221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1126131
Cân nhắc khi bỏ án tử hình tội tham ô
1
Article
null
Cân nhắc khi bỏ án tử hình tội tham ô
,

 - Đồng tình với quan điểm hạn chế dần án tử hình, nhưng khi góp ý cho Bộ luật Hình sự sửa đổi chiều 6/11, các ĐBQH đều cho rằng riêng với tội tham ô, đưa, nhận hối lộ thì vẫn nên giữ nguyên khung hình phạt này.

Răn đe hay "chỉ để dọa"?

ĐBQH tranh luận trong giờ giải lao. Ảnh: LAD

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) khẳng định, các tội danh này nhất thiết phải chịu án tử hình thì mới có tính răn đe.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật QH Trần Đình Long, lâu nay tuy giữ án tử hình nhưng "chỉ để dọa thôi" còn tài sản tham ô vẫn không thu hồi được. "Nhiều người vẫn tham ô vì xác định "hy sinh đời bố, củng cố đời con", ông Long nói.

Phó Trưởng thi hành án tỉnh Nam Định Trần Thị Phương Hoa cho hay, Bộ luật Hình sự đưa ra án tử hình cho tội tham ô nhưng các vụ việc vẫn không giảm, cho thấy mức tử hình đã không phát huy tác dụng. Lâu nay mới chỉ tuyên 1 án tử hình cho Lã Thị Kim Oanh nhưng sau đó lại giảm xuống chung thân.

Cũng theo bà Hoa, kiến nghị thay thế tử hình bằng biện pháp hoàn trả tiền khó thực hiện vì "khi sờ đến tài sản, không thấy tiền tham ô đâu".

Chánh án Tòa án Quân sự TƯ Trần Văn Độ phân tích, Bộ luật Hình sự quy định 29 tội danh áp dụng án tử hình, nhưng thực tế, chỉ rất ít án được tuyên, nhiều nhất là giết người, hoặc liên quan đến ma túy, sau đó đến tham ô, lừa đảo, con số án tuyên không nhiều.

Với 29 tội danh áp khung tử hình, liên quan đến ma túy có tới 3 tội, thì gần 14% số tội danh của Việt Nam có áp khung tử hình, theo Phó GĐ Sở Tư pháp Bến Tre Trịnh Thị Thanh Bình là quá nhiều. "Đa phần các tội danh áp dụng án tử hình chủ yếu mang tính răn đe và nhiều tội chưa từng áp dụng thực tế, hoặc nếu có thì liên quan đến vấn đề dẫn độ, không thuộc trách nhiệm của ta nữa", bà Bình cho hay.

Dù để răn đe, nhưng theo ông Độ, cần hết sức thận trọng khi áp dụng. "Năm 2006, trong vụ án Vũ Xuân Trường, chúng ta đã tuyên một lúc 6 án tử hình. Một quan chức ngành tư pháp bấy giờ đã nói, "bây giờ, đố kẻ nào cả gan buôn bán heroin nữa". Thực tế thì sao? Hiện nay, buôn bán heroin ngày càng nhiều. Ngay cả áp dụng án tử hình cũng không giúp ta chống được!", ông Độ nhận định.

Cũng theo ông Độ, có thời điểm đã áp dụng triệt để án tử hình với tội giết người nhằm làm gương, tuyên tử hình rất sớm ở xét xử sơ chung thẩm, không để phúc thẩm, song tội phạm càng tăng.

Phó GĐ Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng lưu ý có thể thay thế án tử hình bằng hình phạt chung thân suốt đời. "Như hiện nay cứ vào tù, tuy nhận án chung thân nhưng 15-20 năm sau được xem xét giảm án, thế là được ra tù, lấy lại tài sản đang tẩu tán, tiếp tục sống phè phỡn".

Còn dung dưỡng tội phạm môi trường

Bộ luật Hình sự đưa thêm ba tội danh mới về môi trường nhưng nhiều ĐB tiếp tục cho rằng khung hình phạt đã rất rõ ràng, chẳng qua khi xử lý làm chưa đến nơi đến chốn.

"Sao cứ nói rằng khó xử lý hình sự vì vướng ở khâu đánh giá tác động môi trường? Nếu đầu tư máy móc, hoàn toàn có thể đánh giá được mức độ tác động và phạm vi ảnh hưởng", ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) nói.

Phó GĐ Sở Tư pháp Bến Tre Trịnh Thị Thanh Bình quan ngại, hiện nay 65 tội danh phải qua xử lý hành chính mới có thể xử lí hình sự. Điều này cản trở việc xét xử, nhất là với tội danh gây ô nhiễm môi trường.

ĐB Độ nói, cần điều chỉnh để dễ áp dụng hơn, nhưng cũng hết sức thận trọng để không từ quá hữu sang quá tả. "Làm không khéo sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế, chùn bước các nhà đầu tư, khiến họ không dám đầu tư, kinh doanh".

Đồng tình với quan điểm này, bà Bình nói, xử phạt phải gắn với quản lý, giám sát, phòng ngừa và trách nhiệm của cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

"Chúng ta dễ dãi trong đánh giá tác động môi trường, lỏng lẻo trong giám sát, dung dưỡng cho DN để thúc đẩy đầu tư, đến khi bức xúc thì la lên, và áp các biện pháp hình sự để xét xử. Lúc đó cũng không hiệu quả gì", bà Bình nói.

Các ĐB còn cho rằng nên bỏ án tử hình với các tội phạm kinh tế. Với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh không nên loại bỏ hình phạt tử hình vì hậu quả có khi gây chết người.

Đặc biệt, các tội danh "tội phạm chiến tranh, chống lại loại người" cũng không nên đưa khỏi khung hình phạt tử hình vì nếu để xảy ra, sẽ dẫn đến hậu quả "mất nước".

  • Lê Nhung - Phương Loan

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,