- Trước thông tin của Bộ trưởng Tài chính cho hay tốc độ tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực đang suy giảm nhanh, tình hình có chiều hướng rất xấu, Chủ nhiệm UB Pháp luật nói: Nếu cần thì triệu tập phiên họp bất thường của QH.
Đại diện Chính phủ và Ủy ban Thường vụ QH vừa trao đổi chiều qua (27/12) về các giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm kinh tế năm 2009. Ghi nhận các ý kiến tại đây và bên lề cuộc gặp.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trao đổi với Thủ tướng bên hành lang phiên họp QH thứ 4. Ảnh:LN
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: "Tình hình đang có chiều hướng rất xấu"
Biến động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến nhanh và sớm hơn dự kiến tại kỳ họp QH thứ 4 vừa qua.
Lúc đó, Nghị quyết QH vẫn ghi dự kiến tốc độ tăng GDP 2008 là 6,7%. Tại phiên họp tháng trước, Chính phủ vẫn cho rằng có thể đạt 6,5%. Thống kê đến 23/12 là 6,23%.
Ba tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực đều suy giảm rất nhanh. Tình hình có chiều hướng rất xấu, biến động ở tất cả các lĩnh vực.
Trong khi đó, chỉ tiêu xuất khẩu năm 2009 vẫn là tăng 13%, nhưng tình hình cho thấy tăng 5% là khó. Mà giá trị xuất khẩu chiếm tới 70% GDP. Dự kiến tăng trưởng 2009 là 6,5%, song nhiều ý kiến cho thấy, khó đạt được 5%. Bộ LĐTBXH bắt đầu có thống kê con số thất nghiệp.
Trong các phiên họp bàn đối phó suy giảm kinh tế, Chính phủ đã xác định là trong bối cảnh đặc biệt, thì rất cần biện pháp đặc biệt.
Chúng tôi đã báo cáo Thường trực Chính phủ 5 phương án ngân sách. Tuy nhiên, Thường trực Chính phủ cho rằng, vẫn chưa bước vào năm 2009 nên chưa có đầy đủ các căn cứ để xây dựng 5 phương án ngân sách đó. Thủ tướng cho hay, khoảng sau tháng 3 thì sẽ xem xét lại việc này, báo cáo với cấp có thẩm quyền để đề ra biện pháp thích hợp.
Thu ngân sách có khả năng giảm, căn cứ trên 3 yếu tố.
Thứ nhất, vì giá dầu thô giảm dẫn đến hệ lụy là thuế suất cũng giảm. Tính trung bình, cứ mỗi thùng dầu giảm đi 1 USD là ngân sách thất thu 1.800 tỷ đồng.
Giảm trực tiếp từ xuất khẩu dầu thô nhìn thấy rõ ở con số chênh lệch. Năm 2008, bình quân là 102 USD/thùng. 2009 có thể xuống 30 - 40 USD.
Nguồn thu từ thuế xuất khẩu cũng giảm. Khi giá dầu lên trên 100 USD/thùng, Chính phủ đã nâng thuế lên tối đa là 20%. Khi giá xuống, đã phải điều chỉnh còn 10%. Thuế nhập khẩu cũng giảm.
Con số QH thông qua là 70 USD/thùng. Nhưng chúng tôi vừa xây dựng thêm nhiều phương án với các mức từ 30 đến 70 USD/thùng. Ngoài ra, thất thu do miễn giảm thuế mất đi 13.000 - 15.000 tỷ đồng. Bội chi năm nay sẽ cao hơn chỉ tiêu.
"QH cần nghe biện pháp thực hiện". Ảnh: Trí Dũng
Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận: "Nếu cần thiết, QH có thể họp bất thường"
Qua phương tiện thông tin đại chúng, Quốc hội mới biết Chính phủ sẽ trích ra nguồn kích cầu 6 tỷ USD. Nhưng số tiền này lấy từ đâu ra? Có thuộc phạm vi ngân sách QH đã quyết không? Nếu vay thì lấy đâu để trả?
Nếu cần thì triệu tập phiên họp bất thường của QH để quyết định những vấn đề đột xuất, cấp bách nảy sinh. 21 nhóm giải pháp của Chính phủ nghe tên đều cần thiết nhưng cần hơn là biện pháp thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước: "Chậm 1 tháng, có thể để lại hậu quả"
Ảnh: Trí Dũng
Kinh tế khó khăn, Quốc hội phải tính ngay đến biện pháp bất thường để cùng Chính phủ cứu vãn tình thế, chứ không phải chỉ làm theo luật. Vì có những biện pháp nếu làm chậm 1 tháng sẽ để lại hậu quả.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên: "Dự báo mới chỉ là dự báo"
Để giải quyết các vấn đề kinh tế cấp bách, Quốc hội có ba cách. Thứ nhất, có thể triệu tập họp bất thường.
