Trả lời Bangkok Post nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 14 tại Hua Hin, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam và Thái Lan đang xem xét các biện pháp, hình thức thích hợp để tăng cường hợp tác giữa hai nước để vừa bảo đảm an ninh lương thực của mỗi nước, vừa bảo vệ lợi ích cho người sản xuất, xuất khẩu và người tiêu dùng gạo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 14. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Hàng năm, sau khi cân đối cung - cầu trong nước, Việt Nam dành một khối lượng gạo nhất định để xuất khẩu, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bình ổn giá lương thực và bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
“Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với Thái Lan và các nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới thông qua các khuôn khổ song phương và đa phương”, Thủ tướng cho biết.
Hiện nay, hai nước đang tích cực tham gia khuôn khổ hợp tác giữa 5 nước xuất khẩu gạo lớn là Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan. Trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế ba con sông Ayayewady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), các nước thành viên đang thảo luận cơ chế hợp tác gạo ACMECS nhằm tăng cường trao đổi thông tin và hỗ trợ kỹ thuật.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam và Thái Lan đang xem xét các biện pháp, hình thức thích hợp để tăng cường hợp tác giữa hai nước để vừa bảo đảm an ninh lương thực của mỗi nước, vừa bảo vệ lợi ích cho người sản xuất, xuất khẩu và người tiêu dùng gạo.
Tin tưởng sớm bước ra khỏi khủng hoảng
Cũng trong bài phỏng vấn, đề cập nội dung hình ảnh của Việt nam trong ASEAN, Thủ tướng khẳng định gần một thập kỷ rưỡi Việt Nam tham gia ASEAN cũng chính là giai đoạn Việt Nam tích cực thực hiện công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt của đời sống đất nước với tăng trưởng kinh tế đạt 7,5 - 8% trong suốt 20 năm qua.
Trả lời câu hỏi của Bangkok Post về những biện pháp khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế - tài chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, Việt Nam đang tập trung mọi nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách, với trọng tâm là ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu, đảm bảo an sinh xã hội.
"Với quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường và tăng cường hội nhập quốc tế để thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, trên cơ sở chính trị, xã hội ổn định và sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam tin tưởng và hy vọng cùng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sẽ sớm ra khỏi cuộc khủng hoảng, bước vào giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ và ổn định hơn", ông nói.
Thủ tướng Việt Nam cũng cho rằng các nước ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp để khôi phục lòng tin của thị trường và các nhà đầu tư, tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng, cần đặc biệt chú trọng tới việc tổ chức thực hiện các cam kết, thoả thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các nước thành viên.
"Với việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết thương mại, đầu tư, tài chính - tiền tệ trên cả hai kênh hợp tác nội khối ASEAN và với các đối tác bên ngoài, thông qua các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, các nền kinh tế ASEAN sẽ sớm khắc phục được những khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu", Thủ tướng lạc quan.
Khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động của Việt Nam vì mục tiêu tăng cường đoàn kết và phát triển vững mạnh của ASEAN, người đứng đầu Chính phủ VN nhấn mạnh: Việt Nam đã mở rộng quan hệ và hợp tác với hơn 180 nước và đối tác ở tất cả các châu lục, tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEM… "Những kết quả này đã phản ánh Việt Nam là một đất nước phát triển năng động và là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, các dân tộc vì hoà bình, ổn định và phát triển".
Ủng hộ hợp tác vì nhân quyền
Về việc thiết lập Cơ chế Nhân quyền ASEAN(AHRB), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Việt Nam ủng hộ việc đẩy mạnh hợp tác ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác về nhân quyền".
Người đứng đầu Chính phủ VN chỉ rõ: Là một cơ quan thuộc ASEAN, AHRB có nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; đồng thời, đóng góp vào mục tiêu chung xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân. Trong hoạt động của mình, AHRB sẽ tuân thủ các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN, trong đó có nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, cũng như phải chú ý tới những đặc điểm riêng, đa dạng của khu vực về văn hoá, kinh tế, xã hội, phong tục tập quán…của mỗi nước.
"AHRB cần được khuyến khích thúc đẩy hợp tác, xây dựng một chiến lược và cách tiếp cận chung của khu vực về nhân quyền, tạo cơ sở tăng cường hợp tác, bảo đảm và thực hiện quyền con người một cách tốt nhất và phù hợp với các điều kiện của khu vực và từng nước".
Liên quan đến việc các nhà tài trợ như Nhật đã nhận được một số đề nghị từ các tổ chức khu vực như GMS, ACMECS, và Cấp cao Lào - Campuchia - Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, do có vị trí địa lý - chính trị chiến lược và tiềm năng phát triển nên các nước trong khu vực ASEAN nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà tài trợ, kể cả song phương và đa phương.
Để triển khai các Chương trình hợp tác trong khuôn khổ Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, Hành lang kinh tế Đông - Tây, hợp tác sông Hằng - sông Mê Kông… các nước trong khu vực đã xây dựng và trao cho các nhà tài trợ danh sách những dự án cấp thiết cần được ưu tiên hỗ trợ đầu tư, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, môi trường, thương mại, đầu tư, du lịch...
"Việt Nam mong rằng, mặc dù kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, các nhà tài trợ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước trong khu vực thực hiện các dự án này", Thủ tướng bày tỏ.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