- Cho rằng các chính sách chống lạm phát năm 2008 đều đúng nhưng chậm trễ, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Trần Xuân Giá khuyến cáo, cách đối phó với suy giảm kinh tế năm 2009 cần làm nhanh hơn, nếu không, sẽ mất cơ hội.
Theo ông Trần Xuân Giá, tăng trưởng kinh tế năm 2008 trên 6% không thấp nhưng chất lượng tăng trưởng giảm sút, để lại gánh nặng cho những năm sau, đặc biệt gánh nặng ô nhiễm môi trường. Ông cũng nhận định, công tác chỉ đạo điều hành tuy quyết liệt nhưng chưa đạt yêu cầu. Đánh giá chưa đúng, chưa sát tình hình, dự báo thiếu chính xác, đề ra chính sách và tổ chức triển khai chậm.
Bị phê phán vì cảnh báo khó khăn
- Cụ thể là chậm ở đâu, thưa ông?
- Mãi đến tháng 1/2008 vẫn chưa có thông tin rõ về lượng tiền bơm vào lưu thông quá mức cần thiết năm 2007. Tháng 1, chúng ta vẫn công bố tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng tăng khoảng 30% so với 2006, trong khi con số này gần 44% và 54%, cao nhất từ năm 1993 đến nay.
"Kích cầu năm 1998-1999 cũng gặp vô số sai lầm". Ảnh: Lê Nhung |
Điều này tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến lạm phát. Căn cứ vào con số 30% để ban hành các chính sách ứng phó dẫn đến những sai lầm không đáng có, để lại hậu quả xấu.
Thứ hai là tuy đã có cảnh báo rất sớm về việc cần điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng và tính toán lại các cân đối nhưng mãi đến quý II, không ít người vẫn còn rất lạc quan, thậm chí những ai cảnh báo khó khăn còn bị phê phán, cho là hốt hoảng.
Trước tình hình này, việc chậm đưa ra các đối sách ứng phó là lẽ thường tình và khi buộc phải làm thì làm dồn dập, giật cục, tất yếu để lại hậu quả xấu. Hình như tình trạng này cũng đang lặp lại khi bàn triển khai thực hiện nhiệm vụ 2009.
Nhìn lại 2008, dự cảm 2009
- Đến cuối năm, việc chuyển từ 8 giải pháp chống lạm phát sang gói 5 giải pháp chống suy thoái có vẻ đã được đưa ra nhanh hơn?
- Cuối tháng 6 và đầu tháng 7, đã có đề xuất là dứt khoát phải nới lỏng có mức độ chính sách tiền tệ. Vào đầu tháng 9, khi giá cả bắt đầu giảm, đã có kiến nghị phải bàn cách đối phó giảm phát và chủ trương kích cầu.
Giá như đề xuất này được chấp nhận và chủ trương kích cầu bắt đầu triển khai từ đầu quý IV năm nay thì hiệu quả sẽ cao hơn.
"Đừng đào giếng chống hạn giữa mùa mưa"
Còn nhớ vào tháng 4/2008, khi bàn về nguyên nhân lạm phát, ông có nói nhà cháy, phải lo chữa cháy, còn ai đốt sẽ hạ hồi phân giải. Đến lúc này nhìn lại, ông nhận định thế nào về tình hình vừa qua? Có thể rút ra được những vấn đề gì về chỉ đạo điều hành trong năm nay?
- Hạn chế lớn nhất là chưa theo dõi, bám sát tình hình để định hướng chính sách kịp. Các đầu việc đưa ra đều đúng, nhưng chậm. Khi triển khai giải pháp thì nhiều vấn đề đã lạc hậu so với thời cuộc.
Những người sống vùng cát ven biển có câu "Đào giếng chống hạn vào giữa mùa mưa". Ở quê đất cát không có sông suối, nếu trời mưa, đào đến đâu cát sẽ sụp xuống đến đấy. Mà giữa mùa mưa, còn ai cần nước để chống hạn?
Cơ chế điều hành của chúng ta vào tình trạng "đào giếng chống hạn vào giữa mùa mưa" như vậy. Tôi đã nói điều này vào năm 1998-1999. Chính sách chậm không có tác dụng, thậm chí công cốc.
Trước cơn bão, phải che chắn giảm thiểu tác hại. Khi bão đang diễn ra thì phải nghĩ ngay là sau bão gieo cấy cái gì để chống đói. Không phải đợi đến khi bão tan mới họp nhau lại để bàn bạc về mục đích, ý nghĩa thì đã mất hết thời gian.
