- Thảo luận lần cuối cùng ở kỳ họp QH lần này về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự, các ĐBQH tiếp tục bàn thảo nhiều nhất về việc có áp dụng hay không án tử hình đối với tội tham nhũng, nhận hối lộ. GĐ Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng sáng 14/11 đề nghị chỉ cần áp dụng hình phạt chung thân không giảm án.
Tội phạm kinh tế sống đế vương trong tù
Theo bà Ngô Minh Hồng, việc thu hẹp hạn chế tối đa quy định về án tử hình là một xu hướng tiến bộ, đồng thời phù hợp với tính nhân đạo của Việt Nam. Quan điểm của GĐ Sở Tư pháp TP.HCM đối với những tội phạm về kinh tế, thậm chí cả án tham nhũng là “làm sao thu hồi lại lớn nhất những tài sản bất lương mà có”.
ĐB Ngô Minh Hồng. Ảnh: Trí Dũng
Bà Hồng nói, vấn đề không phải là tử hình một người trong khi tài sản bất chính của người đó không thu hồi lại được. “Đối với những nhân vật mất hết nhân cách và hoàn toàn không thể hoàn lương được thì tôi nghĩ rằng áp dụng án tử hình là chính xác”.
ĐB Ngô Minh Hồng đề xuất áp dụng hình thức “chung thân không giảm án” đối với loại tội phạm kinh tế, với lý do “nếu án chung thân có khi chỉ 15 năm, rồi bao nhiêu lần giảm án nữa cũng đi ra. Trong khi đấy, những tội phạm về kinh tế thì vợ con hoặc bản thân người đó được tiếp tế từ ngoài vào sống trong tù cũng hết sức là đế vương. Chúng tôi nghĩ đây thực sự gây ra sự không công bằng trong xã hội”.
Liên quan đến băn khoăn của nhiều ĐB trước đó phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về khó khăn khi truy tìm tài sản bất lương do tham nhũng, theo bà Hồng, vấn đề là “chúng ta có muốn làm hay không”.
GĐ Sở Tư pháp TP.HCM nói: “Tôi nghĩ rằng để án tử hình trong các tội phạm tham nhũng cũng thể hiện một phần quyết tâm chống tham nhũng, quyết tâm chống tham nhũng chính là ở chỗ chúng ta truy lùng cho được tài sản, yêu cầu giải trình về tài sản thì chúng ta sẽ chắc chắn tìm ra được tài sản nào là tài sản tham nhũng để thu hồi”.
ĐB Lương Phan Cừ đồng tình: “Đối với tội phạm kinh tế, phải có một cách nhìn nhận khác hơn, có rất nhiều biện pháp để đấu tranh với loại tội phạm này”.
“Bất lợi” bỏ án tử hình với “quốc nạn”
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể đưa ra một số tiêu chí như thế nào là có thể bỏ được hình phạt tử hình. “Nếu không, sẽ dẫn tới tình trạng là về chủ trương rất đồng ý, nhưng đi vào cụ thể thì đưa ra 17 điều, hầu hết lại thấy không thể bỏ được”.
Ông Vượng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, nếu bỏ án tử hình với tội tham ô và nhận hối lộ là bất lợi.
Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị phải xem xét kỹ việc phi hình sự hoá hành vi đưa hối lộ. Theo phân tích của ông Vượng, cần phân biệt 2 loại đưa hối lộ: “Anh không có năng lực, trình độ gì cả, nhưng lại muốn có chức, có quyền, muốn có dự án kiếm hàng mấy trăm tỷ đồng, anh chạy mất chục tỷ để có mấy trăm tỷ thì làm sao lại phi hình sự hóa được? Cái đó khác với việc người ta đi xin giấy phép để xây nhà, hoàn toàn đúng, nhưng anh kia có quyền cấp giấy phép, không có tiền thì không cấp”.
Nhiều ĐBQH khác cũng đề nghị chỉ xem xét để bỏ hình phạt tử hình trong một số tội liên quan nhiều đến kinh tế. Riêng những tội tham nhũng như tham ô, nhận hối lộ, đa số vẫn coi đó là quốc nạn, chưa nên bỏ hình phạt tử hình trong giai đoạn hiện nay. Như ý kiến của ĐB Trần Đình Nhã, “chúng ta giữ hình phạt tử hình để tuyên bố được quan niệm của chúng ta, những tội này trong giai đoạn hiện nay vẫn là tội đặc biệt nghiêm trọng chưa thể bỏ được. Còn khi nào bỏ toàn bộ thì chúng ta bỏ sau”.
Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Bộ luật Hình sự quy định có nhiều khung và mức hình phạt rất khác nhau, từ 20 năm, chung thân, tử hình thì trong thực tiễn “vận dụng tùy theo từng vụ việc cụ thể có thể để áp dụng bớt hình phạt tử hình”.
-
Vân Anh