- Trao đổi với báo giới về dự án chợ 19 - 12, cả Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đều khẳng định, thành phố đang cân nhắc tìm phương án tốt nhất đảm bảo thành phố có đường, bà con tiểu thương vẫn có chợ để bán.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: LN
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị:
"Người ta cũng phải phá đi một cái gì đó để xây Nhà hát Lớn"
"Thành phố đang suy nghĩ về chợ 19-12, tìm cách nào đấy để giải được bài toán này tốt nhất. Dù có phương án này hay phương án kia, điều chỉnh thế này hay thế khác, chủ trương là 300 hộ tiểu thương vẫn phải có nơi để tiếp tục buôn bán", Bí thư Phạm Quang Nghị cho hay.
Ông Nghị giải thích: "Ngoài dự án 19 - 12, còn phải tính đến nhiều dự án khác nữa. Không phải mai kia trở đi thành phố không còn xây dựng thêm trung tâm thương mại hay chợ nữa.
Như đã trả lời nhà sử học Dương Trung Quốc và KTS Hoàng Đạo Kính, nhiệm vụ bảo tồn hay phát triển kinh tế đều quan trọng.
Nếu làm kinh tế tốt cũng là tạo điều kiện cho phát triển văn hoá, ngược lại bảo tồn văn hoá cũng là để tác động lại kinh tế. Trên địa bàn thủ đô làm nhiệm vụ gì cũng phải quan tâm đến tính toàn diện.
Nếu tách bạch riêng cũng khó xem xét, nhưng trong từng trường hợp cụ thể, có cái phải ưu tiên nhiều cho bảo tồn. Thậm chí là ưu tiên tối đa nếu như giá trị bảo tồn ấy quan trọng, không gì thay thế được nếu để mất.
Nhưng với những thứ phổ biến, ở đâu cũng có thì chỉ chọn lấy một nơi ưu tiên cho bảo tồn. Còn lại, phải ưu tiên cho phát triển. Phải hiểu là những thứ hôm nay ưu tiên phát triển sẽ trở thành đối tượng bảo tồn của mai sau.
Một trăm năm trước, tại Nhà hát Lớn chắc người ta cũng phá một cái gì ở đó mới xây lên được. Nếu không phá đi một cái gì đó ở nơi bây giờ là Nhà hát Lớn thì Hà Nội đã không có được Nhà hát Lớn rồi…".
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Đang vắt óc suy nghĩ
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo. Ảnh: LN
Thành ủy Hà Nội thông báo trong buổi giao ban với báo chí vừa qua là Hà Nội đang tìm phương án tối ưu cho dự án chợ 19-12. Phương án tối ưu đó đã được quyết định chưa và là phương án gì?
- Thành phố đã giao cho các sở, ngành rà soát để báo cáo về các thủ tục đầu tư, tính pháp lý, các điều kiện, hiệu quả kinh tế - xã hội.
Có thể nói là UBND thành phố đang vắt óc suy nghĩ tìm giải pháp để đạt được tối đa tất cả các mục tiêu: Bà con tiểu thương có chợ để bán, có chỗ để tiếp tục làm ăn, sinh sống, thành phố cũng sẽ phải có đường giao thông, đảm bảo đúng quy hoạch đô thị.
Làm sao để không những thống nhất trong nội bộ mà phải đạt được sự đồng thuận của toàn xã hội, của dư luận. Hướng của thành phố là hy sinh những lợi ích nhỏ để đạt được lợi ích lớn.
Ông có cân nhắc đến tình huống không xây trung tâm thương mại ở đó không?
- Thành phố chưa kết luận phương án cuối cùng.
Theo Quyết định số 96/QĐ-UB (ngày 7/11/2000) của UBND TP Hà Nội về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn quận Hoàn Kiếm giai đoạn 2001-2010, khu chợ 19-12 là một con đường.
Theo như quy hoạch của Hà Nội, đây vẫn là một con đường, tại sao thành phố lại đồng ý cho xây dựng trung tâm thương mại? Điều này liệu có phải là phá vỡ quy hoạch đã có không?
- Tất nhiên, trong quy hoạch đây vẫn là con đường. Nhưng trên cơ sở rà soát lại năng lực giao thông, các điều kiện để xem xét, tùy loại đường có thể điều chỉnh cho phù hợp. Thực tế có rất nhiều loại đường: đường giao thông lớn, giao thông chính, đường đi bộ, đường chuyên dụng…
Khi điều chỉnh, thành phố phải xem xét kỹ lưỡng, xem xét tất cả các lợi ích, trên cơ sở đó có cân nhắc, để quyết định.
Nhưng chưa điều chỉnh quy hoạch tại khu vực chợ 19-12 theo QĐ 96/2000, vì sao thành phố đã ra quyết định thu hồi đất để xây dựng trung tâm thưong mại?
- Một quyết định hành chính, sau khi đã ban hành, hoàn toàn vẫn có thể điều chỉnh, tùy điều kiện, mục tiêu, mục đích sử dụng như thế nào và tùy quyết định đó như thế nào.
Chứ không phải cứ điều chỉnh một quyết định là sai.
Trong quá trình lập dự án, chủ đầu tư đã bỏ ra chi phí rất lớn. Nếu trong trường hợp phải chuyển dự án đi nơi khác, thành phố sẽ giải quyết vấn đề đó thế nào, trong đó có cả quyền lợi của hơn 300 hộ kinh doanh?
- Tất nhiên thành phố sẽ phải xem xét lợi ích của chủ đầu tư, kể cả các thành phần khác tham gia vào dự án, các hộ kinh doanh. Không thể vì đạt được cái này mà đánh mất cái kia. Phải có sự lựa chọn cái nào là cái chính, cái nào phụ.
-
Lê Nhung (ghi)