221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1168914
Trái phiếu Chính phủ: Đừng ném tiền vào thùng rỗng!
1
Article
null
Trái phiếu Chính phủ: Đừng ném tiền vào thùng rỗng!
,

 - Đồng ý bổ sung thêm 11.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho năm 2009, nâng số tiền lên 55.000 tỷ, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) yêu cầu Chính phủ phải làm rõ phương án sao cho số tiền này sẽ không gây ra lạm phát mới, đồng thời vẫn kiểm soát được an ninh tài chính quốc gia trong giới hạn nợ cho phép.  Phương án sẽ được thông qua tại kỳ họp QH tháng 5 sắp tới.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc K’sor Phước: Nhà nước mất tiền mà dân vẫn không được hưởng. Ảnh: LAD

Lý do bổ sung tiền, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, là để thực hiện mục tiêu kích cầu đầu tư. Số tiền này để tăng vốn cho mục tiêu xây dựng các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, chương trình kiên cố hóa trường lớp, xây dựng tuyến đường ô tô đến các xã và một số công trình giao thông, thủy lợi cấp bách.

Một lý do khác, theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, đó là năm nay, ngân sách có thể thất thu tới 90.000 tỷ đồng do suy giảm kinh tế và giá dầu thô giảm, bằng với số vốn dự kiến chi cho đầu tư phát triển. Để tìm kiếm thêm nguồn thu, cần phải phát hành thêm trái phiếu Chính phủ (TPCP).

 Tái lạm phát?

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc K’sor Phước băn khoăn, phát hành thêm TPCP nhưng chưa đưa ra các biện pháp sử dụng hiệu quả, liệu có dẫn đến nguy cơ tái lạm phát?

Theo ông Ksor Phước, tỷ lệ giải ngân thấp liên tục nhiều năm cho thấy năng lực hấp thụ vốn rất hạn chế. "Tôi từng hỏi một vị ở Bộ Xây dựng liệu năm nay anh có làm nổi hai cây cầu bắc qua sông Hồng hay không? Họ nói, không thể làm được. Có vốn để làm nhưng thiếu năng lực".

Trong khi đó, nếu phát hành thêm trái phiếu để làm đường ô tô về các xã miền núi như cách làm lâu nay là không khả thi, vì chỉ cần một trận mưa là đường xá trôi hết. "Nếu vẫn chưa tính toán nâng cao chất lượng công trình thì đừng tiếp tục ném tiền vào thùng rỗng. Nhà nước mất tiền mà dân vẫn không được hưởng", ông Phước lo lắng.

Ủy ban Tài chính Ngân sách QH cho rằng Chính phủ phải kiên quyết loại bỏ một số dự án của Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng đến nay vẫn chưa có quyết định đầu tư và quyết định tổng dự toán nhưng vẫn được bố trí vốn.

Trong 5 năm, chỉ có 5/181 dự án và tiểu dự án của Bộ GTVT được hoàn thành. Số còn lại dở dang, chuyển tiếp kéo dài. Tương tự, Bộ NN&PTNT cũng chỉ hoàn tất 19/62 dự án.

Riêng hai hạng mục ưu tiên đầu tư là dự án y tế tuyến huyện và kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ, năm 2008 mới giải ngân 24,3% và 41%.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu "trấn an": "Phát hành trái phiếu là huy động vốn xã hội. Nếu làm đúng mục tiêu, hiệu quả thì sẽ không thể gây ra lạm phát. Còn nếu quản lý kém thì hiệu quả ngược lại".

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho hay, vai trò quản lý nhà nước ở các dự án sử dụng vốn TPCP rất thấp. "Những người đang cầm đồng tiền thuế của dân đã gây hậu quả nghiêm trọng", ông Thuận cảnh báo.

Theo ông Thuận, giá cả tăng, tổng mức đầu tư cho các dự án càng tăng gấp bội và cứ phát hành thêm trái phiếu. "Như vậy là cả QH và Chính phủ đều chưa tròn trách nhiệm. Tôi thấy xót xa trước thực tế này", ông Thuận nói.

