- Theo dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự được trình QH chiều 3/11, một loạt tội danh sẽ không còn chịu án tử hình: hiếp dâm, tham ô, đưa, nhận hối lộ...
Trong danh sách các tội được đề nghị không còn chịu hình phạt tử hình, còn có tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái…
Ủy ban Tư pháp QH : Bỏ án tử hình với tội tham ô và nhận hối lộ là chưa phù hợp !
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba: Nếu bỏ án tử hình với tội tham ô và nhận hối lộ là chưa phù hợp với tình hình hiện nay. Ảnh: TTXVN
Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, dự án Luật đã hạn chế phạm vi án tử hình, chỉ áp dụng với người phạm một số ít các tội đặc biệt nghiêm trọng, được thực hiện một cách dã man, tàn bạo, mất nhân tính hoặc việc phạm tội cũng như người phạm tội là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị QH xem xét việc phi hình sự hoá đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, coi người nghiện ma túy như bệnh nhân, nạn nhân.
Tán thành với việc bỏ hình phạt tử hình với nhiều tội danh, nhưng Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba lưu ý, nếu bỏ án tử hình với 3 tội: Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tham ô tài sản và nhận hối lộ là chưa phù hợp với tình hình hiện nay.
"Tệ tham nhũng được coi là quốc nạn và vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp cần xử lý nghiêm minh", bà Thu Ba lưu ý.
Không thêm quyền cho chủ tịch xã
Đề án về thí điểm cho dân bầu trực tiếp chủ tịch xã do Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đọc trước QH chiều 3/11 đã bỏ đi một đề xuất quan trọng là "nới" thêm quyền cho chủ tịch như quyết định đề xuất "ghế" phó chủ tịch và ủy viên, quyết định quản lý sử dụng kinh phí ngoài ngân sách.
"UB Pháp luật tán thành việc giữ nguyên tên gọi và quyền hạn cho chủ tịch do dân bầu cũng giống như quy định lâu nay", Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói.
Tuy nhiên, UB này tiếp tục đề xuất phải làm rõ cơ sở khoa học và tính pháp lý của việc thí điểm cho dân bầu chủ tịch xã và bỏ HĐND quận, huyện, phường để sau khi thí điểm sẽ làm đại trà.
Chủ tịch xã ở khu vực đô thị phải có trình độ ĐH, ở các vùng nông thôn đồng bằng ít nhất phải có trình độ trung cấp trở lên, ở miền núi phải tốt nghiệp THPT, với các xã đặc biệt khó khăn, có thể chỉ cần tốt nghiệp THCS.
Chẳng hạn, theo Bộ trưởng Tuấn, vị chủ tịch do dân bầu sẽ bị chính dân bãi nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ và không còn được cử tri tín nhiệm. Đề án quy định, nếu có 1/3 cử tri trong xã bất tín nhiệm thì chủ tịch UBND huyện sẽ xem xét cho bỏ phiếu.
Nhưng UB Pháp luật QH lại đặt vấn đề, đã là chủ tịch xã do dân bầu thì có nhất thiết khi miễn nhiệm phải thông qua chủ tịch huyện và HĐND nữa không?
Đề án còn quy định điều kiện, tiêu chuẩn bầu chủ tịch xã. Theo đó, chủ tịch xã ở khu vực đô thị phải có trình độ ĐH, ở các vùng nông thôn đồng bằng ít nhất phải có trình độ trung cấp trở lên, ở miền núi phải tốt nghiệp THPT, với các xã đặc biệt khó khăn, có thể chỉ cần tốt nghiệp THCS.
Ứng viên phải có chương trình hành động rõ ràng, am hiểu phong tục địa phương. Ba nguồn giới thiệu là HĐND, cử tri và tự ứng cử.
Về việc bỏ HĐND quận, huyện, phường, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, các chức năng sẽ được chuyển sang cho cơ quan cùng cấp hoặc chuyển giao cho HĐND cấp trên. Cán bộ chuyên trách HĐND sẽ được bố trí công việc khác phù hợp. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận lưu ý: "Không nên đặt vấn đề ai sẽ thực hiện chức năng HĐND".
Ngày 4/11, các ĐBQH sẽ thảo luận tại tổ về đề án này. Nhiều vấn đề UB này đặt ra sẽ tiếp tục được tranh luận như tại sao vẫn duy trì HĐND cấp thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Bỏ HĐND rồi nhưng sao vẫn tiếp tục duy trì các tổ chức khác ở cấp chính quyền tương đương.
"Nếu nói rằng bỏ HĐND là do nó có nhiều tồn tại, vẫn còn hình thức thì các tồn tại này là chung ở tất cả các cơ quan dân cử", ông Thuận nói.
Bổ sung 3 tội danh mới về môi trường: Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường; Nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại. Ngoài ra, luật còn nâng mức phạt tiền với các tội phạm về môi trường. |