221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1127171
"Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do lịch sử để lại"!
1
Article
null
Chất vấn Bộ trưởng TN&MT:
'Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do lịch sử để lại'!
,

 - Lần đầu tiên đăng đàn trước QH, Bộ trưởng TNMT Phạm Khôi Nguyên cho hay một loạt yếu kém tồn tại từ lâu: Vi phạm tinh vi nhưng thanh tra môi trường yếu, DN dùng công nghệ cũ kỹ, hệ thống pháp luật vẫn đang được hoàn thiện, DN khai thác tài nguyên trước kia chỉ cần thuyết trình miệng dự án.

Chính phủ đang chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm

ĐB Danh Út: "Bộ đổ cho tỉnh, tỉnh nói Bộ, đến nỗi Thường trực Chính phủ cuối cùng phải họp". Ảnh: Trí Dũng 

Dù đã nhận được câu trả  lời bằng văn bản, nhưng ĐB Danh Út (Kiên Giang) vẫn là người đầu tiên truy vấn Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: "Vì sao 70% KCN, 90% cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải mà vẫn hoạt động? Xử lý vi phạm của Vedan thế nào? Bộ trưởng nói sẽ tấn  công, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói xử phạt mức cao nhất, vậy đến nay đã có CBCC nào của Bộ, địa phương phải từ chức chưa?".

Bộ trưởng Nguyên nói, vi phạm của DN này rất tinh vi, lắt léo, có tổ chức. Cũng không có chuyện DN chưa có đánh giá tác động môi trường mà đã được cấp giấy phép hoạt động, nhưng tùy thời điểm, tầm quan trọng của môi trường được đánh giá khác nhau.

Năm 1994, chính Bộ KHCN đã yêu cầu Vedan báo cáo đánh giá tác động môi trường và phê duyệt cho dự án của 3/7 nhà máy.

"Vedan hứa 6 tháng sẽ làm xong hệ thống xử lý ô nhiễm, nhưng cuối 1995 họ lại xả nước thải làm chết cá sông Thị Vải, lúc đó, người dân kêu cứu, các bộ vào cuộc buộc Vedan hỗ trợ 15 tỷ để chuyển đổi nghề nghiệp", ông Nguyên kể.

DN này đã đổ 1 tấn chất thải sau lên men vào rừng cao su, người dân được 100.000 đồng/tấn  và rồi tung tin là điều này có lợi cho cây trồng. Rồi lại loan tin, chất sau lên men tạo rong biển, thức ăn cho cá rồi đổ ra biển Vũng Tàu. Lẽ ra phải đầu tư 465 triệu USD xây dựng hệ thống xử lý thì Vedan chỉ bỏ ra 5 triệu USD. Mỗi lần thanh tra vào, họ đều cho thải qua hệ thống xử lý.

Chỉ sau khi thanh tra môi trường vào cuộc triệt để, sự thật mới được phanh phui.

Lần đầu tiên trả lời chất vấn của QH, Bộ trưởng TNMT Phạm Khôi Nguyên cho hay:  "Khi nào dân được sống trong môi trường trong lành là câu hỏi khó trả lời ngay". Ảnh: Thanh Sơn

Bộ trưởng Nguyên trần tình: "Vedan đã thừa nhận sai phạm, cam kết 5 - 8 tháng nữa sẽ xong hệ thống xử lý nước thải mới, hết 2009 sẽ nộp 127 tỷ còn lại và đề nghị những nhà máy khác góp phần làm chết sông Thị Vải phải được xử lý nghiêm".

Bộ trưởng TNMT không quên giải thích, vi phạm thì tinh vi như vậy mà lực lượng cảnh sát môi trường lại yếu.

Ông Danh Út tiếp tục truy: "Nhưng vì sao Vedan đến nay không bị đình chỉ hoạt động? Bộ trưởng cũng không trả lời câu hỏi của tôi là vi phạm lớn đến vậy, đã cá nhân nào bị xử lý chưa? Bộ thì đổ cho tỉnh, tỉnh nói Bộ, đến nỗi Thường trực Chính phủ cuối cùng phải họp để bàn phương án".

Bộ trưởng Nguyên nói, đến hôm nay sẽ cưỡng chế đóng cửa 3 nhà máy, tạm dừng một số công đoạn cho đến khi xử lý xong. Bộ TNMT chức năng chỉ là phạt hành chính.

Phó CN Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chưa hài lòng: "Có hay không việc đùn đẩy trách nhiệm? Đã có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm và bị xử lý chưa?". Ông Nguyên kiên định: "Hoạt động của Vedan rất tinh vi, là cố ý. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm".

Cách trả lời vòng vo của Bộ trưởng TNMT được ĐB Nguyễn Văn Nhượng nhận xét là "không ai bị làm sao, vẫn bình yên vô sự cả".  Bản thân Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng phải liên tục nhắc nhở Bộ trưởng Nguyên tập trung trả lời câu hỏi.

"Để hài hòa các lợi ích, cần thời gian"

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) hỏi tiếp: "Tôi đã hỏi Bộ trưởng có giải pháp nào vừa khắc phục vi phạm ô nhiễm vừa đảm bảo công ăn việc làm, khuyến khích DN? Trong văn bản trả lời, Bộ trưởng nói rất khó làm. Biết là khó nhưng khó thì phải có giải pháp gì chứ?".

