- Tối 21/11, trao đổi với VietNamNet qua điện thoại từ Praha, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa (CH) Séc Hoàng Đình Thắng nói: Cộng đồng người Việt bất ngờ với quyết định của Chính phủ Séc ngừng tiếp nhận hồ sơ xin thị thực (visa) dài hạn và cư trú của công dân Việt Nam từ nay đến cuối năm 2008.
Mọi người đều cố gắng sống tốt để hội nhập
Những thông tin liên quan đến vấn đề này được phản ánh tại Séc như thế nào, thưa ông?
Thăm chính thức Việt Nam tháng 3/2008, Thủ tướng CH Séc Mirek Topolanek (trái) từng cam kết sẽ "tăng cường chất lượng dịch vụ cấp visa". Ảnh: XL |
Trước hết, đó là tình hình của cộng đồng người Việt tại Séc có nhiều tiêu cực. Với lý do này, theo tôi, trong cộng đồng hơn 60 nghìn người tại Séc, không phải không có những đối tượng tiêu cực và họ phản ánh như vậy không phải không có.
Tuy nhiên, tỉ lệ tiêu cực đó chỉ chiếm rất nhỏ trong cộng đồng người Việt và không có mức độ nguy hiểm ảnh hưởng đến quốc gia sở tại như phản ánh.
Cộng đồng người Việt tại Séc nói chung hầu hết cần cù, chịu khó và có những đóng góp thiết thực cho xã hội Séc. Trong những năm gần đây, giới chính quyền bản địa tỏ ra rất có thiện cảm với người Việt Nam.
So với các cộng đồng người nước ngoài khác, cộng đồng người Việt hội nhập rất tốt. Khi biên giới giữa các nước Châu Âu mở cửa, việc đi lại dễ dàng hơn nhưng cũng khiến kinh doanh của người Việt, đặc biệt ở khu vực biên giới của Séc với các nước, trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, lượng người Việt Nam sang Séc làm ăn kinh doanh ngày càng đông. Năm vừa rồi đã tăng lên 13 ngàn người, trong đó có khoảng 3.000 người lao động và 10.000 người sang kinh doanh tự do. Công việc kinh doanh khó khăn nên có nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực.
Vấn đề thứ hai họ nói, đó là có sự thao túng về cấp visa ở Hà Nội. Tôi có hỏi các anh bên Đại sứ quán Việt Nam tại Séc thì được biết, cho đến giờ chưa có công văn, công hàm chính thức nào từ phía Séc yêu cầu Việt Nam trợ giúp giải quyết vấn đề này. Vậy nếu nói có sự thao túng thì liệu có chính xác?
Vậy phản ứng chung của cộng đồng người Việt bên đó trước quyết định ngừng tiếp nhận hồ sơ cấp visa vào Séc như thế nào, thưa ông?
Cộng đồng bất ngờ trước thông tin này. Bản thân tôi lấy làm tiếc vì cộng đồng người Việt tại Séc luôn muốn làm trong sạch hình ảnh bởi khi đã xác định đây là quê hương thứ hai thì mọi người đều phải phấn đấu sống tốt để hội nhập vào nước sở tại.
Trong một cộng đồng đông như vậy thì việc một số bộ phận nhỏ có vấn đề nọ, vấn đề kia là không tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh, tiêu cực từ một bộ phận nhỏ người Việt tại đây không có mức độ nguy hiểm.
Cung cấp lao động chất lượng
Dù sao Séc vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng của Việt Nam. Với kinh nghiệm công tác cộng đồng cũng như sống và làm việc tại CH Séc nhiều năm, ông có lời khuyên nào cho những người tham gia vào thị trường lao động này?
Thực ra, ở Séc, cơ hội làm việc cũng tương đương ở nơi khác, không phải thừa nhiều chỗ trống lao động đâu. Có những công việc nặng nhọc, không phù hợp, người Séc mở rộng thị trường lao động của mình. Theo thống kê có khoảng từ 160 nghìn đến 170 nghìn chỗ trống lao động. Điều quan trọng, nếu mình muốn lấp chỗ trống lao động đó và tạo được sự uy tín về hình ảnh cộng đồng, chúng ta phải có nguồn cung lao động chất lượng.
Một điều nữa tôi muốn lưu ý. Đó là người lao động phải được đào tạo để hiểu rõ về văn hóa, phong tục sống của nước bản địa. Có những phong tục, tập quán sống của người Việt không thích ứng, phù hợp với đặc tính, tập quán sống của người Séc.
Về cơ hội xuất khẩu lao động sang thị trường này, tôi nghĩ không phải chúng ta không có và không thể làm được. Quan trọng là phải có sự đáp ứng tốt, thích hợp với cầu của thị trường lao động này.
-
Xuân Linh