- "Sau chất vấn, UBTVQH sẽ trích biên bản bóc băng ghi âm, tóm tắt lại gửi đến các bộ trưởng để ghi nhớ việc hứa trước QH, đến kỳ họp sau phải báo cáo", Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng tổng kết.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng
Về việc có ra nghị quyết giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ tại phiên chất vấn hay không, Chủ tịch QH cho hay: "Lâu nay chưa có điều kiện thực hiện, xin phép QH để chúng tôi bàn bạc nghiên cứu rồi báo cáo".
Chưa đến mức phải kỷ luật Bộ trưởng NN&PTNT
Ông Nguyễn Phú Trọng tổng kết, dù rút ngắn nửa ngày so với các phiên chất vấn trước song nhiều cải tiến trong tổ chức đã làm tăng thêm thời gian đối thoại.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch QH, vẫn còn những nội dung chưa được đào sâu, phân tích, mổ xẻ đến nơi đến chốn.
Nhiều bộ trưởng chưa trả lời thẳng vấn đề mà vẫn nặng về giải trình, thuyết minh, diễn giải. Tuy vậy, UBTVQH sẽ gửi tóm tắt những lời hứa của bộ trưởng tại diễn đàn để tiện cho việc theo dõi sau đó.
Tổng kết về 2 ngày rưỡi chất vấn, Chủ tịch QH cho rằng các vị tư lệnh ngành đã dành thời gian để đối thoại nghiêm túc thay vì "báo cáo thành tích".
Chẳng hạn, Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên lần đầu tiên đăng đàn, do lo lắng nên lúc đầu nói còn dài xong do đi vào vấn đề nóng là ô nhiễm môi trường nên vẫn khá sôi nổi.
Trước việc Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát "xin chịu kỷ luật", ông Trọng nói, "Bộ trưởng rất chân thành, nhận trách nhiệm nhưng cũng chưa đến mức phải kỷ luật".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cười sảng khoái trước một ví von sinh động của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu. Ảnh: Thanh Sơn
Phần trả lời của vị Bộ trưởng Tài chính, người đã liên tục trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội cũng như các phiên họp UBTVQH được Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhận xét là "rất có kinh nghiệm, phong cách rất bình tĩnh".
ĐB Ngô Văn Minh: "Nhiều bộ trưởng mới nêu vấn đề mà không làm rõ trách nhiệm cá nhân. Như Bộ trưởng Công thương, nói là nhận một phần trách nhiệm, nhưng giả sử trách nhiệm có 5 phần, anh nhận 1 phần, còn lại của ai? Bộ trưởng Phát sẵn sàng nhận kỷ luật, nhưng có muốn từ chức thì ĐBQH cũng không ai cho ông từ chức". ĐB Hồ Trọng Ngũ: "Tôi ấn tượng với Bộ trưởng Cao Đức Phát, đã nhận trách nhiệm, mặc dù việc dự báo là rất khó. Bộ trưởng sẵn sàng nhận kỷ luật là đúng mức. Trong khi đó, tôi chưa hài lòng với Bộ trưởng Công thương".
Tương tự, sau khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trả lời, ông Trọng đánh giá ông Nhân đã "rất thuộc bài", nói trôi chảy, thông tin phong phú nhưng chưa đi thẳng vào vấn đề.
Trong khi đó, cách trả lời của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu được cho là sinh động, ngắn gọn, đi vào vấn đề... Những câu trả lời của vị Bộ trưởng này khiến ĐBQH nhiều phen cười nghiêng ngả. Ông Triệu cũng là vị Bộ trưởng bị truy tới ba lần do cách "đá bóng" vấn đề sang các vị khác.
Về phần trả lời gây nhiều bức xúc của người đứng đầu Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, ông Trọng cho rằng, "tuy nhiều lần nhấn đi nhấn lại nhận một phần trách nhiệm nhưng ĐB muốn biết trách nhiệm là gì? Khắc phục ra sao?". Phiên chất vấn của ông Hoàng kéo dài nhất bởi hầu hết ĐB đặt câu hỏi cho ông Hoàng đều đứng lên hỏi lại.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu là người có thời gian đăng đàn eo hẹp nhất (60 phút).
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, "lĩnh vực tiền tệ có tình huống không thể lường trước, đến như đại gia Mỹ còn phải lao đao, liểng xiểng, nữa là chúng ta còn đang rất non kém, chưa có kinh nghiệm, mới mon men đi vào kinh tế thị trường, cần tiếp tục rút kinh nghiệm".
Trong 2 ngày rưỡi, đã có 307 câu chất vấn bằng văn bản của 131 ĐB và 129 lượt ý kiến chất vấn tại Hội trường.
Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) đã sửa tên của điều 3 của Luật hiện hành thành “Nguyên tắc quốc tịch” với nội dung: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có các quy định khác”.
Chiều 13/11, Quốc hội đã thông qua 5 dự án Luật gồm: Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Cán bộ, công chức; Luật Đa dạng sinh học và Luật Công nghệ cao.
Việc sửa đổi này nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài mặc dù nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam; một số người gốc Việt Nam trở về đầu tư, sinh sống mong muốn được trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn muốn được giữ quốc tịch nước ngoài.
- Lê Nhung