- Những vướng mắc Hà Nội đang phải đối mặt sau sáp nhập như luân chuyển cán bộ, quy hoạch... đã được lãnh đạo thành phố trao đổi với Thủ tướng tại buổi làm việc sáng nay (17/12).
Có mặt tại buổi giao ban hàng quý lần thứ 3 này có các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng. Từng vị tư lệnh ngành đã lần lượt trao đổi với Hà Nội về những vướng mắc xung quanh chuyện cán bộ, quy hoạch đô thị, quy hoạch cấp thoát nước...
Chính phủ lưu ý với Hà Nội việc bị tụt hạng năng lực cạnh tranh. Ảnh: LN
Chính phủ sẽ nối lại đàm phán ODA Nhật cho dự án thoát nước Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo nguy cơ lãng phí, chồng chéo trong quy hoạch. Ông Hùng cho hay, thành phố dự kiến "chẳng chóng thì chầy" sẽ di dời hầu hết bệnh viện, trường học ra khỏi khu vực nội thành để giãn mật độ dân số và giải bài toán ách tắc giao thông. Nhưng thực tế, hầu như các bệnh viện như Việt - Đức, Răng - Hàm - Mặt... đều liên tục xây mới, mai kia di dời sẽ phải đập bỏ đi hết. Chưa hết, nhà cao tầng đang đua nhau mọc lên dọc các tuyến phố đẹp và ngay trong các tuyến đường nhiều biệt thự cổ, không theo một quy hoạch nào. Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng quan ngại về nguy cơ quy hoạch giao thông, phố xá bị chồng lấn, xung đột. Ông Hồ Nghĩa Dũng dẫn chứng, đi ngang khu vực chợ 19-12, ông không hiểu Hà Nội sẽ bố trí trung tâm thương mại, giải tỏa các nút giao thông như thế nào. "Hà Nội nên xem lại dự án này. Người dân và ĐBQH Hà Nội gọi điện, nhắn tin cho tôi, bày tỏ sự không đồng tình", ông Dũng nói. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, việc mở rộng địa giới hành chính sở dĩ thuyết phục vì dựa trên lý lẽ mở rộng không gian Thủ đô để tiện đầu tư cơ sở hạ tầng, tiện cho quy hoạch và có điều kiện giãn dân ra ngoại thành. Về quy hoạch các dự án phục vụ phân lũ, chậm lũ và hệ thống tiêu thoát nước, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cam kết, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và trạm bơm Ngoại độ 2. Thủ tướng cho hay, Chính phủ sẽ nối lại đàm phán với Nhật Bản để tiếp tục cung cấp ODA cho dự án thoát nước giai đoạn 2.
Kỷ lục cấp phó
"Vướng víu" đầu tiên mà Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo nhờ Chính phủ gỡ giúp Hà Nội là chuyện cho phép tăng thêm phó chủ tịch UBND quận, huyện.
Để giải quyết việc số lượng lãnh đạo các sở đông lên, Chính phủ đã cho phép điều động lãnh đạo sở về tăng cường thêm cho quận, huyện. Cụ thể, mỗi quận, huyện sẽ thêm 1 phó chủ tịch.
PTT Nguyễn Sinh Hùng: Hà Nội có 8 phó chủ tịch thì nên phân công ngay 4 phó chủ tịch cắm chốt ở các điểm cần giải phóng mặt bằng.
Nhưng chủ trương này lại vướng ở chỗ số thành viên UBND quận, huyện đều đã lên tối đa (9 người). "Chính phủ cho tăng nhưng chúng tôi còn tăng được vào đâu?", ông Thảo thắc mắc.
Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cũng thừa nhận, chỉ còn cách tổ chức, sắp xếp lại và bớt đi một "ghế" trong ủy ban mới có thể đưa phó giám đốc các sở về. "Còn nếu không giảm số ủy viên mà vẫn thêm một anh phó thì vượt thẩm quyền của Chính phủ. Chính phủ không thể nới rộng số thành viên ủy ban mà Luật đã quy định", ông Tuấn nói.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị "than": "Cấp phó tại các sở của Hà Nội đang đông nhất cả nước. Muốn tinh giảm bớt chỉ có cách đưa xuống quận, huyện. Nhưng Hà Nội không thể bớt đi một thành viên ủy ban lại cũng không thể đưa cán bộ các sở về".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đành "chốt" lại: "Chính phủ không thể làm trái pháp luật. Hà Nội muốn làm thì chỉ có cách sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Chỗ nào trống ra được một ủy viên thì có thể đưa phó chủ tịch về".
Liên quan tới tổ chức cán bộ, Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ cho Hà Nội tăng thêm tổng biên chế chung để đưa cán bộ về các huyện của Hà Tây (cũ), lâu nay vốn ít hơn so với Hà Nội. Vừa qua, HĐND thành phố đã nhất trí tăng biên chế cho các huyện, nhưng thành phố không thể thực hiện do bị khống chế tổng biên chế.
Đồng ý với kiến nghị này, nhưng Thủ tướng lưu ý, cần tăng có lộ trình, không thể tăng ào ào ngay. Đi đôi với tăng biên chế cho các huyện, Hà Nội phải chú trọng nâng cao hơn chất lượng cán bộ.
Xin phân cấp mạnh hơn
Các thành viên Chính phủ cam kết sẽ hợp lực với Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Đặc biệt, Bộ trưởng các Bộ GTVT, Văn hóa - Thể thao và Du lịch đều cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ các công trình đã nhiều lần lỡ hẹn: Dự án đường Vành đai 3, dự án Làng Văn hóa các dân tộc...
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo kiến nghị Thủ tướng cho Hà Nội thực hiện cơ chế đặc thù về trình tự, thủ tục thực hiện dự án, công tác lựa chọn nhà thầu, huy động vốn... với các công trình trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đông thời, ông Thảo cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ rà soát xem xét lại đối tượng, quy mô những dự án mà Hà Nội phải xin ý kiến các bộ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư theo hướng phân cấp mạnh hơn. Hiện có những dự án phải xin ý kiến gần 10 bộ và hầu hết đều bị "vướng" ở các phòng chuyên môn.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố lên danh mục các dự án 1.000 năm Thăng Long cấp bách để các bộ trưởng và phó thủ tướng cùng ngồi lại trao đổi, không để tình trạng "đá qua đá lại".
PTT Hoàng Trung Hải: Khai thác tốt quỹ đất hiện nay là Hà Nội đã có đủ tiền để làm những dự án lớn.
"Hà Nội bị tụt hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh, cần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính để đi nhanh hơn", Thủ tướng nói.
Tán thành với đề nghị phân cấp mạnh hơn cho Thủ đô, Thủ tướng lưu ý thêm, sẽ phải làm rõ lĩnh vực nào cần lấy ý kiến bộ, ngành, lĩnh vực nào có thể phân cấp mạnh. "Bởi vì không thể để Hà Nội tự ý cấp phép xây nhà máy điện mà không có ý kiến của Bộ Công thương", ông Dũng nói.
Thủ tướng cũng phân tích những khó khăn do suy thoái kinh tế. Theo đó, thu ngân sách của Thủ đô sẽ sụt giảm, sản xuất khó khăn. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng Hà Nội nên chọn một số phong trào làm mẫu. Đặc biệt, nên khai thác thế mạnh tập hợp được nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Còn khó khăn do hợp nhất có phần của Hà Nội, có phần của bộ, ngành. Sẽ cùng phối hợp để tháo gỡ", ông Dũng cam kết.
-
Lê Nhung