TP.HCM đang cần vốn cho các công trình cải tạo hạ tầng đô thị.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đặc biệt quan tâm đến những kiến nghị của TP về một số cơ chế, chính sách để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững.
Giải ngân ODA quá chậm
Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, năm 2008, kinh tế - xã hội TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách như lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, thị trường tài chính - ngân hàng diễn biến phức tạp...
Tuy vậy, kinh tế TP vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số (11%).
Ông Quân cho hay, năm 2009, TP sẽ tập trung mọi nỗ lực để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, khắc phục sự trì trệ và đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, kích cầu đầu tư và tiêu dùng.
Nhận định về tốc độ tăng kinh tế 11% của TP, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng kết quả này là khả quan…Tuy nhiên, ông chỉ ra mặt hạn chế là các dự án ODA thực hiện tại TP đều giải ngân chậm. Điển hình là dự án Đại lộ Đông - Tây, vốn vay ODA là 428 triệu USD (thực hiện 2005 - 2008) nhưng đến nay mới giải ngân 50%; dự án cải thiện môi trường nước, vốn vay ODA 3.000 tỉ đồng nhưng cũng mới giải ngân được một nửa.
“Tốc độ giải ngân chậm đang khiến nhiều nhà tài trợ cho TP e ngại”, ông Sinh cảnh báo.
Thứ trưởng Sinh cũng đồng tình với kiến nghị của UBND TP lên Thủ tướng là chỉ đạo việc tổ chức đấu thầu rộng rãi đối với tất cả các dự án sử dụng vốn ODA kể từ năm 2009, nhằm hạn chế các trường hợp tương tự như vụ PCI.
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết nhiều cơ chế, chính sách quá tầm giải quyết của TP.HCM, tạo điều kiện cho TP vượt qua khó khăn hiện nay. Cụ thể là TP cần đầu tư vốn và cơ chế để xây dựng các công trình giao thông. Chẳng hạn, phê duyệt đề án thành lập công ty đầu tư tài chính, đẩy nhanh di dời cụm cảng Sài Gòn và xí nghiệp Ba Son; huy động vốn xây dựng các tuyến tàu điện ngầm.
Đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội mà TP.HCM đạt được, song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu TP phát huy hơn nữa vai trò “đầu tàu” của cả nước. Theo ông, tiếp sau khủng hoảng tài chính là suy thoái kinh tế tác động rất mạnh vào nền kinh tế nước ta, khiến xuất khẩu giảm sút. Do đó Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm 2009, TP phải đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý TP.HCM cần đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững và hiện đại, trong đó chú trọng vào ngành công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao như ngân hàng, tài chính, cho thuê bất động sản. TP.HCM cũng cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho TP và các vùng kinh tế trọng điểm phía
-
Xuân Thiện