- Ngày 21/10, trong buổi giám sát thực hiện nghị quyết Hội đồng nhân dân TP.HCM về "Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị" của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, nhiều đại biểu sốt ruột trước tình trạng xe bus bất nhã và rào chắn khắp nơi khiến “không thể nhìn ra bộ mặt văn minh đô thị”.
“Xe vua” chịu thua?
Phó ban Văn hoá – Xã hội, HĐND TP.HCM Tăng Cẩm Vinh đặt vấn đề: “Người dân gọi xe bus là “xe vua” vì được mặc sức lấn tuyến, được chạy ngược. Riêng tôi, đi xe bus thấy thực trạng lên dồn, xuống đẩy nguy hiểm quá!”
“Ngoài ra, cùng mục đích từ nhà đến nơi làm việc, nhưng khi tôi đi xe đạp hết 30 phút, xe máy hết 20 phút, đi xe bus hết 1 tiếng 45 phút. Với thái độ, khoảng thời gian cách xa nhau tới vậy thì làm sao người tham gia giao thông muốn chọn xe bus?”. Ông Vinh so sánh.
Đại biểu sốt ruột với xe bus, rào chắn. (Ảnh: T. H) |
Nói rõ hơn về thái độ phục vụ của nhân viên xe bus, đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa bức xúc: “Sở GTVT có thể cam kết với người dân không còn những hành động khiếm nhã trên xe bus như không chửi hành khách, không bỏ rơi người tàn tật… Tôi tự hỏi không biết có phải chỉ có ở chúng ta mới có những hành động như vậy hay không? Không thể xây dựng được nếp sống văn minh khi ở những nơi giao thông công cộng lại như thế”.
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM Phạm Đình Đức cũng nêu khó khăn từ quản lý: Để xảy ra nhiều sự cố khiến hành khách không mặn mà với xe bus, trung tâm quản lý nhận trách nhiệm chung, do chưa đưa được những quy định về giao tiếp một cách cụ thể, chặt chẽ, buộc nhân viên xe bus tuân thủ.
Ngoài lỗi gián tiếp này, ông Đức chỉ ra lỗi trực tiếp từ các tiếp viên, lái xe: “Gốc rễ của vấn đề do 27/30 doanh nghiệp là hợp tác xã xe bus, thuê nhân viên, lái xe có khi không có hợp đồng lao động, nhiều trường hợp chỉ làm vài ba tuần đã nghỉ nên ý thức họ không cao với nghề, mức độ làm việc không tốt. Thời gian tới sẽ chấn chỉnh, hạn chế ở mức ít có nhất những trường hợp khiến người dân không hài lòng.”
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Phượng cũng ghi nhận: Đúng là thực tế xe bus hiện không cạnh tranh được với phương tiện khác. Tuy nhiên, nếu vì những tiện lợi mà thoải mái phát triển xe 2 bánh thì tiêu phí của xã hội một nguồn nhiên liệu lớn, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
Cần thiết nhìn nguồn lợi lâu dài của xe bus để phát triển xe công cộng. Vấn đề là hạn chế của xe bus do thiếu khoảng trống để chạy. Nên cần giảm các phương tiện để tăng khoảng trống cho xe công cộng, ông Phượng nói.
Ở Sở GTVT TP.HCM, cán bộ công nhân viên đi xe bus 2 lần/tuần. Lãnh đạo của sở đang mở chiến dịch tiếp xúc với lái xe, tiếp viên tất cả các tuyến xe bus, nhằm vận động họ có ý thức và trách nhiệm với nghề, lịch sự vui vẻ với hành khách. Tất cả những buổi tiếp xúc đều sau 9 giờ tối vì lúc này mới gặp đầy đủ nhân viên xe bus.
Đại biểu than, dân kêu trời với " lô cốt "
Ông Tăng Cẩm Vinh nêu thực tế: Dân kêu tới mức có những lô cốt cho thấy nhà thầu chỉ biết tới đồng tiền, không coi trọng an toàn tính mạng người dân. Mặt đường lúc đang thi công bị ảnh hưởng lồi lõm, nham nhở; có nơi rào chắn chỉ còn vài tấc đường cho dân đi thì kiểu gì dân không leo xe lên lề đường?