Chủ nhiệm UB Pháp luật cho rằng, số tiền lớn hay bé không quan trọng mà là sử dụng khoản nợ quốc gia này hiệu quả đến đâu. Thực tế, trong khi lo phát hành thêm vài chục ngàn tỷ đồng, cơ quan quản lý nhà nước lại không hoạch định được nhu cầu sử dụng bao nhiêu. Sau 5 năm triển khai (từ 2003 - 2008) cũng chưa có một thống kê nào về việc số tiền huy động từ trái phiếu đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu và dự kiến còn thiếu bao nhiêu?

"Trong khi chưa có tính toán khoa học thì đừng để năm nào cũng ùn ùn lên rồi lại chuyển vốn cho năm sau", ông Thuận nói.

Cho rằng không có chuyện lãng phí, giải ngân năm ngoái chỉ đạt 73,4% (sau khi đã cắt giảm 25% tổng vốn để kiềm chế lạm phát) là do tác động của "cú phanh gấp" chống lạm phát, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nói, phát hành thêm 11.500 tỷ đồng trái phiếu vừa nhằm kích cầu vừa để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho nền kinh tế bứt phá ngay khi vượt qua thời điểm khó khăn.

Nghi ngờ khả năng này, các ủy viên UBTVQH "than", nhiều năm hoạt động ở QH nhưng chưa năm nào tỷ lệ giải ngân cao. Năm 2007 chỉ giải ngân được 32%.  Năng lực hấp thụ kém, buông lỏng quản lý, tiến độ giải ngân "rùa" là những tồn tại đã được nhận diện nhưng chưa có phương án xử lý rốt ráo thì khó có thể yêu cầu phát hành thêm hơn mười ngàn tỷ đồng.  

Trách nhiệm trả nợ 

Các tuyến đường về xã chỉ một trận mưa là xóa sổ. Ảnh: VNN
Vấn đề quan trọng khác, theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, đó là chỉ nghĩ tới việc phát hành thêm ngày càng nhiều mà không tính với chuyện tương lai sẽ trả nợ như thế nào, trái phiếu Chính phủ được cân đối ra sao trong ngân sách. 

 "Mỗi năm, ngân sách bội chi 5%, chưa tính tới khoản phát hành trái phiếu Chính phủ và các khoản đầu tư ngoài ngân sách. Nghĩa là Việt Nam phải tiếp tục đi vay cả bên ngoài lẫn trong nước, trong khi tiền lại tồn đọng trong kho bạc, ngân hàng. Đây là sự lãng phí ghê gớm", bà Mai nói. 

Thực tế, từ 2003 - 2008, thực hiện Nghị quyết của QH, Chính phủ đã phát hành, phân bổ và sử dụng nguồn vốn trái phiếu để tăng đầu tư có mục tiêu cho các dự án, công trình quan trọng quốc gia về giao thông, thủy lợi. 

Sau đó, cùng với việc mục tiêu đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được mở rộng, nhiều dự án lại kéo dài... đã làm cho tổng mức đầu tư ngày càng cao. Năm 2003, tổng nguồn vốn TPCP là 63.064 tỷ đồng, đến 2006 tăng lên 110 nghìn tỷ đồng và đến nay số vốn này dự kiến lên tới 230.496 tỷ đồng. 

"Ta chỉ làm việc vài năm là nghỉ nhưng con cháu chúng ta, trách nhiệm phải trả như thế nào?", câu hỏi của Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận. 

Tổng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 dự kiến khoảng 55.000 tỷ đồng, bao gồm khoản 36.000 tỷ đã được QH thông qua, chuyển nguồn hơn 7.700 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ sẽ trình QH tháng 5 tới bổ sung khoảng 11.500 tỷ đồng.

Nguồn:  Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Lê Nhung

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>