221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1143038
Quốc hội phải được giám sát từng đồng ngân sách
1
Article
null
Quốc hội phải được giám sát từng đồng ngân sách
,

 - Thảo luận về Luật Quản lý nợ công chiều nay (25/12),  các ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đều muốn làm rõ các trường hợp được Thủ tướng phê duyệt cho Chính phủ bảo lãnh vay nợ quốc tế.

ĐBQH cho rằng các thông tin tài chính cần được minh bạch hơn. Ảnh: LAD

Điều 12 dự thảo luật quy định Thủ tướng có quyền phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ Chính phủ hằng năm, danh mục yêu cầu tài trợ vốn ODA. Thủ tướng cũng có quyền phê duyệt các khoản vay nước ngoài của Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh.

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, Luật cần làm rõ hơn nữa những vấn đề nào thuộc thẩm quyền cá nhân, do Thủ tướng chịu trách nhiệm, vấn đề nào phải đưa ra tập thể các thành viên Chính phủ.

Ông Vượng phân tích: "Quốc hội đã giao Bộ Tài chính nhận ủy quyền, đại diện cho Chính phủ. Vậy Thủ tướng phê duyệt những kế hoạch vay nợ do Chính phủ trình lên, thực chất là do Bộ trưởng Tài chính trình".

Ở khía cạnh khác, nhiều ủy viên không tán thành việc cho phép Thủ tướng quyết định cho vay vốn đối với một số trường hợp đặc biệt, bởi điều này cho thấy nền tài chính quốc gia thiếu minh bạch.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển cho hay, Luật quy định như vậy để hướng tới những trường hợp đặc biệt, cấp bách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Luật chỉ cần quy định thật rõ tiêu chí xác định thế nào là trường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận vẫn bảo lưu quan điểm những cách làm này khiến tài chính quốc gia không rõ ràng.

Ông Thuận dẫn chứng việc các địa phương hay lấy lý do gặp khó khăn để "đi xin". Chính phủ cứ thế rót xuống mỗi nơi vài tỷ đồng, lấy từ nguồn tài chính dự phòng. "Những việc này Quốc hội lại không được biết. Trong khi lẽ ra Quốc hội phải được giám sát từng đồng ngân sách", ông Thuận bức xúc.

Vay nước ngoài: Tỉnh chỉ đi "bắt mối"

Trong khi đó, việc nên hay không cho địa phương tự đi vay nợ quốc tế vẫn còn nhiều nhận định trái chiều.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn không tán thành quy định cứ để địa phương tự đi tìm nguồn vay nước ngoài, thỏa thuận với đối tác nhưng quyền ký kết lại là trách nhiệm của Trung ương.

Các ủy viên UBTVQH phân tích, sẽ khó phân định trách nhiệm trong chuyện đi vay "tréo ngoe" này. Bởi, địa phương tự móc nối, tự đàm phán, thỏa thuận với đối tác nhưng đến khi ký kết lại là "ông" Trung ương.

Kiến nghị đưa ra là địa phương chỉ đi "hoa tiêu" phát hiện các đầu mối, báo về cho Trung ương. Khi đó, Chính phủ sẽ đi đàm phán, có được tiền sẽ đem về cho vay lại.

Đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà giải thích: "Vay nợ quốc tế là thẩm quyền của quốc gia. Nhưng để phát huy tính năng động của địa phương, Luật sẽ tạo điều kiện cho địa phương tự đi tìm kiếm nguồn tiền. Nhưng Chính phủ sẽ phải đứng ra ký kết đàm phán".

Dự án luật này sẽ tiếp tục được tiếp thu hoàn thiện. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn trong các DN nhà nước, dự án Luật Quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh cũng đã được đưa vào chương trình xây dựng luật của QH khóa XII.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,