EVN kiến nghị Nhà nước cố gắng giải quyết khoản nợ của ngân sách.
Cho biết "an toàn cấp điện là đảm bảo" để có mức tăng điện 13% tương ứng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% như mục tiêu của Chính phủ, dù thực tế trong hai tháng đầu năm 2009, điện thành phẩm của Việt Nam không tăng, Phó Ban Kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Huỳnh Văn Thạch cũng than khó vì thiếu vốn.
Hiện nay, để triển khai Tổng sơ đồ 6, EVN còn phải huy động thêm hơn 200 nghìn tỷ đồng, trong khi đó lại không thể bán cổ phiếu để huy động cổ phần. "Giá cổ phiếu thấp, muốn bán cũng khó, mà bán ào ra còn giảm nữa".
"Một nghìn tỷ đồng huy động từ cổ phiếu nếu có được, với chúng tôi nhỏ lắm, vì mỗi năm đầu tư tới hơn 50 nghìn tỷ".
Trong khi đó, "ngân sách nhà nước còn nợ chúng tôi nhiều lắm, EVN ứng trước mà ngân sách mãi chẳng trả gì cả". Ông Thạch dẫn chứng: hơn 200 tỷ ứng trước cho thuỷ điện Quảng Trị, dự án trọng điểm điện cho Tây Nguyên phải xong trong năm nay nhưng phần đầu tư từ ngân sách mới được 200 tỷ đồng trong số gần 1.000 tỷ.
Kêu "khó", ’kẹt", ông Thạch kiến nghị Nhà nước cố gắng giải quyết "khoản nợ của ngân sách nhà nước". "Ứng ra trước, chúng tôi không quyết toán được".
Ông Nguyễn Đạt Tường, Phó TGĐ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng than không thể vay được vốn đầu tư cho vận tải vì những khoản nợ quá hạn của các dự án đầu tư hạ tầng dùng vốn ngân sách nhà nước.
Không "đòi nợ" như EVN, Tổng Công ty Đường sắt khất nợ, "xin tạm hoãn thu hồi vốn tạm ứng ngân sách của năm 2009 cho năm 2008, và đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho phép hoãn trả nợ khoản vay để đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn là dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước" hoặc "bố trí khoản 350 tỷ đồng ngân sách dành cho năm 2009".
Doanh nghiệp này cũng đề nghị Nhà nước đền bù khoản lỗ khi phải tiếp tục những tuyến đường sắt lỗ nhưng buộc phải hoạt động để đáp ứng yêu cầu của người dân cũng như bổ sung vốn dự trữ để sửa ray.
Đại diện Tổng Công ty Giấy Việt Nam, ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Kế hoạch, xin Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay 70% số vốn dự án trồng rừng sản xuất chứ không phải chỉ 10 triệu đồng/ha/7 năm như hiện nay.
Theo tính toán, để trồng được 1 ha rừng nguyên liệu giấy trong 7 năm, chi phí là 35 triệu đồng. Trong khi đó, ông Ngọc cho biết, hiện lượng giấy tồn khó đã ở mức 40 nghìn tấn, nhiều nhà máy buộc phải sản xuất cầm chừng, dưới 50% công suất. "Cứ tiếp tục sản xuất thì không chỉ đọng vốn, sản xuất ra không bán được mà kho chứa cũng hạn chế".
- Phương Loan