"Năm 2008 chứng kiến một lượng vốn nước ngoài đăng ký đầu tư tăng đột biến, nhưng thực hiện không là bao. Ngay những dự án đang đầu tư dở dang cũng bị giãn, hoãn tiến độ. Nhiều hiện tượng của 1998-1999 sẽ lặp lại. Đó là các tập đoàn đa quốc gia, công ty mẹ lâm vào nợ nần, phá sản, không còn uy tín để vay tiền đầu tư. Hai kênh này diễn biến và tác động rất nhanh. Lượng kiều hối gửi về cũng bị ảnh hưởng". |
Hơn nữa, từ lúc bàn tính đến khi hình thành chính sách và đến người thực hiện là quá trình dài. Chúng ta thường nói cải cách hành chính để rút ngắn thời gian nhưng để thay đổi nhận thức của những người chịu trách nhiệm thực hiện cụ thể các chính sách còn khó hơn.
- Chuyện điều hành chậm trễ đã được cảnh báo nhiều, tại sao khó khắc phục?
- Do hệ thống của chúng ta chịu trách nhiệm kém, không rõ ràng. Việc hay ai cũng muốn nhận về mình, nhưng việc dở thì không biết quy trách nhiệm cho ai. Điều hành chậm trễ khó thay đổi.
Không dàn hàng ngang cùng tiến
- Theo ông, sắp tới phải dùng gói kích cầu 6 tỷ USD như thế nào để đạt hiệu quả?
- Với nước ta, kích cầu tốt nhất là tăng vốn, tăng ồ ạt. Nhưng nếu đầu tư không đúng, kém hiệu quả thì sẽ làm cho nền kinh tế xấu đi. Nguyên nhân sâu xa gây lạm phát, về căn bản và lâu dài mà nước ta cần tránh, đó là sản xuất và kinh doanh kém hiệu quả.
Luôn phải xử lý ba vấn đề: Tiền đâu? Đầu tư vào đâu? Đầu tư thế nào?
Năm tới, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến khoảng 715 ngàn tỷ đồng, tương đương 42 tỷ USD. Phải huy động càng nhanh càng tốt tất cả các nguồn lực: Vốn trong nước của tất cả thành phần kinh tế và nếu có đủ điều kiện thì vay cả nước ngoài, để kích cầu đầu tư và tiêu dùng.
Nguồn vốn 6 tỷ USD sẽ rất quan trọng nếu biết dùng, nếu không con số ấy trở nên nhỏ bé so với nhu cầu. Nền kinh tế của ta muốn tăng trưởng, trước mắt vẫn phải dựa vào con đường tăng trưởng vốn. Nhưng đây là con đường cụt.
Con đường tăng trưởng thênh thang nhất là hiệu quả, năng suất lao động cao, khoa học, công nghệ mới. Ngay bây giờ phải đi nhanh trên con đường này mới mong đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
- Từ kinh nghiệm kích cầu giai đoạn 1999-2000, ông thấy nên đầu tư vào đâu?
- Trước mắt, phải ném tiền vào nhóm dự án có đầu ra, vì kích cầu không chỉ để có hàng cho thị trường, mà quan trọng là hàng đó phải tiêu thụ được.
"Kinh nghiệm của việc kích cầu cách đây 10 năm là phải đầu tư nhiều cho bên mua chứ không nên tập trung đầu tư cho bên bán. Đầu ra đã có rồi thì phải bơm tiền đủ và làm thật nhanh để đáp ứng nhu cầu xã hội. Chậm ngày nào, hàng hóa nước khác sẽ tràn vào chiếm lĩnh khoảng trống ngay". |
Nhóm dự án thứ hai cần kích cầu là những công trình tuy không làm ra sản phẩm dùng ngay nhưng tạo ra cơ cấu kinh tế mới. Chúng ta đã làm như vậy khi thực hiện kích cầu thời 1997-1999. Hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương nội đồng, nhiều công trình điện, giao thông lớn đã ra đời.
Còn đầu tư thế nào ư? Kích cầu là giải pháp tình thế, phải làm ngay, nhanh, kịp thời. Thời gian là yếu tố số 1. Bây giờ bắt đầu là muộn, càng phải chạy nhanh.
Nếu chúng ta triển khai chậm, sẽ có tác động tiêu cực ngược lại.
- Theo ông, nên "chạy" bằng cách nào để nhanh hơn?
- Phải tháo gỡ ngay thủ tục hành chính còn vướng mắc, làm mất thời gian. Chúng ta đã có kinh nghiệm để rút ngắn thời gian thực hiện ở một số khâu có thể. Cho phép làm song song nhiều thủ tục trong một dự án.
