- Trao đổi với báo giới chiều nay (19/12), phó Chánh văn phòng UBND Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh cho hay, thành phố đang tìm phương án tối ưu cho dự án tại chợ 19-12, cùng lúc bảo đảm lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa và lịch sử.
Có thể tổ chức hội thảo
Phó Chánh văn phòng UBND Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh: Thành phố tôn trọng ý kiến nhân dân. Ảnh: VA |
Phương án "hữu hiệu" này, theo ông Thịnh, hiện nay vẫn chưa có.
Phó Chánh văn phòng UBND TP nói: "Trước các dư luận trái chiều, UBND thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành, các hội, và cả nhà đầu tư, kiểm tra lại toàn bộ tính chất lịch sử của khu vực chợ".
"Thành phố tìm một phương án hữu hiệu, tức là đảm bảo chợ dân sinh vẫn quanh quẩn đâu đây ở khu vực này, mà lại vẫn đảm bảo ở đây có con đường, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư bởi họ đã bỏ rất nhiều công sức cho dự án này".
Ông Thịnh cho hay, thành phố đang lắng nghe và tôn trọng các ý kiến đóng góp của nhân dân và chuyên gia, thậm chí có thể tổ chức một cuộc hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi.
"Giữa phát triển và bảo tồn có lúc không song hành và chúng ta phải cố gắng nắn vào để cùng một hướng”.
Về thời hạn công bố phương án cuối cùng và hài hòa lợi ích các bên này, ông Thịnh nói: "Để tìm ra một phương án, có những lúc xuất thần người ta tìm ra ngay, hay chỉ cần một vài ngày. Nhưng cũng có lúc rất khó, rất bí nên thời gian có thể kéo dài hàng năm".
Cjpưk |
Ảnh chụp ngày 18/12/2008. Ảnh: VA |
Tuy nhiên, ông Thịnh cho biết thành phố đang chỉ đạo tập trung để trong thời gian sớm nhất - có thể là trong tháng 1/2009 và cũng có thể trong tuần sau - sẽ công bố có hay không xây dựng công trình trung tâm thương mại 19-12, nếu không xây dựng thì xây dựng cái gì, nếu không xây gì nữa thì có để đây là đường, công viên...
"Thành phố sẽ phải cân đối rất nhiều mục tiêu khác nhau", ông Thịnh khẳng định.
Kiểm tra lại giá cho thuê đất
Trả lời báo giới, phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cũng cho biết, trong quy hoạch của thành phố (theo QĐ 96/2000/QĐ-UB ngày 11/7/2000 của UBND TP Hà Nội - PV), khu chợ 19-12 "vẫn là một con đường, chưa có văn bản nào thay đổi quy hoạch của thành phố”.
Theo ông Thịnh, tại khu đất dài khoảng 140m, rộng 23m trên nền đường cũ, dự án sẽ có hai công trình: Một ở phía Hai Bà Trưng (17 tầng), một ở phía Lý Thường Kiệt (7 tầng), có 5 tầng sẽ được làm chợ - trung tâm thương mại.
Phần chợ truyền thống với khoảng 500 hộ kinh doanh ở phía dưới, gồm cả chợ ướt (mặt hàng hải sản, tươi sống), chợ khô, sẽ để lại một con đường nội bộ phục vụ cho cứu hỏa, cứu thương, có một công trình tưởng niệm sự kiện 19-12.
Trước nhận định của đại diện các cơ quan báo chí đồng tình với chủ trương của thành phố cải tạo các khu chợ nhếch nhác nhưng phải có quy hoạch và phải công khai quy hoạch đó, cũng như phải công khai chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu - điều mà Hà Nội không làm - ông Thịnh cho hay thành phố sẽ "kiểm tra, xem xét lại".
Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cũng nói sẽ "kiểm tra lại" giá cho thuê đất ký với Công ty TNHH Thủ đô II hiện đang ở mức chưa đầy 1 USD/m2/tháng.
-
Vân Anh