- Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ lần đầu tiên diễn ra trực tuyến với các tỉnh, thành hôm nay (30/3), Thủ tướng cho rằng với thống kê tăng trưởng GDP trong quý I là 3,1% - thấp nhất trong nhiều năm qua, có thể phải trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống còn 5% và điều chỉnh mức bội chi lên khoảng 8%.
Trước đó, Quốc hội đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2008, Chính phủ cho biết sẽ phấn đấu giữ tăng trưởng GDP ở mức 6,5% trong năm 2009, giảm bội chi ngân sách xuống còn 4,3% (so với 4,8% năm 2008), trong đó sẽ giảm nhiều với các khoản chi tiêu thường xuyên.
Cuối tháng 12/2008, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thừa nhận: "Biến động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến nhanh và sớm hơn dự kiến tại kỳ họp QH thứ 4 vừa qua. Lúc đó, Nghị quyết Quốc hội vẫn ghi dự kiến tốc độ tăng GDP 2008 là 6,7%. Tại phiên họp tháng trước, Chính phủ vẫn cho rằng có thể đạt 6,5%. Thống kê đến 23/12 là 6,23%".
"Ba tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực đều suy giảm rất nhanh. Tình hình có chiều hướng rất xấu, biến động ở tất cả các lĩnh vực", ông Ninh nói trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào thời điểm đó.
Lần đầu tiên, Chính phủ họp phiên thường kỳ dưới hình thức trực tuyến với sự tham dự của chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Kiến nghị miễn giảm thuế
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 30/3, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy nhận định, mức tăng GDP 3,1% trong 3 tháng đầu năm nay đã là điểm đáy. Thời gian tới, con số này sẽ tăng lên.
Riêng về đề xuất điều chỉnh mức tăng trưởng GDP, ông Thúy cho rằng, trong năm 2009, nếu Việt Nam đạt được mức tăng 5% là đã quá tốt. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tuy không có nhiều ý nghĩa về lý thuyết nhưng sẽ có tác dụng tích cực đối với những vấn dự toán ngân sách, chi tiêu của Chính phủ...
Ngoài ra, với mức lạm phát thực tế thấp hơn dự đoán, ông Lê Đức Thúy cũng đề nghị hạ mức lãi suất cho vay từ 8% hiện nay xuống 6%, tạo động lực cho các thành phần kinh tế.
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc cũng đưa ra các nhóm giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế như tập trung các dự án đầu tư quan trọng, giải ngân nhanh nguồn vốn vay ODA và bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt, tiếp tục giảm lãi suất vay để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt ngành cơ khí, xuất khẩu...
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh kiến nghị Chính phủ các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm thuế VAT cho ngành sợi, vải, may mặc, vật liệu xây dựng, ôtô xe máy; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa, miễn nộp thuế thu nhập cá nhân cho người thu nhập thấp.
Theo ông Ninh, sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 9 tháng cho những đơn vị có vốn dưới 10 tỷ đồng hoặc số lao động dưới 300 người, giảm 30% thuế cho doanh nghiệp dệt may, da giày, cơ khí... hoặc giãn thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp nhập khẩu. Đặc biệt, đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên bằng cách phát hành 8.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, các biện pháp an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng đã khiến thu ngân sách trong quý I chỉ bằng 88% so với năm trước, chi ngân sách tăng 4,1%. Nếu GDP năm nay đạt 5% thì giảm thu ngân sách sẽ là 12.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tài chính cho rằng, phải tăng thu ngân sách bằng cách giãn và dừng các dự án kém hiệu quả, giảm hội họp, mua sắm tài sản. "Yêu cầu các địa phương chống thất thu, địa phương sẽ được sử dụng 50% nguồn tiền lương còn dư, sau đó, nếu còn thiếu thì ngân sách trung ương mới bù chi", ông Ninh nói.
-
Cao Nhật - VNE