221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1177270
"Không thể giữ chủ quyền chỉ bằng cảm tính"
1
Article
null
'Không thể giữ chủ quyền chỉ bằng cảm tính'
,

- Lần đầu tiên, một cuộc hội thảo mở bàn về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 17/3. Hơn 70 nhà nghiên cứu của Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài, nghiên cứu của nhà nước và nghiên cứu độc lập tham dự hội thảo.

"Chuẩn bị luận cứ pháp lý là yêu cầu đầu tiên...". Ảnh: PL
Đây là cuộc gặp đầu tiên trong khuôn khổ một loạt các hoạt động nhằm đẩy mạnh việc thu thập, nghiên cứu tài liệu về Biển Đông, giúp tìm căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học, giúp ích cho Việt Nam trong quá trình xử lý vấn đề biên giới trên biển.

Những người tổ chức hội thảo kì vọng trong thời gian tới, hội thảo sẽ được mở ở tầm quốc tế và sẽ có cả những cuộc thảo luận tay đôi giữa giới học giả Việt Nam và Trung Quốc về những vấn đề liên quan.

Nhìn Biển Đông trong chiến lược chung của Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng phải nhìn vấn đề Biển Đông không chỉ là câu chuyện tranh chấp về lãnh thổ, biển đảo mà phải trong chiến lược chung của cường quốc đang lên Trung Quốc.

Vấn đề Biển Đông bao gồm ba khía cạnh: Vấn đề Hoàng Sa, vấn đề Trường Sa và đường biên giới chữ U hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố.

Đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra được các học giả đánh giá là thiếu cơ sở pháp lý và thể hiện rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này.

TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Chiến lược, Bộ Công an cho rằng, dầu và khí đốt chỉ là mục tiêu trước mắt nhưng lâu dài là vấn đề địa chiến lược, địa chính trị của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

"Hoàng Sa và Trường Sa như hai đồn biên phòng trên biển. Ai chiếm giữ được Hoàng Sa và Trường Sa, người đó sẽ khống chế được Biển Đông, khống chế được Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, tức là nắm giữ được yết hầu kinh tế của các quốc gia Đông Bắc Á, từ đó đẩy Mỹ ra khỏi khu vực…"

Tuy nhiên, nhiều người nhận định, dùng vũ lực để độc chiếm sẽ không phải là lựa chọn của Trung Quốc, ít nhất vào thời điểm này, khi thời và thế chưa đạt. Những tuyên bố cấp cao song phương Việt - Trung đều khẳng định giải quyết bằng phương pháp hòa bình các tranh chấp và tìm giải pháp hợp tác cùng phát triển. Hơn nữa, những ràng buộc pháp lý quốc tế trong điều kiện hiện nay sẽ buộc Trung Quốc phải cân nhắc cẩn trọng.

"Việc sử dụng vũ lực sẽ được Trung Quốc cân nhắc giống như Mỹ đã từng suy đi xét lại việc bấm nút cho nổ ngòi hạt nhân vậy", một chuyên gia về Trung Quốc nói.

Giải quyết vấn đề Biển Đông, vì thế, đứng trước hai lựa chọn: Xử lý bằng pháp lý hoặc bằng đàm phán.

Chuẩn bị hồ sơ pháp lý

Theo nhiều học giả, đã đến lúc Việt Nam phải tính các phương án, kịch bản khác nhau và đưa ra lộ trình đàm phán thực chất với Trung Quốc và các bên liên quan (trong trường hợp Trường Sa) về hai quần đảo này.

"Chuẩn bị luận cứ pháp lý là yêu cầu đầu tiên và phải là chính", TS. Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật biển và hàng hải quốc tế, ĐHQG Hà Nội nói. Các luận cứ lịch sử, luận cứ địa lý cũng rất quan trọng nhưng chỉ là luận cứ tham khảo.

