221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1161232
"Đừng để lao động thất nghiệp rớt xuống đáy"
1
Article
null
'Đừng để lao động thất nghiệp rớt xuống đáy'
,

 - Đoàn làm việc của Ủy ban các vấn đề xã hội QH vừa kết thúc đợt làm việc tại các khu công nghiệp phía Nam khảo sát tình hình thực hiện pháp luật lao động và mất việc làm. Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai cho hay, trước tình trạng lao động thất nghiệp đang nóng bỏng, Ủy ban sẽ đề nghị Bộ LĐ - TB & XH làm rõ giải pháp thực hiện chỉ tiêu tạo mới 1,7 triệu việc làm trong năm 2009.

Ủy ban đã làm việc với 4 địa phương là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhiều DN chỉ có đơn hàng đến tháng 3

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai: Tôi chưa thấy cơ quan nhà nước tham gia kiểm tra việc thực hiện Bộ luật Lao động của doanh nghiệp. Ảnh: LN

Vấn đề lao động thất nghiệp đã rộ lên từ cuối năm 2008. Trong đợt khảo sát tại các khu công nghiệp phía Nam tuần qua, bà thấy tình hình này như thế nào?

-  Mất việc làm trong năm nay là một vấn đề đặc biệt. Tuy nhiên chúng tôi còn quan tâm tới một vấn đề lâu dài hơn, đó là quan hệ lao động.

Lâu nay ta chỉ quan tâm tới xúc tiến thương mại, đời sống lao động nhưng vấn đề mấu chốt là quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động lại chưa được quan tâm đúng mức. 

Ủy ban cũng đề nghị các địa phương báo nhanh về tình hình mất việc làm cuối 2008, đầu 2009. Hiện mới chỉ có tổng hợp sơ lược.

Nhiều DN nói, họ chỉ có đơn hàng đến tháng 3 chứ không như mọi năm là có đơn hàng suốt năm. Nhiều DN dự báo sẽ tiếp tục giảm lao động.  

Các doanh nghiệp và địa phương điều chỉnh bằng cách nào? 

"Theo số liệu từ Ban quản lý các KCN ở Đồng Nai, tính đến 10/2, số lao động đang làm việc là 340.000 người. Dự kiến năm nay, sẽ có khoảng 10.000 lao động mất việc.

Ở TP.HCM - nơi có 10.000 người mất việc năm ngoái, 95% DN vẫn làm việc bình thường sau Tết. Ở các khu vực như KCN Linh Trung, vẫn có tình trạng đan xen là DN có đơn mà không lao động hoặc thừa lao động, không đơn hàng".

- Các tỉnh đã làm được một việc rất đáng ghi nhận, đó là tự điều chỉnh từ các DN trên địa bàn. DN nào thừa lao động thì chuyển sang cho các DN có đơn hàng cần lao động.

Vào các KCN, có thể thấy có rất nhiều bảng treo thông báo tuyển lao động, đó là những DN mà lao động về nghỉ Tết, không quay lại và DN có nhu cầu tuyển dụng mới. Chẳng hạn đầu năm nay, có tới 171 DN Đồng Nai đang cần tuyển khoảng 20.500 người.

Cần phối hợp chặt để không xảy ra tình trạng ở đâu mất việc cứ mất, ai cần vẫn phải đi tuyển. Cần tích cực tìm giải pháp cho lao động mất việc. Năm nay, tình trạng báo động, không bình thường như các năm trước.

Chỉ có Bà Rịa - Vũng Tàu là tương đối ổn định. Chuyện mất việc chỉ xảy ra ở một vài DN vì địa phương này lựa chọn ưu tiên những dự án công nghệ cao, cần lao động tay nghề cao, trả lương cao nên tình hình vẫn ổn định.

Làm rõ chỉ tiêu tạo mới 1,7 triệu việc làm

Bà vừa nói rằng dù nhiều nơi đơn hàng chỉ đến tháng 3 nhưng vẫn nỗ lực để hạn chế tình trạng lao động mất việc. Điều này có khả thi?

- Do một bộ phận lao động bỏ về quê không ra nên nhiều DN vẫn đang cần lao động.

TIN LIÊN QUAN
Chắc chắn năm nay mất việc làm là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm mà QH đã thông qua. Các hợp đồng xuất khẩu lao động cũng đáng lo ngại vì lao động không xuất khẩu được lại quay về nước, bố trí thế nào? Con số doanh nghiệp phá sản không tránh khỏi sẽ làm tăng thêm số lao động mất việc thời gian tới.

Đây là những vấn đề đã được phát hiện từ cuối 2008, đầu 2009 mà Chính phủ phải xử lý kịp thời. Tuy mới một tháng rưỡi nhưng tình hình đã bộc lộ rõ nét, phải có giải pháp.

