- Các ĐBQH đòi hỏi lãnh đạo Hà Nội tự nhìn lại mình khi để xảy ra ngập lụt, gây thiệt hại nặng nề mấy ngày qua. Chính quyền phải có lời hứa, cam kết giải quyết triệt để những hệ lụy của trận "đại hồng thủy".
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng QH:
Lãnh đạo TP cần thẳng thắn tự phê bình
ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết đặt câu hỏi: "Bộ tham mưu và UBND thành phố hằng ngày dành bao nhiêu thời gian để nghĩ đến việc quản lý đô thị cho đâu ra đó?". Ảnh: LAD |
Cách đây 7-8 năm, thành phố có một dự án cải tạo hệ thống thoát nước được đầu tư rất nhiều tiền. Một vị có trách nhiệm từng tuyên bố chắc như đinh đóng cột: “Dự án hoàn thành, Hà Nội sẽ thoát cảnh ngập lụt”.
Bây giờ qua trả lời phỏng vấn của Chủ tịch UBND thành phố, tôi mới biết quy hoạch thoát úng ngập cho Thủ đô chỉ đáp ứng được lượng mưa 170mm. Vậy không hiểu cái dự án hoành tráng kia tiêu tiền vào đâu? Các cơ quan chuyên môn của thành phố dự báo thế nào? Bộ tham mưu và UBND thành phố hằng ngày dành bao nhiêu thời gian để nghĩ đến việc quản lý đô thị cho đâu ra đó?
Tôi rất sửng sốt và đau buồn trước thông tin về số người thiệt mạng và mất tích ở Hà Nội trong mấy ngày mưa lụt vừa qua. Con số 18 là quá lớn, nếu chúng ta nhớ rằng trong các cơn bão năm ngoái và năm nay, nhiều tỉnh, thành phố nằm ở vùng tâm bão đi qua không mất một người. Những thiệt hại về người và của ở các địa phương đó được hạn chế đến mức cao nhất là do công tác phòng chống bão lụt được thực hiện rất tốt. Tôi đặc biệt đau lòng về cái chết của một cháu gái học lớp 7 do sa chân xuống đường thoát nước ở ngã tư Hồ Đắc Di - Đặng Văn Ngữ.
Người lớn chúng ta đã không bảo đảm được an toàn cho cháu giữa một quận trung tâm Thủ đô. Đây là một nỗi đau, nỗi xấu hổ của những người có trách nhiệm và của mỗi người dân chúng ta.
Nhân dân thông qua hệ thống bầu cử đã trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra những người lãnh đạo thành phố thì cũng có quyền đòi hỏi lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc chịu trách nhiệm về toàn bộ những gì diễn ra trong thành phố của mình.
Theo tôi, trong việc này, lãnh đạo UBND thành phố cần thẳng thắn tự phê bình trước dân, thi hành kỷ luật những người chịu trách nhiệm chính và công bố kế hoạch cải tạo hệ thống thoát nước của thành phố để chấm dứt nỗi thống khổ này.
Người dân có quyền hỏi trách nhiệm của lãnh đạo TP HN về bất cập của hệ thống thoát nước, chống ngập úng. Ảnh: Việt Hùng
Riêng việc để cháu học sinh thiệt mạng vì trôi xuống đường thoát nước, phải xác định rõ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm đối với người có trách nhiệm. Nếu vụ việc của cháu bé lần này không được xử lý đến nơi đến chốn thì những vụ việc gây chết người do vô trách nhiệm sẽ tiếp tục tái diễn.
ĐBQH kiêm ĐB HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Nguyệt Hường:
Thiếu hệ thống dự trữ hàng hóa khẩn cấp
Tính chất “lịch sử” của cơn mưa ở Thủ đô những ngày cuối tuần qua là sự bất ngờ. Nhưng loại trừ yếu tố đó, nó cho thấy hạ tầng Thủ đô tiếp tục là câu chuyện dài. Hà Nội đã đầu tư rất nhiều những công trình hạ tầng nhưng hiệu quả đã đến đâu?
