- Hôm nay (28/11), lãnh đạo 3 sở của TP.HCM điều trần trước HĐND TP vì chỉ số hài lòng của dân đối với dịch vụ công mà họ cung cấp giảm.
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển và Cục thống kê TP.HCM về chỉ số hài lòng của người dân trước chất lượng dịch vụ công năm 2008 phần lớn trên mức trung bình. Cụ thể, cuộc khảo sát được tiến hành trên 8 loại hình dịch vụ gồm: y tế, công chứng, vận tải hành khách công cộng (xe buýt), thu gom rác, giáo dục tiểu học, cấp giấy chủ quyền nhà đất, cấp phép xây dựng và thu thuế hộ cá thể.
Tất cả cùng giảm
Kết quả chỉ số hài lòng cao nhất là giáo dục tiểu học (74,8%), y tế (68,9%), thu gom rác (60,2%). Thấp nhất là cấp giấy chủ quyền nhà đất (39,2%), kế tới là thuế và xe buýt (49,5%).
Giáo dục tiểu học có chỉ số hài lòng cao nhất ở TP.HCM. Ảnh: V.Giang
So với vị trí xếp hạng của 7 nhóm dịch vụ năm 2006 (không tính giáo dục tiểu học vì mới bắt đầu điều tra trong năm nay), có 3 loại hình dịch vụ đã sút giảm đáng kể tỷ lệ mức hài lòng của người dân. Đứng đầu là vận tải công cộng, giảm từ 78,9% xuống còn 49,5%, dịch vụ cấp giấy chủ quyền nhà đất từ 59,3% xuống 39,2%. Loại hình dịch vụ y tế giảm từ 78,2% ý kiến hài lòng còn 68,9%.
Trong 2 năm qua, tất cả 7 loại hình dịch vụ kể trên đều giảm mức độ hài lòng.
Theo đánh giá của Viện Phát triển TP.HCM, kết quả khảo sát cho thấy thái độ trung lập vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 30%). Điều này khiến rất khó để hiểu người dân đang nghĩ gì, có thể là hơi hài lòng hoặc cũng có thể không hài lòng nhưng không dám nói.
Tỷ lệ ý kiến trung lập lớn cũng có nghĩa mức độ hài lòng của người dân cũng sẽ còn những thay đổi trong các kỳ điều tra tới.
Ông Dư Phước Tân (Trưởng phòng nghiên cứu phát triển đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho biết, công tác điều tra, thu thập số liệu tại hộ gia đình được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. 1.477 hộ thuộc 100 tổ dân phố đã được chọn ngẫu nhiên để khảo sát.
Theo đánh giá của Viện, vận tải hành khách công cộng có chỉ số hài lòng sút giảm mạnh một phần có thể do đào đường tràn lan nên ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của loại hình vận tải công cộng này. Đối với các dịch vụ công khác, có những yếu tố khách quan gây tác động tới kết quả chỉ số hài lòng như: dịch vụ y tế quá tải ở tuyến trên, nên ảnh hưởng tới sự hài lòng của dân; hay nhu cầu nộp hồ sơ xin cấp và đổi chủ quyền nhà đất quá lớn, gây áp lực cho các quận huyện năm 2007 – 2008, do vậy kết quả thu được năm 2008 không cao.
Lạ vì giáo dục tiểu học dẫn đầu
Nhìn vào những con số nói lên mức độ hài lòng này, chị Huỳnh Thanh Nga (Phường 9, quận 5, TP.HCM) ái ngại: “Gia đình tôi có 2 cháu học tiểu học. Năm nào cũng chóng mặt với các khoản tiền trường, trong đó rất nhiều khoản vô lý như năm nào cũng đóng tiền nâng cấp quạt trần, máy lạnh, bàn ghế... Cơm trưa các cháu ăn ở trường rất khó ăn. Con tôi học kém, kết quả học tập của cháu thực chất rất tệ nhưng điểm thi luôn được 9,10... Nhiều điều vô lý như thế nhưng giáo dục tiểu học của thành phố lại được đứng đầu danh sách hài lòng thì thật lạ!”
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM nhận định: Mức độ hài lòng mà kết quả khảo sát đưa lại vẫn chưa đánh giá đúng thực tế. Ví dụ, giáo dục tiểu học đúng là có thể hài lòng hơn công chứng, cấp giấy phép xây dựng, xe buýt... nhưng không thể có mức độ chỉ số hài lòng lên tới gần 75%.
"Tôi băn khoăn về cách khảo sát có cụ thể hay không để có những con số biết nói đúng, nói thật như mong đợi. Đánh giá khách quan thì các dịch vụ đưa ra đều chưa đem lại kết quả hài lòng cho dân. Vì thế, không chỉ ba sở phải điều trần mà các sở, ngành luôn phải nhìn vào con số dân chưa hài lòng để xét lại mình", ông Đằng nói. Theo ông Đằng, kết quả khảo sát dịch vụ công qua đánh giá người dân là cách làm có ích, đưa ra đánh giá phản biện từ chính những người trực tiếp tham gia dịch vụ. Tuy nhiên, quan trọng không kém là sau khi có đánh giá, có điều trần, các sở ngành nhìn lại mình, cần có sự thay đổi sao cho phù hợp, cho các loại hình dịch vụ công ngày càng tốt. Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho rằng, đây là cơ sở để HĐND xem xét chất vấn buộc các giám đốc sở có biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Ông Đỗ Văn Trắng, 45 tuổi, ngụ tại phường 9, quận 6: Hồi đầu năm, tôi từng đi nộp hồ sơ xin hợp thức hóa căn nhà đang ở. Giấy tờ tôi chuẩn bị đầy đủ, vậy mà cũng bị trễ hẹn tới 12 ngày so với quy định là 30 ngày. Tôi thấy dù đã áp dụng hệ thống quản lý tin học hay ISO thì yếu tố chủ quan là con người vẫn rất quan trọng. Bây giờ cán bộ có tâm với công việc, tận tuỵ, liêm khiết ngày càng ít đi”. Phan Thị Ánh Tuyết, sinh viên năm thứ 3 Đại học Sư phạm TP.HCM: Hàng ngày đi học bằng xe buýt, tôi từng chứng kiến rất nhiều cảnh “chướng tai gai mắt”: tài xế vượt đèn đỏ khi đường vắng, xe chạy lấn làn đường gây ùn tắc giao thông, dừng đỗ xe bất ngờ khi tới điểm đón khách khiến xe đi cùng chiều “mất trớn”, gây tai nạn giao thông… Chất lượng phục vụ tuy có nhiều cải tiến, nhưng còn không ít cảnh tượng tài xế và nhân viên kiểm soát vé văng tục, chửi thề trên xe, thậm chí có nhiều trường hợp còn chửi mắng thậm tệ khách đi xe. Hoài Bắc (ghi)
Chỉ số hài lòng xe buýt "tuột dốc". Ảnh: Trần Duy