- Trao đổi với báo chí chiều 24/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng làm rõ kết quả giải quyết cụ thể các khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân trong quá trình phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đây là những khu vực “nhạy cảm”, có lịch sử tranh chấp lâu đời, được dư luận hai nước quan tâm.
Thác Bản Giốc: Giải pháp chính trị, kỹ thuật
Thác Bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn, là sông chung của Việt Nam và Trung Quốc. Các bản đồ Pháp - Thanh đã khẳng định đây là sông biên giới và thác Bản Giốc là thác chung của Việt Nam và Trung Quốc.
Khi ký Hiệp ước 1999, hai bên chỉ chưa giải quyết được cồn Pò Thoong nằm trên thác, có diện tích khoảng 2,6ha. Theo luật pháp quốc tế và Hiệp ước 1999, tại khu vực này, đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy chính.
Toàn cảnh Thác Bản Giốc. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Về kỹ thuật, dòng chảy chính được xác định nằm ở phía Nam cồn Pò Thoong, cồn Pò Thoong quy thuộc Trung Quốc. Qua nhiều vòng đàm phán, hai bên thoả thuận giải quyết khu vực thác Bản Giốc kết hợp giải pháp chính trị và giải pháp kỹ thuật.
Kết quả là đường biên giới đi từ mốc 53 (cũ) lên cồn Pò Thoong rồi đến điểm giữa của mặt thác chính. Như vậy, toàn bộ thác phụ và ½ thác chính quy thuộc Việt Nam. Hai bên cũng thoả thuận sẽ bàn bạc việc hợp tác phát triển tiềm năng du lịch tại thác Bản Giốc.
¾ bãi Tục Lãm thuộc Việt Nam
Khu vực cửa sông Bắc Luân kéo dài từ thượng lưu bãi Tục Lãm đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ, có độ dài khoảng 14km. Khu vực này đã được Pháp - Thanh hoạch định và cắm mốc, nhưng vào thời điểm đó, các cồn bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót đều chưa xuất hiện trên bản đồ hoạch định.
Khi ký Hiệp ước 1999, hai bên cũng chưa thống nhất được phương án giải quyết khu vực này. Vào ngày đàm phán cuối cùng (31/12/2008), hai bên thống nhất giải quyết khu vực cửa sông Bắc Luân bằng giải pháp chính trị: Đường biên giới đi lên bãi Tục Lãm, ¾ bãi Tục Lãm thuộc Việt Nam ¼ bãi Tục Lãm thuộc Trung Quốc sau đó đi tiếp lên hòn Dậu Gót (1/3 hòn Dậu Gót thuộc Việt Nam, 2/3 hòn Dậu Gót thuộc Trung Quốc) rồi đi đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ.
Cửa khẩu Hữu Nghị: Đường biên được tôn trọng
Ảnh thực địa khu vực cửa khẩu Hữu Nghị. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Cửa khẩu Hữu Nghị là cửa khẩu lâu đời nhất trên tuyến biên giới Việt-Trung. Theo Thứ trưởng Vũ Dũng, tại khu vực này, có 3 vị trí rất quan trọng liên quan đến đường biên giới. Đó là Ải Nam quan, các mốc cũ do Pháp cùng nhà Thanh cắm cuối thế kỷ thứ 19 và điểm nối ray của tuyến đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường.
Về Ải Nam quan, các sử sách ta còn lưu giữ đều khẳng định Ải Nam quan do các triều đại phong kiến Trung Quốc xây dựng và tồn tại cho đến ngày nay.
Về các mốc Pháp - Thanh, mốc 19 vẫn còn tồn tại và nằm đúng vị trí cũ. Mốc 18 đối diện với mốc 19, do yếu tố thời gian, hai bên đều không thể xác định được. Về điểm nối ray, do bị lệch về phía Việt Nam so với đường biên giới lịch sử, hai bên đồng ý điều chỉnh. Kết quả giải quyết: đường biên giới đi qua Km0 rồi đến mốc 19 cũ và đến điểm cách điểm nối ray 148 mét về phía Bắc.
Hiện nay, Việt Nam đã cắm mốc 1116 và 1117 đối xứng với nhau qua quốc lộ 1A và mốc 1118 trùng vị trí mốc 19 (cũ). Theo Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng, như vậy, đường biên giới lịch sử tại khu vực này không những đã được tôn trọng mà còn được cụ thể hoá bằng một hệ thống cột mốc mới hiện đại.
-
Xuân Linh