221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1136769
Ngoại giao văn hóa phải chuyên nghiệp từ anh... đầu bếp
1
Article
null
Ngoại giao văn hóa phải chuyên nghiệp từ anh... đầu bếp
,

 - Một đại sứ quán VN ở nước ngoài lâm vào thế bí vì người nấu ăn không thể nấu cơm chiêu đãi đối ngoại, vị đại sứ khác kể phim VN chiếu ra nước ngoài bị chê tầm thường, không hấp dẫn... Đặt ra những câu chuyện thực tiễn trong phiên họp ngày 8/12 tại Hội nghị Ngoại giao, các trưởng cơ quan đại diện ngoại giao VN ở nước ngoài mong mỏi công tác ngoại giao văn hóa phải được thực hiện chuyên nghiệp hơn. 

Chê phim... "Cô gái xấu xí"

Hội nghị ngoại giao 26 bàn nội dung chuẩn bị cho Năm ngoại giao Văn hóa 2009. Ảnh:XL

Đại sứ VN tại Campuchia Nguyễn Chiến Thắng kể chuyện ông đã loay hoay mọi cách để giới thiệu văn hóa ẩm thực VN ở nước bạn mà vẫn chưa thể thành công khi sắp mãn nhiệm.

Trong một lần đi mời cơm khách, ông Đại sứ muốn tìm một quán phở VN ở Phnom Penh nhưng không một quán phở nào ở Thủ đô này nấu cho ra đúng món phở VN.

Bí bách, ông đưa khách về Đại sứ quán ăn cơm nhưng không khỏi chạnh lòng, ái ngại vì người nấu ăn của Đại sứ quán chỉ là cấp dưỡng, chưa đủ tiêu chuẩn đầu bếp bán chuyên nghiệp, nấu chiêu đãi.

"Không ít đại sứ chưa làm được chứ không chỉ riêng tôi", Đại sứ Thắng nói và băn khoăn rằng phải "quan niệm đầu bếp trực tiếp góp phần làm ngoại giao văn hoá may ra giải quyết được vấn đề."

Đại sứ VN tại Lào Nguyễn Huy Quang thừa nhận dù cùng ở ngay cạnh các bạn Lào nhưng sự ảnh hưởng, hiện diện của văn hóa VN tại quốc gia này không bằng một phần Thái Lan. 

Theo ông Quang, trong khi Thái Lan có hàng chục kênh truyền hình phát cả ngày vào Lào thì thời lượng hiện diện của văn hóa VN trên truyền thông Lào rất ít. Giống người Campuchia, người Lào biết tiếng Việt khá nhiều nhưng họ chê... phim Cô gái xấu xí của VN tầm thường trong khi lại mê phim ảnh, diễn viên, hàng hóa, sách báo của Thái Lan.

Đại sứ so sánh sức hấp dẫn của văn hoá VN ở Lào so với Thái Lan, Trung Quốc về trò chơi, sách báo, phim, ảnh đều... yếu và không phù hợp thị hiếu. Thậm chí một số chương trình của VN bị cho là "giá trị văn hóa thấp".

Trong khi đó, Đại sứ VN tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ không khỏi ngậm ngùi, thở dài kể những kinh nghiệm của nước bạn Trung Quốc về làm ngoại giao văn hóa hoành tráng hơn ta rất nhiều.

Chỉ riêng việc tăng cường truyền bá Hán ngữ ra thế giới, Trung Quốc lập hẳn một văn phòng quốc gia chỉ đạo nội dung này và dự kiến đến năm 2010 sẽ truyền bá đạt khoảng 100 triệu người biết tiếng hán ngữ trên toàn thế giới.

Hay như xây Viện Khổng tử trên toàn thế giới, Trung Quốc hiện đã xây dựng được 264 viện và dự kiến đạt mục tiêu tròn 300 viện trong thời gian tới. Ngoài ra, nước này cũng đặt mục tiêu xây dựng trung tâm văn hóa tại 20 quốc gia theo thỏa thuận song phương. Mỗi năm, quốc gia này tổ chức 1.300 hoạt động giao lưu văn hóa đối ngoại.

Văn hóa ngoại giao

Hiến kế làm ngoại giao văn hóa, Đại sứ VN tại Nhật Nguyễn Phú Bình nói cần phải bổ sung việc truyền bá ngôn ngữ quốc gia như một cách tạo sự hiện diện hình ảnh VN ở nước ngoài. Theo ông, không nên chỉ tăng cường việc dạy và truyền bá tiếng Việt quanh quẩn trong cộng đồng người kiều bào mà cả cộng đồng nước sở tại.

Ở góc khác, Đại sứ VN tại Nga Bùi Đình Dĩnh nói vấn đề không nhất thiết cứ phải tiền nhiều thì mới làm được ngoại giao văn hóa mà vấn đề phải chú trọng hiệu quả. Trong quảng bá hình ảnh VN ở nước ngoài, Đại sứ Dĩnh nói cần khai thác lực lượng truyền thông của nước bạn, tổ chức các chuyến tham quan cho các phóng viên nước bạn tìm hiểu, quay phim về đất nước, con người VN theo mắt nhìn và sự thẩm thấu của chính họ.  

Đại sứ VN tại Trung Quốc dẫn kinh nghiệm của nước bạn khi làm ngoại giao văn hóa phải có mục đích ngoại giao rõ ràng, Chính phủ là chủ thể thực hiện, có đối tượng, thời điểm cụ thể để tuyên truyền, ngay cả các hoạt động công chúng cũng phải có biểu hiện văn hóa.

Về sản phẩm văn hóa, Đại sứ VN tại Hàn Quốc Phạm Tiến Vân cho rằng VN phải tạo ra những sản phẩm văn hóa chất lượng.

"VN có những sản phẩm văn hóa sẵn có như Vịnh Hạ Long nhưng cái sáng tạo ra quá ít", ông Vân nói. Dẫn kinh nghiệm Hàn Quốc, Đại sứ Vân cho rằng muốn "bột gột nên hồ" thì dứt khoát phải có sản phẩm văn hóa chất lượng và xứng đáng.

Đại sứ VN tại Nhật cũng cho rằng VN nên tính việc xây dựng những không gian văn hóa như nhà văn hóa VN song song cùng với Đại sứ quán VN ở nước ngoài. Ông cũng trăn trở việc chọn một số sản phẩm vật thể như cà phê để quảng bá giá trị, thương hiệu cuả VN là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới.

Trong khi đó, Đại sứ VN tại Campuchia cho rằng ngoại giao văn hóa bao giờ cũng phải qua một con người cụ thể. "Nói đến ngoại giao văn hóa phải nói đến văn hóa ngoại giao, vì nó cực kỳ quan trọng. Một vài con người có khiếm nhã một chút thôi có khi cũng ảnh hưởng", ông nói.

  • Xuân Linh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,