- Tại hội thảo "Vượt qua thách thức - nắm bắt cơ hội" do Ủy ban Kinh tế QH tổ chức hôm nay (30/12), doanh nghiệp tư nhân tha thiết yêu cầu Quốc hội phải giám sát chặt địa chỉ các khoản kích cầu, vì không thể lại tiếp tục kích cầu cho nhà giàu.
Lập ngay quỹ phá sản
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Á Phạm Thị Loan cho hay, đã có 3 trong số 14 công ty thuộc tập đoàn vừa phải đóng cửa.
Ảnh: XD
Nghịch lý là có công ty đang thi công các dự án xây dựng nhưng gặp điêu đứng chỉ vì quy định ngân hàng không cho các dự án xây dựng vay nợ. "Đành lấy tiền của công ty mẹ đắp cho công ty con để trả lương cho hơn 1.000 công nhân đang sống ngoài công trường, dù biết là sử dụng vốn sai mục đích", bà Loan lên tiếng.
Chưa kể, do chính sách thắt chặt tiền tệ nên nhiều ngân hàng đã phá vỡ cam kết với DN, không những không có đủ vốn cho vay mà còn tăng lãi suất đến chóng mặt.
Bà Loan dẫn chứng, nhiều công trình do tập đoàn của bà ứng vốn, làm chủ thầu, đã xong cả năm nay nhưng EVN không lấy đâu ra tiền để trả. Lý do là tập đoàn đã bị nhiều ngân hàng "thất hẹn". "Vậy là chúng tôi cũng không lấy đâu ra tiền trả nợ lại ngân hàng. Thế là bị quy vào nhóm nợ xấu, ngân hàng buộc phải trích quỹ dự phòng và không cho vay tiếp nữa", bà Loan than thở.
Đại diện nhiều DN cũng cho rằng, Chính phủ đã nới lỏng chính sách tiền tệ và đưa ra nhiều chủ trương khác nhưng các chính sách đi vào cuộc sống quá chậm. Trong khi đó, nhiều hệ lụy do chính sách chống lạm phát gây ra chưa được tính đến. Chẳng hạn, cùng với chủ trương lập quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ gặp khó khăn, cần tính ngay tới việc lập ngay quỹ phá sản.
"Rất nhiều DN dệt may nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan ở Việt Nam đã phá sản, đóng cửa", Phó TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho hay.
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng cũng đề nghị, Chính phủ nên tạm hoãn phê duyệt đầu tư những mặt hàng trong nước đã sản xuất dư thừa, trong đó có xi măng, vì sản lượng ngành này đủ dùng đến tận năm 2020.
Đại diện không ít DNNN cũng lớn tiếng phê phán việc Chính phủ dự báo sai, điều hành vấp, đưa ra chính sách "giật cục", không đúng thời điểm, dẫn đến nhiều DN trở tay không kịp. Tuy kiếm lời trong 7 tháng đầu năm, nhưng sau đó sụt giảm, mất hết cả phần lãi và "ăn" cả vào vốn liếng.
Giám sát chặt địa chỉ được kích cầu
Có mặt tại cuộc gặp, đại diện các DNNN tiếp tục đề nghị Quốc hội giám sát địa chỉ mà Chính phủ sẽ rót nguồn kích cầu 1 tỷ USD.
Dù khuyến cáo "có một tỷ đôla kích cầu mà ai cũng xin kiểu trợ cấp là không được", nhưng đại diện Thép, Xi măng, Vật tư nông nghiệp, Dệt may... đều tranh thủ "kêu" với QH nên ưu tiên rót vốn kích cầu cho ngành mình. Lý do đưa ra là dù trải qua một năm bất thường của nền kinh tế nhưng hầu hết DN đều đang vận động tìm lối ra, nhất là khi có được tiền kích cầu.
Trong khi đó, đại diện các DN dân doanh đều lớn tiếng cho rằng "DNNN năm nay báo cáo lãi là do các năm trước dồn lại và do được độc quyền ưu đãi".
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu Đoàn Trọng Lý phê bình: "Dệt may các anh báo cáo lãi 320 tỷ nhưng như thế là lỗ hàng ngàn tỷ vì các anh nắm hàng ngàn lợi thế". Ông Lý tha thiết yêu cầu QH phải "giám sát chặt địa chỉ các khoản kích cầu", vì không thể lại tiếp tục "kích cầu cho nhà giàu".
Trao đổi với báo giới bên hành lang cuộc họp, Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Hà Văn Hiền cho hay, Chính phủ đang giao cho các bộ, ngành lên kế hoạch cụ thể triển khai 5 nhóm giải pháp chống suy giảm kinh tế, trong đó có gói kích cầu 1 tỷ USD.
"Cần sớm có địa chỉ, tránh tình trạng chính sách đã ban hành mà làm chậm. Đây là rút kinh nghiệm trong triển khai các nhóm giải pháp chống lạm phát năm qua", ông Hiền khẳng định.
Ông cũng đồng tình với ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng, gói kích cầu nên chọn điểm rơi là khu vực giải quyết nhiều lao động, xây dựng hạ tầng cơ sở.
-
Lê Nhung