- Gặp gỡ báo chí đầu Xuân chiều 4/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, kinh tế năm 2009 dù đối mặt với khó khăn khôn lường nhưng là cơ hội để đẩy nhanh cải cách và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiểu rộng sang chiều sâu.
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ gặp gỡ báo chí đầu xuân. Ảnh: Lê Nhung
Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại, 2008 là năm đầy biến động, với những khó khăn, thách thức khó lường. Nguyên nhân một phần do tác động khách quan và do trình độ, khả năng chủ động đối phó của Chính phủ. Quản lý, điều hành của Chính phủ vẫn còn khuyết điểm, hạn chế.
"Ngay khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu diễn ra, ta vẫn cho rằng đây là khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng... Đến nay không phải chỉ là khủng hoảng thông thường nữa mà là đại khủng hoảng. Nếu không tiếp tục dành tâm sức chỉ đạo, điều hành thận trọng thì tình thế càng khó khăn, phức tạp", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, chính nhờ việc đề ra chủ trương, giải pháp đối phó đúng đắn, phù hợp nên cả nước đã cùng hợp lực chung sức vượt bão. Nhưng, người đứng đầu Chính phủ không quên nhắc đi nhắc lại: "Trong hoàn cảnh khó khăn, thách thức, báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp sức mạnh nhân dân".
Điều này đã giúp Chính phủ cơ bản giữ được các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, ổn định nền tài chính, không có bất kỳ ngân hàng nào sụp đổ như những dự đoán trước đó. Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn đã kiềm chế được lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng cao 6,23%. An sinh xã hội được đảm bảo trong hoàn cảnh ngặt nghèo, trên cơ sở niềm tin của người dân, ổn định xã hội tiếp tục được duy trì.
Không được phân tâm
Về việc các chỉ số trong tháng 1 giảm sút (đặc biệt công nghiệp, du lịch và xuất nhập khẩu), Thủ tướng nhấn mạnh, đây là xu thế chung của nền kinh tế toàn cầu, là các dấu hiệu cho thấy năm 2009 tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa: "Cuộc đại khủng hoảng trên thế giới hiện còn chưa biết điểm đáy", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, so với cuộc khủng hoảng năm 1997, khi ông còn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì tình hình bây giờ khó khăn hơn rất nhiều.
Vì vậy, để đạt mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì sản xuất kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo tăng trưởng 6%, Thủ tướng tiếp tục kêu gọi sự đồng lòng của toàn xã hội.
Đây là thời điểm cần tập hợp sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, tránh để xảy ra bất kỳ sự phân tâm nào, sao cho đến 2010, khi kinh tế thế giới phục hồi, Việt Nam cũng có cơ sở để vực dậy đà tăng trưởng, ông nhấn mạnh.
Chia sẻ những vấn đề trọng đại của đất nước, Thủ tướng đề nghị báo chí tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn vai trò, sứ mệnh đóng góp vào tiến trình phát triển quốc gia.
Đẩy nhanh cải cách
Cũng tại cuộc gặp, Thủ tướng nhấn mạnh đây là lúc đẩy nhanh quá trình cải cách và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ mô hình tăng trưởng chủ yếu là dựa vào các yếu tố theo chiều rộng (dựa chủ yếu vào xuất khẩu tài nguyên, tăng đầu tư, nhất là đầu tư trong nước) sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở phát huy nguồn lực và tính năng động của khu vực dân doanh, khai thác lợi thế so sánh, tăng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (công nghệ và quản lý, chất lượng nguồn nhân lực…) nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh mới trong từng doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Thủ tướng nói, trong khó khăn cũng có những điều kiện thuận lợi để phát triển. Dù kinh tế suy giảm, chúng ta vẫn có cơ hội để đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất khi giá cả các thiết bị, nguyên liệu đang giảm mạnh, cũng như đầu tư mạnh hơn nhằm giải quyết những nút thắt cổ chai của tăng trưởng.
"Chúng ta đối phó với khó khăn trước mắt, nhưng đồng thời vẫn phải tính căn cơ lâu dài, toàn diện. Vừa phải duy trì sản xuất, vừa phải đổi mới khoa học công nghệ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng trong định hướng phát triển về chiều sâu, liên quan đến thu hút FDI, Thủ tướng khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao, dịch vụ, các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm đất đai. Theo đó, sẽ tiếp nhận FDI một cách có chọn lọc, không phải bằng bất kỳ giá nào như trước đây.
Vì vậy, điều cực kỳ quan trọng là các giải pháp cấp bách không được mâu thuẫn với các mục tiêu dài hạn, mà phải tạo ra cơ sở, tiền đề cho việc khai thác tiềm năng tăng trưởng của đất nước, nâng cao chất lượng hiệu quả của tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững trong những năm sau.
Thủ tướng cho hay, Chính phủ đã nhận được thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dự án bôxit Tây Nguyên. Theo đó, khai thác bôxit là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được nêu trong nghị quyết đại hội X của Đảng. Bộ Chính trị cũng đã 3 lần được nghe báo cáo chiến lược khai thác nguồn tài nguyên này. Chính phủ đã phê duyệt một quy hoạch về bôxit Tây Nguyên với tinh thần là phát triển hiệu quả, bền vững. Sắp tới, Chính phủ sẽ chủ trì một hội thảo về khai thác bôxit Tây Nguyên để trình bày với tất cả các nhà khoa học, các nhà báo quan tâm đến vấn đề bôxit Tây Nguyên qua những vấn đề đặt ra, phương án khai thác thế nào, công nghệ thế nào để tạo sự đồng thuận. Theo Thủ tướng Chính phủ, bôxit là nguồn tài nguyên mang lại nguồn lợi lớn trong bối cảnh các tài nguyên khác của đất nước đang dần cạn kiệt. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là vừa khai thác làm giàu cho đất nước, vừa phải đảm bảo vấn đề môi trường, an ninh chính trị và xã hội.
-
Lê Nhung
Đổi 1.000 VNĐ lấy 1.000 USD tại đây
Click - Rinh dế 2 sim 2 sóng |