Phải tổ chức những nhóm công tác, có đủ thẩm quyền, quyết tâm và lương tâm với xã hội quyết định tại chỗ đối với những vướng mắc do các thủ tục hành chính đang quá rườm rà, hoặc vừa rườm rà nhưng thiếu cụ thể gây ra. Bên cạnh đó, quy mô phải ồ ạt mới tạo ra tâm lý, đưa rỉ rả là không ăn thua.
Ngoài ra, phải sử dụng nguồn vốn 6 tỷ USD bằng hình thức cho vay, kể cả nếu cần thì cho vay không lãi, chứ không cấp không. Phải xem đây chỉ là vốn “mồi”.
“Mồi” bằng nhiều cách, ví dụ, cho vay không lãi để sớm thực hiện dự án, khi ngân sách có nguồn để cấp, chủ đầu tư sẽ hoàn trả lại. Bằng cách này, không chỉ công trình được đưa vào sử dụng sớm, mà điều quan trọng là tăng sức mua cho thị trường, các loại hàng đang tồn kho lớn như sắt thép, xi măng, hàng tiêu dùng… sẽ được tiêu thụ, kích thích sản xuất.
Hoặc cho nhà đầu tư vay để bổ sung cho đủ vốn nhằm thực hiện đầu tư xây dựng công trình…; cho vay bổ sung vốn lưu động với những đơn vị có “đầu ra”, nhưng thiếu vốn lưu động… Hoặc Nhà nước dùng nguồn vốn này để bảo lãnh cho các đơn vị kinh tế vay vốn từ các nguồn khác.
Không nên dàn hàng ngang để tiến. Vì tôi e ngại nhất là chúng ta bị căn bệnh trung ương - địa phương, căn bệnh chạy theo thành tích, căn bệnh tư duy nhiệm kỳ.
Dấu hiệu chậm trễ
Năm 1998-1999, khi ông còn là Bộ trưởng KH - ĐT, VN đã từng đưa ra nhiều biện pháp kích cầu nhưng kết quả không như mong muốn. Lý do vì sao? Có thể vận dụng được kinh nghiệm gì từ lần kích cầu đó với lần này? Tình hình có gì khác nhau, giống nhau, thưa ông?
- Kích cầu lúc bấy giờ cũng gặp vô số khuyết điểm, sai lầm. Quy mô bé, chúng ta chưa có kinh nghiệm.
Bài học vẫn là triển khai thực hiện chậm trễ. Mất tới 3 năm, từ 1998 đến 2000 để phục hồi. Tăng trưởng năm 1998 là 4,8%, đến năm 1999 là 4,7%, đến 2000 mới lên hơn 6%.
Trong khi đó, Thái Lan là nước đầu tiên khủng hoảng đã thay đổi nhanh. Các nước hầu như chỉ sau 1 năm là trở lại quỹ đạo.
Bấy giờ tôi đã bị phê phán là chậm, là đi “đào giếng chống hạn giữa mùa mưa”. Cho dù lúc đó cũng xác định là kích cầu vì trước mắt và lâu dài.
Bài học là chúng ta xử lý khó khăn rất chậm. Nhất là xử lý các vấn đề ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài. Quan niệm của ta lúc đó rất sai, cho rằng khó khăn thì họ phải lo.
Nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói 1 câu tôi nhớ mãi, là, thây ma là của họ, nhưng chết trên đất mình là gây ô nhiễm cho mình, mình phải xử lý.
- Khi đó, chúng ta mất thời gian vào việc gì?
- Ta đã mất quá nhiều thời gian để "lăn tăn" chuyện tiền ở đâu, đầu tư vào đâu. Giống hệt như bây giờ.
Thậm chí khi nói đến đầu tư vào giao thông nông thôn cũng mất rất nhiều thời gian để bàn bạc là quy hoạch làm sao để nối được vào giao thông chung, nên chọn vật liệu gì, bê tông hay đường truyền thống làm đá trải nhựa... Rồi chuyện đón bắt nguồn vốn từ bên ngoài cũng rất chậm.
Khi đó có một bài học về vay nước ngoài. Nhật Bản do tác động suy thoái, làm ra hàng hóa không biết bán cho ai, đã cho các nước vay 30 tỷ USD với điều kiện ưu đãi. Trong đó có một ràng buộc là phải mua ít nhất 50% thiết bị và thép của thị trường Nhật. Biết là mua của Nhật đắt hơn nơi khác nhưng đổi lại được vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài và thời gian trả nợ cũng dài.
Những việc như vậy rất tốn thời gian trong khi đáng lẽ phải làm nhanh hơn rất nhiều. Bàn quá lâu dễ mất cơ hội.
Giờ đây, tôi đang thấy dấu hiệu của sự chậm trễ đó.
-
Lê Nhung