Nhưng năm nay QH lại tiếp tục đặt ra mục tiêu tạo mới 1,7 triệu việc làm. Chỉ tiêu này khả thi đến đâu?

- Khi biểu quyết chỉ tiêu này, QH cũng yêu cầu Bộ LĐ - TB & XH phải tính toán kỹ, giải trình biện pháp. Áp lực đầu tiên là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thấp hơn 2008 mà chỉ tiêu việc làm lại cao hơn là khó khả thi. Cứ theo công thức thì tăng trưởng 1% sẽ giải quyết được 0,34% việc làm.

Nhưng Chính phủ vẫn muốn giữ chỉ tiêu. Do đó, Ủy ban đã nói, phải có nhiều giải pháp thì mới đạt được.

Bộ LĐ - TB & XH cần nắm sát tình hình địa phương có số lượng lao động nhiều, đang diễn ra tình trạng thất nghiệp nhưng cũng có nhiều DN vẫn có nhu cầu tuyển dụng, phải điều chỉnh tầm vĩ mô thì tốt hơn vì số lao động thừa ở TP.HCM có thể chuyển về những khu vực lân cận cho phù hợp.

Ngày càng nhiều lao động nước ngoài đến VN

"Không thể mãi để thế hệ thanh niên là lao động phổ thông, chất lượng cuộc sống thấp".

Chỉ tiêu thì đã biểu quyết rồi, vậy sau đợt làm việc này, Ủy ban có khuyến cáo gì với các cơ quan Chính phủ?

- Chỉ mới một tháng rưỡi mà thông tin về thất nghiệp đã dồn dập như vậy thì Bộ nên khẩn trương trao đổi với các tỉnh để tìm giải pháp.

Dự kiến tháng 3 tới, Ủy ban sẽ làm việc với Bộ LĐ - TB & XH. Sẽ yêu cầu làm rõ giải pháp để giải quyết tạo mới 1,7 triệu việc làm. Bởi 2009 là năm khó khăn, nên  những giải pháp đưa ra phải gắn với hoàn cảnh cụ thể.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người đầu tiên nhận được hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp phải sau 12 tháng, do vậy chưa thể nói gì trong năm 2009. Bộ phải nghiên cứu các vấn đề. Chẳng hạn như chính sách bảo hiểm y tế là một chính sách tốt, một trong những lưới đỡ cho người nghèo khi ốm đau, bệnh tật, đừng để lao động mất việc làm rớt xuống đáy.

Ngoài ra, Bộ phải giải quyết vấn đề được quy định trong điều 17 Bộ luật Lao động về việc DN khi cho nhiều người thôi việc phải công bố danh sách, phải trao đổi thống nhất với công đoàn cơ sở và báo cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

Để tránh tình trạng các DN có thể nhân cơ hội này cho nghỉ việc hoặc sa thải không đúng luật, phải tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Bộ luật Lao động. Luật đã quy định như vậy nhưng tôi chưa thấy cơ quan nhà nước tham gia kiểm tra.

Như bà vừa nói, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi ít xảy ra đình công cũng như vấn đề thất nghiệp không nóng bỏng. Từ chuyện Vũng Tàu, liệu có bài học gì cho Việt Nam trong thu hút đầu tư?

- Sẽ phải tính toán để điều chỉnh cơ cấu kinh tế nhưng lại đụng tới bài toán tỷ lệ lao động không có tay nghề ở Việt Nam còn khá cao.

Đồng Nai, Bình Dương, ở những DN lương thấp, công việc vất vả, tăng ca liên tục thì  đình công thường xảy ra.

Đây là bài toán quốc gia, không thể mãi để thế hệ thanh niên là lao động phổ thông, chất lượng cuộc sống thấp. Tất nhiên cũng chưa thể giải quyết ngay vì cân đối cơ cấu kinh tế là bài toán lâu dài, chưa kể khi tái cấu trúc cơ cấu kinh tế thì đào tạo nghề phải theo kịp.

Thực tế, lao động nước ngoài đến làm việc đang ngày càng tăng. Lao động nước ngoài đến KCN Bình Dương tính đến 2008 là 3.357, tăng 11,14% so với 2007, TP.HCM trên 10.000. Đây là một mâu thuẫn giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nguồn nhân lực. Lao động đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, không chỉ là chuyên gia mà cả lao động có tay nghề, thậm chí có một số lao động phổ thông.

Như vậy, dù lao động trong nước thất nghiệp nhưng các DN FDI vẫn phải tuyển lao động nước ngoài vào. Bài toán thiếu cân đối này phải có lộ trình giải quyết tổng thể.

Chính phủ nhiều lần đặt ra các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo, nhưng nếu con số không thực chất thì vấn đề mất cân đối giữa phát triển kinh tế và nguồn nhân lực sẽ còn là một thách thức.

  • Lê Nhung

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,