Khi tham vấn văn minh đô thị, nhiều người dân cho hay họ rất thông cảm với việc rào chắn mặt đường nhưng làm tới đâu thì rào tới đó. Không ít nơi chiếm mặt bằng chỉ để sắt, nguyên vật liệu, thậm chí bôi xoá ngày hết hạn thi công để tiếp tục kéo dài thời gian khiến người dân phản cảm.
Cũng vấn đề dân chạy xe trên lề vì rào chắn, một đại biểu HĐND lo ngại: “Khi đã hình thành thói quen sẽ rất khó bỏ”.
Rào chắn khắp nơi khiến “không thể nhìn ra bộ mặt VMĐT”. (Ảnh: T. H) |
Đại biểu Dư Phước Tân (Viện Phát triển thành phố) góp ý: “Ở Băng Cốc, Thái Lan, họ cũng có những công trình rào chắn như chúng ta. Tuy nhiên họ rào chắn trong thời gian rút ngắn nhất, làm hối hả cả lúc 12 giờ đêm và người dân chấp nhận. Mình nên học tập điều đó.
Theo ông Tân, một giải pháp rất hữu hiệu: Phạt những nhà thầu thi công kéo dài hơn 1 tháng bằng cách: nhà thầu phải chịu phạt bồi thường thiệt hại khi gây cho nhà dân bị rào chắn làm ảnh hưởng tới doanh thu, buôn bán người dân. Tuy đề án này được xây dựng nhưng UBND TP.HCM không chấp nhận vì chưa có tiền lệ xử phạt như thế.
“Khi chủ đầu tư chuẩn bị nhân công đầy đủ, khảo sát kỹ, và có sẵn tiền hãy cho thi công. Chưa chuẩn bị kỹ mọi mặt thì thà đừng khui đường còn hơn vì ảnh hưởng tới hàng triệu người dân thành phố. Sở GTVT nên coi vấn đề rào chắn là vấn đề "sốt ruột", để làm sao giải quyết nhanh, gọn”. Đại biểu Đặng Văn Khoa nêu.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Phượng cho hay: Khó có thể làm cuốn chiếu hay làm cả ca 3 như các đại biểu đề xuất. Vì nguồn vốn các nước cho mình vay để thực hiện các công trình, kèm theo điều kiện thực hiện trong cùng khoảng thời gian. Nếu không cùng làm hàng loạt thì không đáp ứng điều kiện vay vốn hỗ trợ này. Làm ca 3 thì dân kêu mất ngủ, nhiều nhà thầu nước ngoài không chịu bị “siết” về thời gian, vì hợp đồng quy định mốc thời gian hoàn thành, chưa hết mốc ấy thì mình không thể thúc giục hay có sự can thiệp.
Chưa chọn đúng năm văn minh đô thị?
Nói về tình hình rào chắn ở TP.HCM một đại biểu cho rằng, khi đường sá toàn rào chắn như thế thì không thể nhìn ra bộ mặt văn minh đô thị. TP.HCM chọn thời điểm năm 2008 thực hiện chủ đề văn minh đô thị chưa hợp lý.
Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, sắp tới sẽ có nhiều chuyển biến tốt hơn, không còn gây cho dân bực dọc. Tới tháng 3/2009, sẽ không còn rào chắn ở quận 5, trong đó sẽ hoàn thành tới 90% công trình trước Tết. Ông Phượng cũng kêu khó vì dù có nhiều cố gắng song dân vẫn kêu, bởi những biến chuyển rào chắn, lô cốt chưa thể thấy ngay trước mắt.
Đại biểu Nguyễn Văn Lưu MTTQ TP.HCM cho rằng, năm 2003, 2004 từng chọn chủ đề năm là trật tự đô thị, năm 2008 và 2009 sắp tới là văn minh đô thị thì cũng na ná nhau mà thôi. Cứ cách vài năm lại lặp lại chủ đề cũ mà không làm triệt để đến cùng thì chẳng khác gì bắt cóc bỏ dĩa.
-
Vinh Giang