- Trong thông báo ra ngày 17/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư triển khai các dự án khai thác bô-xít - alumin.
Những rừng thông và đồi chè trước đây đang bị san bằng để xây dựng nhà máy tuyển quặng bô-xít. Ảnh: VNN
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, các dự án Tổ hợp Bô-xít - nhôm Lâm Đồng, dự án bô-xít và sản xuất alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) cần được tiếp tục triển khai theo đúng tiến độ đã đề ra.
Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư cần ưu tiên thực hiện tốt các dự án bảo vệ môi trường tại khu vực khai thác, đồng thời cần xây dựng phương án cụ thể vận chuyển lượng alumin ra cảng biển khi hai nhà máy nêu trên đi vào hoạt động sau năm 2010. Phương án cụ thể sẽ được báo cáo Thủ tướng.
Các Bộ Công thương, Tài nguyên & Môi trường, UBND hai tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ quá trình thực hiện dự án để đảm bảo hiệu quả.
Đến nay, Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ (thuộc tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam – TKV) đã hoàn tất việc san ủi mặt bằng chuẩn bị khởi công nhà máy luyện oxid nhôm tại xã Nhân Cơ (huyện Đăk Rlấp). Với diện tích 200 hecta, các hạng mục phụ trợ khác như đường vào nhà máy, khu nhà điều hành… cũng đã hoàn thành.
Trước đó, trong công văn số 2728/VPCP-QHQT ra ngày 2/5/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý nâng công suất của dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ lên 600.000 tấn/năm.
Cũng tại thông báo trên, Chính phủ cho phép TKV thành lập công ty cổ phần với sự tham gia của công ty Alumin nước ngoài với mức cổ phần không quá 40%, TKV giữ 51%, bán cổ phần ra công chúng 9%. Hàng năm, công ty cổ phần này nộp ngân sách nhà nước 10% lợi nhuận sau thuế của công ty (thương quyền của Chính phủ Việt Nam đối với mỏ bô-xít).
Theo nguyên tắc trên, TKV có thể mời Tập đoàn luyện kim Vân Nam (Trung Quốc) tham gia vào Dự án Tân Rai (Lâm Đồng) với tỉ lệ không quá 20%.
Về việc hợp tác với Tập đoàn CHALCO (Trung Quốc) phát triển các mỏ 1-5 và mỏ Quảng Sơn: TKV chủ động lập dự án đầu tư trên cơ sở kết quả nghiên cứu tiền khả thi đã có sẵn, báo cáo Thủ tướng.
Về cơ chế hợp tác với Tập đoàn BHP (Anh - Úc), Chính phủ yêu cầu TKV rà soát, làm rõ hơn về cơ sở của cơ chế hợp tác, nhất là việc tập đoàn tham gia hợp tác khai thác, chế biến bô-xít tại Campuchia với tỷ lệ tham gia 10% và việc BHP tham gia liên doanh với TKV với tỷ lệ 49%.
Tuy nhiên, đến nay, được biết, TKV và công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ đã lên đường sang Trung Quốc để ký hợp đồng xây dựng nhà máy với công ty cổ phần nhôm Trung Quốc CHALCO.
Dự án gây quan ngại
Trao đổi với báo giới tại cuộc gặp mặt đầu xuân 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh: "Khai thác bô-xít Tây Nguyên là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Chính phủ đã phê duyệt một quy hoạch về bô-xít Tây Nguyên với tinh thần là phát triển hiệu quả, bền vững.
"Nội lực, tiềm năng đất nước trước hết là con người, thứ hai là đất đai. Hiện nay chúng ta đất chật người đông. Còn khoáng sản không phải là vô tận, trong đó có dầu thô, thép, đồng, kẽm, đá vôi để sản xuất ximăng… nhiều loại khai thác một số năm nữa sẽ không còn. Bây giờ chúng ta đã tìm được là bô-xít, theo tài liệu của Liên Xô để lại trước đây có 8 tỉ tấn, thuộc loại trữ lượng có cỡ của thế giới".
Trước các tranh luận về việc khai thác bô-xít Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng đến môi trường, Thủ tướng cho hay, sẽ chú trọng khai thác hiệu quả, bảo đảm được môi trường, sự phát triển bền vững, bảo đảm an ninh chính trị. "Sắp tới sẽ có hội thảo do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, trình bày với tất cả các nhà khoa học, các nhà báo về phương án khai thác, công nghệ khai thác để tạo sự đồng thuận", Thủ tướng nói.
-
Lê Nhung