Chủ quyền là thiêng liêng và không thể nhân nhượng, thế nhưng không thể giữ chủ quyền chỉ bằng cảm tính. Chúng ta phải đấu tranh bằng cơ sở pháp lý, bằng những bằng chứng không thể chối cãi”, một chuyên gia của Viện KHXH Việt Nam nói.

Chuẩn bị tốt hồ sơ pháp lý, Việt Nam sẽ có điều kiện thắng trên cả mặt luật pháp và công luận.

Lần đầu tiên học giả VN trong và ngoài nước cùng thảo luận mở về tranh chấp biên giới trên biển. Ảnh: PL

Các nhà nghiên cứu đặt vấn đề, Việt Nam cũng cần cân nhắc việc có đạo luật về đường cơ sở. Làm như vậy, chúng ta sẽ tạo ra khung pháp lý rõ ràng, từ đó, bất kì vi phạm nào chúng ta đều có thể xử lý dễ dàng. Mới đây. Philippines cũng đưa ra đạo luật về đường cơ sở mới.

Với Trung Quốc, Việt Nam cần tận dụng quan hệ tích cực giữa hai nước, đẩy vấn đề đang còn tồn đọng giữa hai bên. "Trong quan hệ quốc tế phải minh bạch. Có những vấn đề phải đặt lên bàn đối tác mới giải quyết được, càng tù mù càng khó", ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

Việc xử lý tranh chấp trên biển phải gắn với xây dựng và thực thi một chiến lược biển nghiêm túc và đầy đủ, không phải chỉ là chiến lược kinh tế biển, vốn có trên văn bản là chính như hiện nay.

Giải quyết phân tán nguồn lực

Muốn vậy, các học giả nhấn mạnh, Việt Nam phải chuẩn bị kĩ lưỡng, xây dựng lực lượng đàng hoàng, để nói được, trao đổi được với đối tác. Đại diện Quỹ nghiên cứu Biển Đông gợi ý Việt Nam có thể cấp học bổng từ ngân sách nhà nước cho các nghiên cứu viên đi đào tạo ở nước ngoài về luật biển quốc tế.

Điều đáng tiếc là, ngay cả với lực lượng hiện tại vốn mỏng và được đánh giá là “không cân sức” so với Trung Quốc, "hình như Việt Nam cũng chưa sử dụng, chưa biết sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu của giới chuyên gia, chưa biết tập hợp đội ngũ. Nhiều nhà nghiên cứu làm về biển Đông có ấn tượng hình như mình làm gì sai…", một học giả nêu.

Không chỉ mỏng, nguồn lực làm về Biển Đông còn bị phân tán. Nhiều tài liệu quý hiếm đã biến mất cùng với sự ra đi của người giữ chúng. Việc tiếp cận để tra cứu, khai thác tư liệu gặp nhiều trở ngại. Thực tế, nhiều nhà nghiên cứu đã phải đối mặt với chuyện “biết có tư liệu quý mà không lấy được”.

Giới nghiên cứu thừa nhận hiện nay, nghiên cứu về Biển Đông vừa yếu vừa thiếu. Thế nhưng, "hình như một lực lượng rất lớn và có giá trị là các học giả Việt Nam ở nước ngoài lại đang bị bỏ quên”, bà Trần Thị Ái Liên nêu.

Việt Nam và Trung Quốc có thể “tạm gác tranh cãi cùng khai thác” trên biển Đông, có lí nào người Việt Nam trong nước và người Việt Nam ngoài nước lại không thể “tạm gác tranh cãi” để cùng đấu tranh cho chủ quyền và cương giới lãnh thổ?

Sức mạnh dân tộc bao gồm tăng cường nội lực và đoàn kết nội bộ, cùng với sức mạnh thời đại chính là cơ sở pháp lý vững chắc, tính chính nghĩa của Việt Nam chính là điều kiện để Việt Nam có thể giành thắng lợi trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ này.

  • Phương Loan

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,
/script>