- “Các doanh nghiệp Anh vẫn mong muốn tiếp tục mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam dù bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khó khăn”, Quốc vụ khanh Thương mại, đầu tư và phát triển quốc tế Anh, nghị sĩ Gareth Thomas đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam khẳng định chiều 19/1 với VietNamNet trước khi rời Hà Nội vào TP.HCM.
Quốc vụ khanh Gareth Thomas. Ảnh: XL |
Hôm nay, (20/1), ông Thomas có cuộc gặp và thảo luận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông cũng gặp Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, để tìm hiểu về tiến trình thực hiện những cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.
Chiều cùng ngày, Quốc vụ khanh Anh có cuộc gặp với Chủ tịch UBND TP.HCM để trao đổi về môi trường kinh doanh tại khu vực phía Nam Việt Nam.
Ông sẽ thăm trung tâm phần mềm mới của Harvey Nash tại quận Tân Bình và có buổi tiếp xúc với một số doanh nghiệp Anh và Việt Nam trong thời gian ở TP.HCM. Trước đó, hôm qua (19/1), ông Thomas đã có cuộc gặp Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc và tham gia buổi lễ ký kết chương trình tài trợ “Một Liên hiệp quốc”.
Tạo thuận lợi về thị thực
Những vấn đề ông quan tâm nhất trong các cuộc thảo luận với quan chức Chính phủ Việt Nam là gì?
- Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Anh với Việt Nam cũng như quan hệ thương mại giữa EU với Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Vấn đề thứ hai chúng tôi muốn thảo luận là làm thế nào để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Anh kinh doanh tại Việt Nam dễ dàng, thuận lợi hơn nữa.
Cùng tham dự cuộc gặp của tôi với Thủ tướng có hơn 10 doanh nghiệp Anh. Họ muốn trao đổi với ngài Thủ tướng những vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm khi tham gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Nội dung thứ ba mà chúng tôi quan tâm, đó là biến đổi khí hậu. Tôi đã gặp một số cơ quan ban ngành, đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam để bàn việc làm thế nào giúp Việt Nam đối phó với các nguy cơ về biến đổi khí hậu có thể xảy ra.
Số lượng thị thực cấp cho công dân mỗi nước sẽ tăng lên hàng năm trong giai đoạn 2009-2013 (mức tăng cao nhất có thể là đối với nhóm thị thực doanh nghiệp và sinh viên đến Anh và thị thực du lịch và doanh nghiệp đến Việt Nam) nhờ việc cấp thị thực hiệu quả và minh bạch và khả năng thành lập đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Anh. (Bản ghi nhớ hợp tác đến năm 2013 giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Anh ký ngày 13/1/2009 tại Hà Nội) |
- Các doanh nghiệp Anh nói với tôi rằng họ muốn mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam, ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, khó khăn.
Cộng đồng doanh nghiệp Anh vẫn tìm thấy những cơ hội kinh doanh tốt đẹp, triển vọng tại thị trường Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ sẽ có thể còn có nhiều cơ hội hơn nữa mở ra đối với các doanh nghiệp Anh.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng, chúng tôi sẽ nêu những vấn đề mà chúng tôi lưu tâm để giúp mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Anh tại Việt Nam.
Anh lưu tâm đến ý tưởng cùng Việt Nam tạo cơ chế cấp thị thực thuận lợi cho khối doanh nghiệp giữa hai nước nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư. Xin ông cho biết hai bên đang đã làm việc nội dung này như thế nào?
- Chúng tôi quan tâm và sẽ thúc đẩy nhanh chóng thực hiện ý tưởng tạo thuận lợi về thị thực cho doanh nghiệp Anh đến Việt Nam. Trong các cuộc làm việc, tôi muốn thảo luận với các quan chức Việt Nam làm thế nào để đạt được việc này. Đã có các cuộc thảo luận giữa hai bên và chúng tôi muốn đẩy nhanh đàm phán.
Có một cách mà tôi nghĩ có thể giúp hai bên “cùng thắng”, đó là hai bên có thể ký hiệp định về quan hệ thương mại song phương hoặc hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam.
Mặc dù hiện nay, giữa EU và ASEAN cũng đang đàm phán một Hiệp định thương mại tự do, nhưng tôi e ngại tiến trình đàm phán đang diễn ra chậm vì có quá nhiều khác biệt về quyền lợi giữa các bên trong ASEAN. EU tính tới việc có Hiệp định thương mại tự do với từng nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Anh cam kết sẽ ủng hộ Việt Nam sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Việc này đã tiến hành đến đâu thưa ông?
- Đây cũng là một trong những vấn đề mà tôi trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tôi không thể trả lời khi nào Việt Nam sẽ được công nhận nhưng chắc chắn đây là vấn đề được chúng tôi lưu tâm.
-
Xuân Linh