- Dù được thuyết phục rằng năm qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện thể chế, ban hành nhiều văn bản về phòng chống tham nhũng... nhưng các nhà tài trợ quốc tế trong buổi đối thoại sáng 28/11 vẫn bày tỏ quan ngại về việc "không khí chống tham nhũng đang có vẻ chùng xuống".
Với chủ đề "Vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng", nhiều cơ quan báo chí được xếp ghế đại biểu danh dự của Hội thảo. Các nhà tài trợ bày tỏ hy vọng lần đối thoại sau sẽ được nghe thêm tiếng nói của chính các nhà báo, chứ không chỉ từ đại diện của Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo.
Mới chỉ dừng ở hoàn thiện thể chế?
Các đại biểu thảo luận về tăng cường vai trò báo chí trong phòng chống tham nhũng. Ảnh: LN
Trước những thành tựu lớn được báo cáo như "ban hành luật phòng chống tham nhũng, lập văn phòng Ban chỉ đạo TƯ, ban hành nhiều Nghị định, thông tư và đang xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng", các nhà tài trợ cho rằng, Việt Nam mới dừng lại ở hoàn thiện thể chế chứ chưa để ý đến công việc cụ thể.
Lấy ví dụ VN quy định kê khai tài sản nhưng không công khai cho dân giám sát, chủ tịch tỉnh đồng thời là trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương, Đại sứ Phần Lan Pekka Hyvonen nói: "Chống tham nhũng đang trầm lại. Nhiều văn bản ban hành mâu thuẫn về lợi ích".
Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TƯ phòng, chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến thừa nhận, có sự hạn chế trong các vụ việc có liên quan đến chủ tịch tỉnh. Nhưng "đo đi đếm lại", thì chủ tịch tỉnh vẫn là người phù hợp nhất để đứng đầu ban chỉ đạo, không thể là bí thư hay chủ tịch HĐND.
Tham tán ĐSQ Hà Lan Beng Van Loosdlecht lo ngại: "Chúng tôi đang có cảm nhận là thế cờ chống tham nhũng đã đảo ngược, bị sai lệch. Con cá bé bị bắt, con cá to lại lọt lưới". Ông khuyến cáo, tinh thần chống tham nhũng phải được quán triệt và cam kết từ cấp cao nhất.
"Chống tham nhũng chùng xuống do báo chí kém hăng hái"
Chia sẻ điều này, phó Đại sứ Đan Mạch Tove Degnbol nói, chống tham nhũng vẫn chưa đi đúng hướng và chưa được cải tiến. "Chính phủ đã nỗ lực nhưng cảm giác là đang chùng xuống".
Ông Chiến giải thích, các vụ việc chống tham nhũng có xu hướng giảm đi là do sau khi ban hành Luật phòng chống tham nhũng, Chính phủ tập trung rà soát để giải quyết các vụ tồn đọng kéo dài.
Khẳng định đã tham nhũng thì "cá nhân nào cũng bị xử lý", Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho hay, Thủ tướng đã cam kết, bất kỳ ai có chức quyền, nếu tham nhũng và bị phát hiện đều phải xử lý. VN đã từng xử lý cả ủy viên TƯ Đảng, thứ trưởng, bộ trưởng...
Tổng thanh tra cho rằng, nói bị chùng xuống là ngộ nhận. Do một số vụ việc bị xử đi xử lại, kết quả lại không như dư luận trông đợi. Chưa kể, không khí có vẻ trầm lắng hơn "chẳng qua do sau vụ đưa tin về PMU 18, báo chí có tâm lý ngần ngại, e dè".
"Nói chống tham nhũng chùng là do báo chí không được hăng hái như trước. Còn Chính phủ vẫn quyết liệt, ráo riết", ông Truyền nói.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu do UNDP tiến hành tại Việt Nam, khảo sát nội dung chống tham nhũng trên báo chí 2 năm 2006 - 2007, trung bình mỗi ngày vẫn có tới 3 bản tin. Điều này cho thấy sự vào cuộc sẵn sàng của báo chí.