Không chỉ vì trận mưa để truy cứu trách nhiệm nhưng nó để cho chính quyền phải tự nhìn lại. Sự chậm trễ hoặc thiếu hiệu quả trong việc triển khai các công trình hạ tầng đã tạo nên những hệ lụy.
Trong những ngày ngập lụt qua đã xảy ra hiện tượng hàng hóa khan hiếm, rau cỏ, hàng hóa trong các siêu thị hết chóng vánh. Bài học rút ra là trong mọi tình huống, đặc biệt tình huống khẩn cấp, bất ngờ, chính quyền thành phố phải có hỗ trợ hệ thống phân phối cũng như dự trữ hàng hóa để đảm bảo cuộc sống của người dân.
Thủ đô của một đất nước không thể sống theo kiểu cơ chế tự cung tự cấp vì trong trung tâm, người dân không có đất để trồng rau hoặc chăn nuôi. Ngập lụt khiến cản trở việc cung cấp hàng hóa từ ngoại đô vào đã đành nhưng ngay cả nhiều vùng ngoại thành như huyện Mê Linh, nơi chưa có tốc độ đô thị cao cũng bị thiếu hàng hóa, lương thực.
ĐBQH kiêm ĐB HĐND Hà Nội Phạm Thị Loan:
"Thần thiêng nhờ bộ hạ"
ĐBQH Phạm Thị Loan: Hà Nội phải có cơ chế bình ổn giá ngay lập tức sau ngập lụt. Ảnh: LAD
Mấy ngày vừa rồi người dân nhà nào lo nhà đó. Những người thiệt mạng vì ngập lụt cần phải được chính quyền thăm hỏi, hỗ trợ, chia sẻ.
Quan trọng nhất là chính quyền phải có lời hứa, cam kết giải quyết những hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân những ngày vừa qua. Nhưng nếu chỉ nói cho qua lần này mà không có cam kết cho lâu dài, triệt để thì cũng chỉ đến thế.
Không chỉ vai trò lãnh đạo của thành phố mà lãnh đạo các sở, ban, ngành cũng phải vào cuộc. “Thần thiêng nhờ bộ hạ”, nếu lãnh đạo thành phố không có bộ phận giúp việc, trưởng ban, ngành giỏi giang, không tham mưu tốt công việc thì mọi việc cũng vậy thôi.
Hà Nội phải có cơ chế bình ổn giá ngay lập tức sau ngập lụt, phải có phương pháp điều tiết, đưa hàng hóa ở các nơi về Thủ đô, nếu không lại nhân cơ hội này giá leo thang. Trong mọi tình huống, chính quyền phải chủ động, không thể đợi giá tăng rồi mới ra biện pháp.
Tôi cũng đặc biệt lưu tâm việc quy hoạch thiếu hệ thống. Nhiều nước trên thế giới xây Thủ đô cách đây cả trăm năm mà không bị cảnh như mình do biết nhìn xa trông rộng. Ở mình, hậu quả thế này ai cũng nhìn thấy nhưng không hiểu tại sao chẳng chịu làm.
Đáng lẽ thành phố phải được quy hoạch tổng thể nhưng cảnh vừa qua bộc lộ kiểu "áo rách" đến đâu thì “vá” đến đấy, thích mở rộng đến đâu thì mở rộng, thích xây khu đô thị nhà cao tầng ở đâu thì xây tùy tiện. Quy hoạch chỉ quan tâm phần nổi nhiều hơn phần ngầm nên hệ thống tiêu thoát, cấp nước mới xảy ra thực trạng như vậy.
Thực tế tiền bỏ ra đầu tư không ít nhưng không hiệu quả vì không theo quy hoạch tổng thể, được chỗ nọ mất chỗ kia. Ai chịu trách nhiệm về thực trạng quy hoạch như vậy? Quy hoạch tổng thể phải đặt lên hàng đầu, không chỉ ở Hà Nội mà phải đấu nối với các tỉnh, vùng miền xung quanh, nếu không, Hà Nội lại xả ra xung quanh cũng không ổn.
-
Xuân Linh