- Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết VN sẵn sàng thảo luận việc nhập thịt bò trên 30 tháng tuổi từ Mỹ. Tại cuộc họp báo chiều 17/12 tại Hà Nội, đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Max Baucus nói: Mỹ muốn người tiêu dùng VN sử dụng nhiều thịt bò Mỹ hơn.
Đáp ứng tiêu chuẩn y tế
Ông có thể ước tính nếu Thủ tướng VN đồng ý cho nhập khẩu thịt bò trên 30 tháng tuổi từ Mỹ thì sẽ có bao nhiêu tấn được nhập?
Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của VN. Khi VN quyết định mở cửa thị trường đối với tất cả các loại thịt bò trên 30 tháng hay dưới 30 tháng thì người dân VN sẽ có cơ hội tiêu thụ nhiều thịt bò hơn nữa. Quan điểm của chúng tôi là muốn cung cấp thêm nhiều thịt bò cho VN.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng Viện Mỹ Max Baucus: Chúng tôi chỉ muốn người tiêu dùng VN sử dụng nhiều thịt bò hơn nữa từ Mỹ. Ảnh : XL |
Chúng tôi cho rằng sẽ là một quyết định sai khi đưa ra biện pháp để ngăn nhập thịt bò một cách không tự nhiên. Điều đó là hạn chế đối với người tiêu dùng và chúng tôi chỉ muốn người tiêu dùng VN sử dụng nhiều thịt bò hơn nữa từ Mỹ.
Nếu các bạn cho phép nhập tất cả các loại thịt bò khác nhau từ nước Mỹ thì Mỹ ghi nhận và hoan nghênh. Tất nhiên, các loại thịt bò như vậy đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các tiêu chuẩn về y tế của VN.
Không bán phá giá
Ông đề cập rằng không nên áp dụng các biện pháp không tự nhiên để cản trở thương mại. Xin hỏi hiện nay và tới đây, các biện pháp chống bán phá giá ở Mỹ áp dụng cản trở hàng hóa của các nước cũng như VN nhập khẩu vào Mỹ như thế nào? Nhận định của ông về điều này?
Đây là những quy định về thị trường nói chung, mang tính chất cơ bản của thương mại quốc tế. Một nước không được phép bán hàng phá giá vào nước khác, bán dưới giá thành vào nước khác. Tôi tin rằng, tất cả các nước đều phải tuân thủ quy định này và nếu một nước bán hàng dưới giá thành vào nước khác, nó sẽ làm tổn thương đến thị trường của nước đó.
"Mỹ có đề nghị VN xem xét chấp nhận việc nhập khẩu thịt bò trên 30 tháng tuổi. VN đang triển khai đánh giá chất lượng và điều kiện để có thể nhập được loại thịt này. Chúng ta cũng cần sự trợ giúp về kỹ thuật, một tổ chức trung gian ở nước ngoài cho khách quan. Một khi có kết luận sẽ quyết định có nên nhập thịt bò hay không". Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời Tuổi Trẻ tháng 6/2008 |
Chúng tôi chỉ muốn cố gắng để quy định của thị trường quy củ và được tôn trọng, cố gắng không làm tổn thương bất cứ nước nào và cũng không muốn bắt nước khác phải trả giá để nước chúng tôi được hưởng lợi.
Mỹ không áp dụng những quy định bảo vệ hàng hóa nước Mỹ một cách không công bằng.
Về vấn đề thịt bò, cá nhân tôi nghĩ VN có những biện pháp hạn chế không công bằng. Mỹ không bán phá giá thịt bò vào VN mà chỉ bán hàng theo cách bình thường.
Mỹ cần mạnh dạn ký FTA
Theo ông, tại sao hai nước cần có một Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) đang phát huy hiệu quả? Tiến trình thương lượng FTA giữa hai nước và khi nào ký kết?
Hai nước đã có BTA và VN đã trở thành thành viên của WTO. Hai việc này đều đưa lại những điều khoản thúc đẩy và tự do hóa thương mại. Nhưng FTA là bước tiến xa hơn, bao gồm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ hơn cũng như đầu tư. FTA sẽ thúc đẩy tự do hóa thương mại hơn để hai bên giao thương hàng hóa dễ dàng hơn.
Mỹ và VN mới đang ở giai đoạn đầu đàm phán. Cá nhân tôi đặt mục tiêu làm sao Chính phủ tiếp theo của Mỹ mạnh dạn hơn nữa trong việc đàm phán và ký kết các FTA với nhiều nước khác, trong đó có các nước châu Á.
Tôi cũng có trách nhiệm làm cho người Mỹ phải hiểu hơn về FTA để họ không lo lắng rằng FTA sẽ làm mất công ăn việc làm của họ. Nếu VN và Mỹ cùng ký FTA, hai nước sẽ đều được hưởng lợi. Người dân cũng như Chính phủ hai nước cũng cần hiểu hơn quyền của người làm công để họ cảm thấy yên tâm hơn khi ký FTA.
Theo ông, những nước xuất khẩu như VN và Trung Quốc có cần chú trọng tiêu thụ trong nước hơn? Lời khuyên của ông có kích thích bảo hộ thương mại ở Mỹ cũng như các nước khác không?
Chủ nghĩa bảo hộ là điều nguy hiểm. Mỹ cũng muốn xây dựng nền kinh tế của mình làm sao cho tiêu thụ trong nước nhiều hơn. Chúng tôi muốn đưa ra lời khuyên với các nước là cần suy nghĩ chính sách của mình, không quá chú trọng xuất khẩu để phát triển kinh tế và cần thúc đẩy tiêu thụ trong nước. Điều đó sẽ có lợi cho chính người dân của họ.
Ở nhiều nước xuất khẩu nhiều đã xảy ra tình trạng mất cân đối về thương mại. Các nước nên thúc đẩy tiêu thụ trong nước hơn là quá nhấn mạnh về xuất khẩu.
-
Xuân Linh ghi