VN sẽ hạn chế bớt danh mục "thông tin mật"
Việc triển khai Luật phòng chống tham nhũng chủ yếu dựa vào cơ quan quyền lực, ít dựa vào dân. Khi khảo sát về đánh giá mức độ xử lý tham nhũng, có tới 73% cho là "xử lý chưa hết và không kiên quyết". Đa số người dân đều xác nhận "các vụ án tham nhũng chủ yếu do người dân và báo chí phát hiện". Sau giai đoạn rầm rộ ban đầu, tính hiệu quả của thi hành Luật giảm dần, đến 2008 thì nhiều hoạt động phòng chống tham nhũng thực hiện lẻ tẻ, rời rạc, kiểu phong trào. Nguồn: Báo cáo tổng hợp dự án FLC do ĐSQ Phần Lan tài trợ
Tiếp tục câu chuyện "thế cờ đảo ngược", Tham tán ĐSQ Hà Lan Beng Van Loosdlecht lo ngại cơ quan báo chí đang phải chịu trách nhiệm chính trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Khi giá trị đã đảo lộn, báo chí bị trừng phạt, quan chức tham nhũng tiền Chính phủ trốn thoát dễ khiến báo chí suy giảm niềm tin, nản chí. "Nếu không biết sử dụng, báo chí sẽ chùn bước trước những vụ việc lớn hơn trong khi lẽ ra cần khuyến khích tinh thần điều tra độc lập và thẳng thắn".
Đại diện cho ĐSQ Na Uy, ông Kjell Storlokker khẳng định: "Không thể nhằm bắn vào người đưa tin chống tham nhũng". Ông khuyến cáo, để cộng đồng quốc tế không còn ngộ nhận, Chính phủ phải mạnh dạn đưa ra một tín hiệu cho thấy rằng báo chí đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phòng chống tham nhũng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho hay, không có văn bản nào quy định hạn chế hay cản trở đưa tin về phòng chống tham nhũng, mà phụ thuộc và trình độ, năng lực của nhà báo.
"Cơ quan chủ quản, TBT, phóng viên... đều có quyền và nghĩa vụ trước pháp luật. Ai quyền nhiều, khi vi phạm thì trách nhiệm sẽ cao hơn", ông Doãn nói.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận, do có sự ngại ngần từ phía công chức và quan chức nhà nước nên mới có chuyện né tránh, đùn đẩy khi báo chí yêu cầu cung cấp thông tin. Do đó, báo chí đã phải tìm đến nhiều nguồn khác nhau.
Cựu nhà báo, tư vấn quốc tế cao cấp của UNDP, bà McKinley phân tích, báo chí, lẽ ra phải tập trung hoạt động giám sát nhưng một điều tra gần đây lại cho thấy báo chí mới chỉ tập trung vào việc phản ánh, vì khó khăn khi tiếp cận thông tin.
Tổng Thanh tra Chính phủ cam kết, thời gian tới, thanh tra sẽ hạn chế bớt danh mục thông tin mật. Chỉ "mật" những tin tức liên quan đến an ninh quốc gia.
Ngân hàng thế giới (WB) đang tiến hành một nghiên cứu về tham nhũng và báo chí ở Việt Nam. Khảo sát dựa trên 207 đầu báo, tạp chí, bản tin và hai báo điện tử VietNamNet và VnExpress. Theo khảo sát từ các báo in, số lượng tin bài về tham nhũng, gian lận, hối lộ đã tăng đột biến trong tháng 4/2006 (tăng 6,60%), giảm đều đều đến tháng 4/2008 và phục hồi nhẹ trong tháng 5/2008. Khảo sát trên VietNamnet cho thấy, tin bài tăng vọt trong khoảng giữa tháng 4/2005 cho đến tháng 4/2006 (tăng 12,53%). Giảm mạnh trong khoảng giữa tháng 2/2007 cho đến tháng 4/2007. Khảo sát cũng cho thấy 3 vụ việc chính được báo chí phản ánh "đậm đặc" là: Vụ mua bán đất đai trái pháp luật tại huyện Phú Quốc (năm 2004 - 2005); Vụ PMU 18 (kéo dài từ đầu năm 2006 - 2008 với những diễn biến khác nhau); Vụ Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Võ Thanh Bình đem nộp 100 triệu đồng từ cán bộ cấp dưới (năm 2008). |
-
Lê Nhung