221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1127375
Lạm phát giảm, sao giá vẫn tăng?
1
Article
null
Lạm phát giảm, sao giá vẫn tăng?
,

  - Trả lời chất vấn của ĐBQH về nghịch lý "lạm phát đã được kiềm chế nhưng giá một số hàng hóa, dịch vụ không giảm mà còn tăng’, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nói: “Có mặt hàng chưa hạ ngay được”.

Dù được Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng "rao"  trước chỉ tập trung vào chính sách thuế và an ninh tiền tệ nhưng ĐBQH chiều 11/11 vẫn tiếp tục "truy" Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh về hoạt động của DNNN, tập đoàn, tổng công ty.

"Bộ không đưa ra được số liệu về tập đoàn, TCT"

 

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: "Điều hành thuế theo  lộ trình, không tùy tiện". Ảnh: Thanh Sơn

"Rất bình tĩnh và có kinh nghiệm" như nhận xét của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, ông Ninh lần lượt báo cáo việc thực hiện lời hứa sơ kết mô hình TĐ, TCT.

Theo đó, các bộ, ngành đang tổng hợp báo cáo trình Chính phủ. Riêng Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng sửa đổi một số vấn đề như khống chế tỷ lệ huy động vốn, nghiêm cấm đầu tư quỹ mạo hiểm và quỹ rủi ro, khống chế đầu tư vào lĩnh vực rủi ro như ngân hàng, BĐS, chứng khoán... và tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngành.

Phó CN Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Phúc hỏi: "Trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT trong quản lý vốn đến đâu khi DNNN là một trong những tác nhân gây lạm phát?".

Ông Phúc cũng nghi ngờ khả năng nắm bắt, kiểm soát các nguồn vốn đầu tư của TĐ, TCT. Vì trong đợt giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản vừa rồi, Bộ Tài chính tuy có báo cáo "rất hay ho" nhưng khi UB Thường vụ QH yêu cầu thông báo tình hình các TĐ, TCT, "Bộ đã tỏ ra rất khó khăn và cuối cùng không đưa ra được số liệu gì. Phải chăng có vướng mắc khi quản lý tài chính khu vực này?", ông Phúc nghi vấn.

Rất chậm rãi, ông Ninh giải thích, "đã báo cáo về vai trò của DNNN gửi đại biểu rồi đấy".

Bộ trưởng cho hay, TĐ, TCT đang làm ăn hiệu quả. Trừ vài TCT thua lỗ, còn lại doanh thu và lợi nhuận đều tăng và Bộ vẫn đang kiểm soát chặt chẽ vốn.

"Tới đây sẽ đưa ra các tiêu chí giám sát DN, hàng năm được kiểm toán công khai, hoạt động sẽ đi vào nề nếp. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp tình hình DN và đưa ra giải pháp quản lý hữu hiệu. Sẽ quản lý hiệu quả phần vốn DN, có luật đầu tư vốn của các DNNN", ông Ninh tiếp tục cam kết.  

Giá đầu vào vẫn là "hộp đen" cần giải mã

Chuyện xăng tăng giá đột ngột, giảm nhỏ giọt và nhiều mặt hàng khác đang bị đầu cơ khiến người tiêu dùng chịu thiệt được nhiều ĐBQH truy vấn quyết liệt.

ĐB Phạm Thị Loan: Vì sao khi thép tăng giá thì Bộ lại tăng thuế xuất khẩu để doanh nghiệp mất cơ hội? Ảnh: TTXVN 

ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai(Tây Ninh) bức xúc: “Có một nghịch lý là lạm phát đã được kiềm chế nhưng một số hàng hoá, sản phẩm dịch vụ không giảm mà còn tăng. DN liên kết nhau làm giá, móc túi người tiêu dùng. Bộ trưởng có biện pháp mạnh gì để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng?".

Ông Ninh nói ngay, “có mặt hàng chưa hạ ngay được”.

Như xăng dầu, trước kia DN lỗ do giá dầu trên thế giới tăng cao, thêm nữa, để đảm bảo an ninh năng lượng, Chính phủ yêu cầu tăng lượng hàng dự trữ từ 25 lên 30 ngày. Khi giá dầu thế giới xuống thì DN mới hòa vốn. Nhưng đưa ra giá bán lẻ là phải tính giá bình quân của 30 ngày trước.

