221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1127031
Chất vấn: Tranh luận đến cùng
1
Article
null
Chất vấn: Tranh luận đến cùng
,

 - Các bộ trưởng phải trả lời đến tận cùng vấn đề và đại biểu cũng phải tranh luận đến cùng. Đây là mong muốn của các ĐBQH trước phiên chất vấn bắt đầu sáng nay (11/11) và sẽ kéo dài 2 ngày rưỡi.

"Đại biểu không hỏi để biết". Ảnh: LN
Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Kiên Giang Danh Út:

Cái gì cũng đẩy lên Thủ tướng

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII vừa rồi ông đã chất vấn Bộ TN&MT về ô nhiễm nguồn nước và Bộ trưởng đã trả lời bằng văn bản. Theo dõi từ kỳ họp đó đến nay, ông thấy vấn đề đã được xử lý đến đâu?

- Đến nay, vi phạm ô nhiễm môi trường đang ngày càng nóng bỏng hơn. Điều đó chứng tỏ phần trả lời của Bộ trưởng chưa thực sự có ý nghĩa.

Vậy kỳ này ông có tiếp tục chất vấn Bộ trưởng TN&MT không?

- Tôi đã gửi câu hỏi tới cả Bộ TN&MT và Bộ Công thương về xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường và gian lận thương mại. Tôi sẽ chờ xem hai Bộ trưởng trả lời thế nào. Nếu chưa ưng ý, tôi lại chất vấn tiếp.

Câu hỏi của tôi là đến nay tại sao có tới 70% khu công nghiệp, 90% cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý ô nhiễm nhưng vẫn được cấp giấy phép hoạt động. Lẽ ra trước khi phê duyệt  các dự án bao giờ cũng phải có báo cáo tác động môi trường. Tại sao không có hệ thống xử lý chất thải mà vẫn nhận được giấy phép hoạt động?

Rất mừng vì đến bây giờ Thủ tướng đã ra tay xử lý vấn đề Vedan, không để câu chuyện cứ bị đẩy qua đẩy lại. Nhưng rõ ràng khi QH đã phê chuẩn các thành viên Chính phủ thì nên tránh tình trạng đụng đến cái gì cũng đẩy lên Thủ tướng. Từ chuyện EVN xin trích 1.000 tỷ đồng thưởng cho đến Vedan.

Từng chất vấn ở nhiều phiên họp QH, ông có quan tâm theo dõi việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng không?

- Tôi thấy làm chưa tốt. Như Bộ trưởng GTVT, tuy đã xử lý ráo riết được nhiều dự án nhưng vẫn còn không ít công trình chậm tiến độ như Quốc lộ 61,  63...

Nhưng Bộ trưởng KH&ĐT thì khác. Có lần tôi chất vấn về việc vì sao trong chương trình 134 không thấy hạng mục cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. 7 ngày sau khi họp QH trở về tôi đã thấy quyết định của Thủ tướng. Tuy vẫn còn vướng hướng dẫn của Bộ Tài chính nhưng như vậy rất mừng.

Nhưng có vẻ như do bị khống chế thời gian nên ĐB ít có điều kiện để chất vấn đến tận cùng vấn đề?

- Tôi muốn các bộ trưởng phải trả lời đến tận cùng vấn đề và đại biểu cũng phải tranh luận đến cùng. Muốn như vậy, khâu chuẩn bị, khâu trả lời đều phải khoa học, tránh tình trạng bộ trưởng né không trả lời. Hỏi cái gì nên trả lời đúng cái đó. ĐB không hỏi chỉ để biết.

Như kỳ trước tôi đã dồn Bộ KH&ĐT đến cùng, nên bộ này mới tham mưu cho Thủ tướng về cấp đất cho bà con thiểu số.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Bình Dương Huỳnh Ngọc Đáng:

Tiếp tục chất vấn về EVN

Kỳ vừa rồi tôi chất vấn về việc tập đoàn đầu tư ra ngoài ngành, nhất là EVN. Qua theo dõi tôi thấy cũng có điều chỉnh nhưng không đáng kể nên kỳ này tôi lại tiếp tục chất vấn để ra được vấn đề.

Hơn nữa, các khu công nghiệp ở TP.HCM và Bình Dương vừa qua bị cắt điện rất nhiều. Họ đều có văn bản đề nghị xem xét tình  trạng này. Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan cũng họp bàn đề đạt kiến nghị.

Nhân đây, tôi đã gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Công thương, chất vấn vì sao đã thực hiện các chính sách như giãn, hoãn thuế, đã hạ lãi suất cơ bản nhưng lại không giải quyết được triệt để vấn đề cung cấp đủ điện. Bộ trưởng sẽ làm gì để giải quyết tình trạng này?

Mặt khác, thời gian tới có thay đổi gì trong cơ chế của ngành điện? Không thể để cho anh vừa sản xuất vừa đi bán điện, mà tất yếu là chỉ chạy theo lãi suất, phần việc nào làm không hiệu quả thì không quan tâm.

Ông Cao Sĩ Kiêm: "Chất vấn, giải quyết vấn đề chỉ ở mức độ nhất định". Ảnh: LN

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm:

Người hỏi và trả lời không gặp nhau

Tôi vẫn thường xuyên chất vấn nhưng là chất vấn trực tiếp, có gì thắc mắc trao đổi luôn, thường xuyên, liên tục, bàn bạc kỹ lưỡng. Thời còn là Thống đốc, tôi đã trả lời chất vấn nhiều rồi, nên tôi không chất vấn ai ở Hội trường nữa và rất hiểu hoàn cảnh của người ở vị trí  phải trả lời chất vấn.

Vấn đề của từng bộ, ngành bao giờ cũng mang tính nghiệp vụ, rất chuyên sâu. Một vấn đề phải nói cả ngày mới hết.

Chứ đưa ra chất vấn, anh hỏi thì muốn phải trúng ngay nhưng thời gian không nhiều nên không nói được là bao. Thế là giải quyết vấn đề cũng chỉ có mức độ nhất định thôi. Người hỏi thì chàng màng, người trả lời không đi được tận gốc. Thế là không gặp nhau.

Hoặc có thể người trả lời lại dùng "nghiệp vụ" nên tìm cách "xuê xoa", đánh lạc hướng, khiến người nghe chán.

Chất vấn tốt nhất là gặp trực tiếp để đề đạt và tìm cách thức xử lý.

Sau phát biểu khai mạc phiên chất vấn của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng sáng 11/11, sẽ có 4 thành viên Chính phủ đăng đàn: Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;