Ông Nguyên nhắc lại: "Chính phủ đang hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nhưng để hài hòa các lợi ích, cần có thời gian".

"Vi phạm ô nhiễm môi trường ở nước ta nghiêm trọng do lịch sử để lại. 80% cơ sở dùng công nghệ những năm 80. Trong 2.000 làng nghề có tới 1.400 làng ô nhiễm. 3 cơ sở có chất độc dioxin, đến nay chưa khắc phục. 20 năm tăng trưởng kinh tế liên tục, cứ tăng 1% GDP mà không có chiến lược thì sẽ mất đi 3%", ông Nguyên chia sẻ. 

"Vi phạm thì tinh vi mà cảnh sát môi trường lại yếu". Ảnh: VNN

Vì thế, để tìm giải pháp mạnh và triệt để, phải tính toán kỹ trên trục phát triển bền vững: tăng trưởng kinh tế hài hòa lợi ích xã hội.

Ông Nguyên cho hay, đến 2015 đặt chỉ tiêu xử lý  439 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu ở 183  khu công nghiệp tập trung và các nhà máy hóa chất.

Bà Nguyễn Thị Khá chưa hài lòng: "Lộ trình như thế hơi dài. Vậy trước mắt nếu có cơ sở mới gây ô nhiễm thì ai chịu trách nhiệm?".

Ông Nguyên nói ngay: "Chúng tôi sẽ quản lý rất chặt các cơ sở mới thành lập. Trước khi cấp giấy phép hoạt động phải làm báo cáo đánh giá tác động".

ĐB Võ Văn Liêm tiếp tục truy: "Theo chỉ tiêu đến 2009 mới xử lý xong  65% cơ sở gây ô nhiễm, vậy 35% còn lại thải đi đâu? Khi nào dân được sống trong môi trường trong lành? Nếu lộ trình đến 2015, thì thiệt hại từ nay đến đó cho dân, ai hứng chịu?".

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên giải thích, năm 2009, đã dành 1% chi ngân sách cho bảo vệ môi trường. Lần đầu tiên, chỉ tiêu về môi trường đã được quán triệt và đưa vào kế hoạch 5 năm, cho thấy Chính phủ đã nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề. Cái vướng nhất vẫn là công nghệ cũ, không thể thay đổi trong ngày một ngày hai.

"Chia lửa" với Bộ trưởng TNMT, Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc lên tiếng:

"Không có chuyện các KCN không có hệ thống xử lý chất thải mà vẫn được cấp phép.

Chẳng qua do trước kia chúng ta đã không đặt vấn đề môi trường đúng mức. Nhiều KCN những năm 60, 70 không có cơ sở xử lý ô nhiễm. Chúng ta chỉ coi trọng ở những DN, KCN ô nhiễm nặng.

Chẳng hạn, nhà máy giấy Bãi Bằng thì có nhưng hóa chất Lâm Thao thì không. Hà Nội cũng vậy, mãi sau khi có các dự án ODA thì mới có hệ thống xử lý chất thải. Sông Kim Ngưu, sông Nhuệ đã chết. Nay, sông Cầu cũng đang chết.

Bây giờ ta mới giật mình".

Ông Nguyên lưu ý, đến khi nào dân được sống trong môi trường trong lành là câu hỏi khó trả lời ngay.

Bauxit: Không khai thác bừa bãi

Nhóm vấn đề thứ hai được quan tâm là tình trạng khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản, DN đổ xô đi tìm các mỏ bauxit, mangan trong khi chưa có một quy hoạch khoáng sản thực sự.

Trả lời câu hỏi của ĐB Võ Minh Phương (Lâm Đồng) về dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên đang bị nhiều nhà khoa học phản đối quyết liệt, khiến đồng bào Tây nguyên cảm thấy quan ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường trên diện rộng, ông Nguyên nói, tiềm năng bauxit ở khu vực này rất lớn. Tây Nguyên có 2,6 tỷ tấn, riêng Đăk Nông 1,5 tỷ tấn.

Theo khẳng định của Bộ trưởng TNMT, ngành công nghiệp này rất có tiềm năng, hiệu quả lớn. "Các nhà KH cứ lo khai thác ồ ạt nhưng thực tế trong quy hoạch phát triển mà Thủ tướng phê duyệt đã chia nhiều công đoạn, từ thăm dò đến khai thác, chế biến. Tinh thần là không ồ ạt, có đánh giá tác động môi trường kỹ".

Trước băn khoăn về việc VN không có quy hoạch lại tài nguyên để dành cho đời sau, mà mạnh ai nấy khai thác, ông Nguyên cho hay, từ năm 1999, để kêu gọi DN, chúng ta đã phải hô hào để DN vào khai thác. Đề án có khi chỉ cần thuyết trình sơ lược bằng miệng. Nhưng đến nay, quy trình xét duyệt đã phải siết chặt hơn, dự án phải trình bày bằng văn bản.

"Nhưng phải nói là năng lực thẩm tra còn hạn chế, nhiều DN khoáng sản đã được phê duyệt dự án rồi nhưng khi đưa vào thực hiện lại có thay đổi khác, không kiểm soát được. Chưa kể, lĩnh vực này có những đặc thù riêng", ông Nguyên thừa nhận.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,