Có những lúc lạm phát tăng nhưng giá một số mặt hàng vẫn giảm chứ không phải cứ lạm phát lên là giá lên theo tỷ lệ thuận.

Về thời điểm tăng giá các mặt hàng điện, nước, sẽ tùy tình hình cụ thể. Những mặt hàng Nhà nước quản lý thì Nhà nước có ý kiến, còn lại các mặt hàng Nhà nước không quản lý nhưng giám sát thì muốn tăng giá, doanh nghiệp phải đăng ký".

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh

Về thông tin EVN vừa xin trả lại 13 dự án điện do "không đủ vốn", Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội băn khoăn: "Tôi không biết tại sao họ lại trả lại 13 dự án. Trước đây, tôi cũng biết rằng các ngành khác khi muốn đầu tư cho ngành điện cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Những dự án mà Nhà nước đã dành cho ngành điện để đầu tư thì họ phải biết rằng đó là một trọng trách, sự tin cậy của Nhà nước".

"Họ phải tự thấy rằng mình cần tập trung mọi nguồn lực, nguồn vốn để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Trả lại như vậy thì họ phải nên tính toán lại", ông Hiền chỉ rõ.

ĐB Nguyễn Đình Xuân nêu ý kiến: "EVN hoàn toàn có thể bớt cắt điện nếu huy động thêm các nguồn điện với giá cao hơn, chẳng hạn công suất của các nhà máy nhiệt điện. Nhưng vì EVN liên tục trả giá quá thấp nên không ai muốn bán. Càng vào mùa khô, cao điểm dùng điện thì EVN càng cắt điện và càng lãi. Lấy lãi đó mà khen thưởng khác nào khuyến khích cắt điện. Về lâu dài phải chấm dứt độc quyền kiểu này".

Năm 2008, UB Kinh tế đã từng lên kế hoạch giám sát chuyên đề hoạt động của EVN nhưng do "vướng" nhiều kế hoạch khác nên dự định này sẽ lùi lại cho năm tới.

"Mấy năm nay, giá điện đều tăng nhưng gần đây lại thiếu điện liên tục nên phải cắt điện. Chúng tôi sẽ giám sát xem dự án đầu tư ngành điện như thế nào, đã đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế chưa. Giá điện đã hợp lý chưa? Tại sao lại liên tục thiếu điện, lúc nước nhiều cũng như khi nước ít, đều thiếu. Phải đợi đến khi vào cuộc giám sát thì Ủy ban mới có chính kiến về vấn đề hiệu quả kinh doanh của ngành điện", ông Hiền cho biết.

Trước đó, UB Kinh tế đã nhiều lần đặt vấn đề rằng đầu tư ở khu vực DN nhà nước còn thấp và kiến nghị Nhà nước cần sớm đánh giá lại hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, trong đó có việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong đầu tư và quản lý tài chính.

  • Lê Nhung

                                                           

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>