Việc chưa gấp lắm thì có thể gửi phiếu xin ý kiến đại biểu, kèm theo báo cáo giải trình. Hoặc là chờ đến kỳ họp Quốc hội tiếp theo mới đưa ra bàn.
"Lúc này mỗi người đang nói một phách". Ảnh: TS
Đến bây giờ chưa ai nói bất thường mà chỉ mới nói là phải tập trung ngăn chặn đà suy giảm kinh tế. Còn khủng hoảng lại là một nấc nữa cao hơn. Đại khủng hoảng mới là bất thường.
Chưa bước sang năm 2009, chưa thể nói được gì về tình trạng cấp bách của năm tới. Nếu cộng đồng quốc tế cùng hợp sức thì rất có thể sẽ có những đảo chiều thuận lợi.
Do đó, vẫn phải cập nhật số liệu để có được những dự báo chính xác. Trên cơ sở đó sẽ trình ra kỳ họp Quốc hội tháng 5/2009 để giữ và điều chỉnh các chỉ tiêu, các con số. Giữ hay điều chỉnh chỉ tiêu cũng cần phải bàn rất kỹ. Phải xin ý kiến Bộ Chính trị, xin ý kiến Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Bộ trưởng Tài chính có nói tăng trưởng 5% đã là khó nhưng lúc này dự báo vẫn đang là dự báo, mỗi người vẫn nói một phách, chưa có gì để khẳng định. Các tổ chức quốc tế cũng thế, ADB, IMF, WB mỗi nơi chưng ra một con số. Ngay các chuyên gia kinh tế trong nước cũng mỗi người một ý.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền: Quốc hội mong sớm có địa chỉ cho gói kích cầu
Cải cách thủ tục xây dựng cơ bản để kích cầu. Ảnh: VNN
Gói kích cầu 1 tỷ USD, vừa qua mới đưa ra nhưng chưa xác định đối tượng, chưa có địa chỉ rõ ràng, hiệu quả sẽ thấp. Chính phủ đưa ra giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu và sản xuất kinh doanh nhưng mới chỉ bàn chuyện hỗ trợ vốn.
Thực tế không phải bây giờ DN nào cũng thiếu vốn. Mà nghịch lý là, có vốn nhưng không tiêu thụ được. Vì thị trường bị thu hẹp, sản phẩm ứ đọng. Phải chú ý tìm đầu ra, tìm thị trường tiêu thụ cho DN chứ không phải chỉ vốn.
Gói kích cầu nên hướng tới khu vực tiêu thụ lao động nhiều.
Nguồn vốn huy động kích cầu tập trung hạ tầng cơ sở là hợp lý. Nhưng điều quan trọng là làm sao nhanh chóng giải ngân được số vốn khoảng 220 ngàn tỷ đồng ở khu vực này.
Xưa nay công trình xây dựng cơ bản chậm trễ nhất là thủ tục hành chính, để giải ngân được để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, phải cải cách thủ tục xây dựng cơ bản. Có những thủ tục liên quan đến luật: Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng... phải đợi QH sửa. Chính phủ phải sớm trình ra QH để sửa, ít nhất là trình ra tại kỳ họp thứ 5.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: Sẽ xin QH phát hành thêm trái phiếu Chính phủ đưa ra gói kích cầu là lấy từ hai nguồn tiền thật và từ chính sách. Theo đó, những khoản 2008 tiêu không hết thì cho chuyển nguồn. Sắp tới sẽ xin QH được phát hành thêm trái phiếu đến năm 2015. Thứ ba là nguồn giảm thu ngân sách, miễn giảm thuế, để DN dùng nguồn này để tăng đầu tư Thứ tư, Chính phủ dự kiến trích 1 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối dùng cho kích cầu, đang tính dùng thế nào. Không cấp đầu tư công trình cụ thể mà để cấp bù lãi suất cho một số đối tượng để thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy đầu tư. Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên: Gọi là gói kích cầu không biết đâu mà lần. Phải dùng đúng thuật ngữ mà Nghị quyết QH đã nêu là quỹ hỗ trợ giúp DN gặp khó khăn và đối phó với khủng hoảng kinh tế. Đề nghị Chính phủ dự tính xác đinh rõ khoảng bao nhiêu, cơ cấu quỹ thế nào, có phần lấy từ ngân sách nhà nước. Từ đó, phải xin ý kiến QH để QH cho hình thành quỹ, sau đó mới triển khai.
-
Lê Nhung ghi