Bà Bạch Mai đứng lên: “Có độ trễ nhưng trễ cũng phải có giới hạn! Chính phủ làm gì để kiểm soát đầu vào không để DN bắt tay làm giá. Giá đầu vào các sản phẩm dịch vụ vẫn đang là hộp đen... Đề nghị giải mã?".

Bộ trưởng Ninh đáp ngay: “Vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong kiểm soát giá”.

Người đứng đầu ngành tài chính cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu, tổ chức công bố công khai các mức thuế nhập khẩu tương ứng với mỗi mức giá dầu khác nhau, công bố mức tiền và thời gian mà DN được trích để bù lỗ cho nhân dân giám sát.

ĐB Phạm Đức Châu truy tiếp: "Có người nói kinh doanh xăng dầu siêu lợi nhuận. Đề nghị Bộ trưởng công khai cho QH và nhân dân biết thực chất việc kinh doanh xăng dầu thực chất thế nào mà có mức thuế nhập khẩu và giá bán như hiện nay. Người tiêu dùng đã được bảo đảm quyền lợi chưa?"

"Tăng thuế xuất khẩu để cân đối nhu cầu trong nước"

Trả lời ĐB Phạm Thị Loan vì sao khi thép tăng giá thì Bộ Tài chính lại tăng thuế xuất khẩu để doanh nghiệp mất cơ hội, dẫn đến tồn kho lớn?”, ông Ninh rành rọt: Từ tháng 1 đến tháng 7/2008, các DN đã xuất khẩu một lượng phôi thép rất lớn. Theo cân đối, nhu cầu phôi thép trong nước là 2 triệu tấn/năm, lúc này chúng ta chưa đủ 2 triệu tấn/năm.

Để cân đối nhu cầu trong nước, theo đề nghị của Bộ Công thương, Hiệp hội thép, Bộ Tài chính đã tăng thuế xuất khẩu mặt hàng này. Đến tháng 8 thì tình hình ngược lại, các DN lại nhập khẩu phôi thép nhiều, dư thừa, có yêu cầu hạ thuế để xuất khẩu và theo đề nghị của Bộ Công thương, Hiệp hội thép, Bộ Tài chính đã hạ thuế xuất khẩu.

Nhắc lại câu trả lời cho bà Bạch Mai trước đó, ông Ninh nói thêm, lấy ngay thời điểm ngày hôm trước để tính là không hợp lý. 

Chính sách thuế linh hoạt không có gì lạ

ĐBQH cũng xoáy vào làm rõ vai trò của Bộ Tài chính khi để tái diễn tình trạng chính sách thuế thay đổi xoành xoạch, thiếu ổn định, không có lộ trình... "Một năm mà 2 lần điều chỉnh thuế nhập khẩu xe ô tô, 3 lần điều chỉnh thuế xuất khẩu phôi thép, 2 lần điều chỉnh thuế xuất khẩu gạo", Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng than.

ĐB Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) bức xúc: "Việc hạ thuế nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm làm nông dân gặp khó khăn. Ban hành chính sách đó có tính tới hậu quả gây ra chưa? Quyết sách quan trọng như vậy dựa trên cơ sở khoa học nào, trách nhiệm thuộc về ai? Tại sao lại giảm trước 4 năm so với lộ trình cam kết gia nhập WTO?".

Bộ trưởng Ninh nói ngay, điều  hành thuế với chăn nuôi đều theo lộ trình cam kết, là nhất quán chứ không phải tùy tiện thay đổi.

Ông Ninh giải thích thêm, trong bối cảnh lạm phát, nhập siêu tăng cao có lúc tới 60,9%.. thì áp dụng các chính sách thuế linh hoạt không có gì lạ: "Trong điều kiện bình thường thì chúng ta điều hành một cách bình thường, nếu trong điều kiện không bình thường thì chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp đặc biệt".

Về chuyện hàng loạt hộ chăn nuôi phải bỏ chuồng trại, Bộ trưởng Tài chính nói có nguyên nhân do dịch bệnh. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ nhiều biện pháp hỗ trợ chăn nuôi trong nước như hạ thuế suất thức ăn gia súc và nguyên liệu.

Bà Mai không hài lòng: "Bộ trưởng nói vậy rất đáng buồn vì nông dân điêu đứng không bán được gia cầm trong lúc giá giống cao, giá thức ăn cao mà lãi suất vay vốn ngân hàng cũng rất cao".

 

Ngày 12/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu sẽ lần lượt đăng đàn trước QH. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người cuối cùng trả lời chất vấn, sáng 13/11.
  •  Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,