- Gửi lời chúc Tết Kỷ Sửu 2009 đến kiều bào trên khắp thế giới qua cầu truyền hình trực tiếp từ Hà Nội tối nay (18/1 - 23 tháng Chạp), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Dù sinh sống ở bất cứ góc biển, chân trời nào, bà con vẫn có quê hương, dân tộc Việt Nam làm chỗ dựa tinh thần vững chắc.
Cầu truyền hình quốc tế “Xuân quê hương 2009” kết nối 4 điểm cầu chính là Văn Miếu - Hà Nội, Vientiane (Lào), Moscow (Nga) và San Francisco (Mỹ).
"Kiều bào là nguồn lực của cộng đồng Việt Nam"
Từ điểm cầu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ xúc động khi mỗi dịp xuân về, mọi người con đất Việt dù đang làm ăn ở bất cứ đâu, cũng mong muốn tìm về với gia đình, với cội nguồn để được đoàn tụ bên nhau trong tình nghĩa đồng bào, hàn huyên tâm sự, chia sẻ, cùng nhau tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên và cầu chúc cho quê hương luôn an bình, phát triển.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nâng cốc chúc mừng Năm Mới kiều bào tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước nhiệt liệt chào mừng kiều bào các thế hệ từ khắp nơi trên thế giới về quê hương chung đón Tết cổ truyền dân tộc Kỷ Sửu năm 2009.
Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với những thành tựu xây dựng và phát triển đất nước, cũng như không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng cộng đồng đoàn kết, thân ái, tương trợ, có cuộc sống ổn định, hội nhập vững chắc vào xã hội sở tại.
Nhiều tấm gương sáng tạo trong lao động, học tập của bà con đã góp phần làm rạng danh dân tộc Việt Nam ở xứ người. Ngày càng có nhiều người về nước hợp tác, đóng góp công sức, trí tuệ trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội và tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động từ thiện trong nước...
“Những tình cảm và nghĩa cử hướng về cội nguồn, quê hương, đất nước của bà con ta đã khẳng định mạnh mẽ chân lý người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng Việt Nam”, Chủ tịch nước nói.
Dù sinh sống ở bất cứ góc biển, chân trời nào, bà con có một quê hương Việt Nam, một dân tộc Việt Nam yêu dấu, là chỗ dựa tinh thần vững chắc... Ảnh: Lê Anh Dũng
Trong năm qua, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đạt nhiều kết quả khích lệ, việc thực hiện chính sách miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về thăm đất nước. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Quốc tịch sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong khi có quốc tịch nước ngoài được giữ quốc tịch Việt Nam.
Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà nước nói, so với nhu cầu, mong mỏi của bà con kiều bào cũng như yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình mới, sẽ còn nhiều việc phải làm.
“Tôi tin tưởng với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài sẽ đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thiết thực của cộng đồng để đồng bào ta ở nước ngoài luôn cảm nhận được rằng dù sinh sống ở bất cứ góc biển, chân trời nào, bà con vẫn có một quê hương Việt Nam, một dân tộc Việt Nam yêu dấu, là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là cội nguồn của sức mạnh”, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định.
Ước nguyện trở về
Một hình ảnh gây xúc động trong chương trình, đó là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết làm nghi lễ thả cá chép, một nghi lễ truyền thống của ngày 23 tháng Chạp. Các tiết mục văn nghệ đặc sắc và phóng sự truyền hình thực hiện tại các điểm cầu đan xen khiến người Việt từ khắp nơi trên thế giới như gần lại.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trò chuyện thân mật với kiều bào. Ảnh: Lê Anh Dũng
Trước mùa xuân mới, nhiều kiều bào bày tỏ trăn trở về ước nguyện gắn bó và đóng góp cho quê hương, đất nước. Nghệ sỹ Vân Anh sinh sống tại Sydney xuất hiện trong tà áo dài duyên dáng. Chị mong ước tà áo dài truyền thống và hình ảnh Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn trên thế giới. Kiều bào Dương Thanh Minh tại Sydney thì mong muốn trở về quê hương đầu tư, làm ăn.
Kiều bào Cao Văn San ở Uthol, Thái Lan mong muốn được trở về thăm quê hương bằng những con đường nhanh hơn. Một kiều bào tại Lào ước mong làm thế nào Nhà nước có chính sách cho bà con vẫn tiếp tục giữ quốc tịch gốc Việt Nam.
Anh Nguyễn Trọng Bình tại Mỹ mong muốn đem những hiểu biết về tiến bộ khoa học, kỹ thuật đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Sinh sống và làm việc tại Nga hơn 20 năm, nhưng những ngày này, anh Nguyễn Thế Minh đang tính đến khả năng thu xếp đưa gia đình trở về quê hương. Ước nguyện trở về luôn đau đáu dù đời sống tại Matxcơva của anh Minh đã ổn định và có thu nhập.
Dù sinh sống ở bất cứ góc biển, chân trời nào, bà con kiều bào vẫn có quê hương, dân tộc Việt Nam làm chỗ dựa tinh thần vững chắc. Như lời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại quận Cam, thủ phủ của người Việt tại tiểu bang California trong chuyến thăm chính thức Mỹ hồi tháng 6/2007, được phát lại trong chương trình cầu truyền hình lần này: “Sống trên đời không phải để thù hận mà chính là để yêu thương nhau...
Vì vậy, một lần nữa tôi mong bà con của mình, bà còn ở xa, bà con hãy vì quê hương đất nước, vì dân tộc này, hãy gác bỏ mọi chuyện cũ đi, mọi tị hiềm của quá khứ, hãy đoàn kết lại, và cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh. Đó không chỉ là ý kiến của tôi mà đó là tâm nguyện của cả dân tộc Việt Nam, là ý chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nếu ai đó còn có ngần ngại, còn có bất đồng, chúng ta hãy nói với các bạn ý rằng, mẹ hiền Việt Nam lúc nào cũng dang rộng cánh tay đón nhận tất cả người con của mình về với Tổ quốc. Không có lý do gì để sự khác biệt này ảnh hưởng đến đoàn kết, nhiệm vụ xây dựng đất nước của chúng ta".
-
Xuân Linh