- Chiều 26/2, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đã có công văn trả lời UBND Hà Nội cho biết phía Thụy Điển không còn liên quan gì đến dự án khách sạn Novotel on the Park (tên ban đầu là SAS Hanoi Royal Hotel) đang gây tranh cãi.
Dưới đây là nội dung công văn:
"Sở Ngoại vụ của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội có yêu cầu Đại sứ quán Thụy Điển cung cấp thông tin liên quan đến “mối quan hệ giữa công ty SIH Investment Limited và liên doanh khách sạn SAS - SAS hotel joint venture”. Đại sứ Thụy Điển - ông Rolf Bergman xin thông báo với Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội như sau.
Công ty SIH Investment Limited, có đăng ký hoạt động tại Singapore, là đối tác nước ngoài có 85 % cổ phần của liên doanh “SAS Hanoi Royal Hotel Limited”.
Trong những năm 1990, công ty SAS (Scandinavian Airlines System) có một phần vốn từ Thụy Điển đã có liên quan đến dự án xây khách sạn này ở Hà Nội thông qua phần lợi nhuận do góp vốn vào công ty SIH Investment Ltd.
Tôi có thể khẳng định, sau khi đã trao đổi với công ty SAS chính tại trụ sở ở Stockholm, rằng công ty SAS có một phần vốn là của Thuỵ Điển đã từ lâu không còn sở hữu hay bất cứ lợi nhuận gì từ công ty SIH Investment Ltd. Hơn nữa, công ty SAS không còn có bất cứ khoản lợi nhuận nào trong ngành kinh doanh khách sạn vì công ty đã bán phần lợi nhuận kinh doanh đó rồi.
Với hoàn cảnh như vậy, liệu người ta có thể đặt được dấu hỏi là Thụy Điển có còn liên quan gì đến dự án xây khách sạn hiện nay nữa không. Điều này có liên quan đến tuyên bố của đại diện của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội tại cuộc họp báo gần đây".
Khách sạn Novotel on the Park đã thi công xong phần tầng hầm. Ảnh: Phạm Hải
Trong cuộc họp báo ngày 13/2, Phó Chánh văn phòng UBND Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh cho hay, Hà Nội tiếp tục cho thực hiện dự án khách sạn SAS vì cam kết quốc tế đã ký với phía Thụy Điển và việc thực hiện dự án “mang tính chất ân nghĩa, lúc khó khăn họ đã vào với chúng ta”.
Những năm 80, đầu 90 các khách quốc tế chỉ ở trong các khách sạn của nhà nước. UBND TP. Hà Nội cùng đối tác phía Thụy Điển đã xúc tiến một dự án khách sạn cho khách nước ngoài (trong đó có khách Thụy Điển), trình lên Hội đồng Bộ trưởng và đã được chấp thuận về nguyên tắc.
Năm 1991, Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp phép đầu tư dự án xây dựng khách sạn (tại vị trí hiện nay) cho liên doanh giữa công ty Du lịch Hà Nội và một công ty của Thụy Điển (Hãng hàng không SAS), Hà Nội cho hay.
Trước đó, giới chuyên môn và công luận đông đảo đã lên tiếng không đồng tình với dự án này với lý do dự án lấy hơn 9.000 m2 đất vốn thuộc công viên Thống Nhất - lá phổi xanh hiếm hoi của Hà Nội, có giá trị tinh thần và lịch sử lớn lao với nhiều thế hệ người Hà Nội.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 24/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã giao Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân chỉ đạo kiểm tra, báo cáo Thủ tướng về vụ việc này trước ngày 5/3.
Phó Thủ tướng lưu ý: "Cần làm rõ việc xây dựng khách sạn tại vị trí trên có phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được duyệt và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đang được nghiên cứu hay không".
Theo dòng sự kiện - Năm 1991, Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp phép đầu tư dự án xây dựng khách sạn (tại vị trí hiện nay) cho liên doanh giữa công ty Du lịch Hà Nội và một công ty của Thụy Điển (Hãng hàng không SAS). - Ngày 12/6/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có văn bản yêu cầu tạm ngừng các công việc xây dựng khách sạn của UBND TP. Hà Nội, vì trong đó có 9.150 m2 đất thuộc công viên Lê Nin và xử lý theo hướng chọn khu vực đất khác rời ra khỏi nội thành để liên doanh tiếp tục triển khai công việc. - Ngày 26/10/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp tục có ý kiến: Cần làm việc với liên doanh nhưng phải làm rõ cho người dân hiểu để tránh những dư luận xung quanh. - Năm 1998, quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội đến 2020 của Thủ tướng định hướng khu đất này thuộc công viên Thống Nhất. Trong bản đồ quy hoạch Thủ đô công bố ngày 10/10/2001, vị trí xây khách sạn được tô màu xanh (đất công viên). - Trong bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000 ban hành năm 2000 của quận Hai Bà Trưng, vị trí xây khách sạn lại được tô màu đỏ (thể hiện đất công cộng). - Tháng 6/2008, dự án SAS Hanoi Royal khởi công với tên gọi mới Novotel on the Park, chủ đầu tư là Tổng Công ty Du lịch Hà Nội liên doanh với Tập đoàn Accor và SIH Investment Ltd. - Ngày 10/2/2009, KTS Trần Thanh Vân có thư ngỏ phản đối việc xén đất công viên Thống Nhất để xây khách sạn. Tiếp đó, liên tiếp Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cùng đông đảo các kiến trúc sư, chuyên gia có uy tín như TS Phạm Sỹ Liêm, KTS Nguyễn Trực Luyện, GS Đặng Hùng Võ... và công luận rộng rãi đã đồng loạt lên tiếng phản đối dự án. - Ngày 13/2, UBND Hà Nội họp báo giải thích lý do tiếp tục cho thực hiện dự án vì "cam kết quốc tế, văn bản pháp lý và quy hoạch". - Ngày 24/2, Chủ tịch UBND Hà Nội gặp và lắng nghe ý kiến của Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng và các bên liên quan. - Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng có công văn yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân chỉ đạo kiểm tra, báo cáo Thủ tướng về vụ việc này trước ngày 5/3. |
-
V.A