- Cuộc thảo luận về các giải pháp thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020 của Thành ủy Hà Nội chiều qua (7/4) tập trung vào đánh giá hiệu quả và gỡ "vướng" cho chủ trương luân chuyển cán bộ mà Thành ủy mới thực hiện gần đây.
1 sở, 13 phó giám đốc
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: "HN sẽ bổ nhiệm cán bộ không phải là người địa phương". Ảnh: PH
Để giải tỏa những băn khoăn xung quanh chủ trương đưa cán bộ về cơ sở, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái báo cáo cặn kẽ từng bước trong quy trình luân chuyển. Theo đó, những cán bộ thuộc diện luân chuyển nhưng sau đó xin chuyển vị trí công tác đều được giải quyết.
Chẳng hạn, một phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc đã chuyển về Bộ Xây dựng. Một vị phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường đã chuyển lên Bộ Ngoại giao.
Đến nay, Hà Nội đã đưa 40 cán bộ sở, ngành về làm phó bí thư, phó chủ tịch các quận, huyện. Cuối tháng 4 này, sẽ tiếp tục luân chuyển thêm 20 cán bộ trên cơ sở bố trí đúng năng lực, sở trường của từng người.
Theo ông Soái, việc luân chuyển, điều động cán bộ được làm công khai, dân chủ, tập trung. Tuy nhiên, cán bộ làm việc ở những lĩnh vực dính dáng đến quyền lợi vật chất như đất đai, tài chính... có tâm lý ngại luân chuyển. Người đứng đầu nhiều sở, ngành khi được yêu cầu lên kế hoạch luân chuyển ở đơn vị mình lại có thái độ né tránh, do ngại đụng chạm đến quyền lợi của cấp dưới.
Bí thư huyện ủy Gia Lâm cũng phản ánh, có nhiều trường hợp cán bộ xuống cơ sở chưa đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu công việc. Thành ủy lại đang có chủ trương thí điểm bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt như bí thư, chủ tịch UBND, trưởng các ngành công an, tài chính... không phải người địa phương trong khi am hiểu địa bàn phải được xem là tiêu chí quan trọng của một lãnh đạo.
Bí thư Thành ủy HN Phạm Quang Nghị khẳng định, việc luân chuyển cán bộ trước khi bầu cử nhiệm kỳ mới là hết sức cần thiết và cần được tiên liệu trước. "Cần chủ động luân chuyển cán bộ để có điều kiện bồi dưỡng, thử thách trước khi bắt đầu nhiệm kỳ mới. Không được làm xuê xoa", ông Nghị yêu cầu. Luân chuyển, điều động cán bộ tiếp tục được xem là nhiệm vụ trọng tâm của công tác cán bộ trong năm 2009.
Về các ý kiến đề nghị Hà Nội được kéo dài cơ chế đặc thù (một cấp trưởng và nhiều phó) thêm một nhiệm kỳ nữa, Bí thư Thành ủy HN Phạm Quang Nghị khẳng định, Hà Nội "không thể tiếp tục kéo dài" chuyện một sở có tới 13 phó giám đốc.
Bổ nhiệm chuyên gia đầu ngành
Nhiều đột phá mới cho công tác cán bộ của Hà Nội đến năm 2020 sẽ được thành phố triển khai. Ban Tổ chức Thành ủy sẽ khẩn trương xây dựng các quy chế về thực hiện thí điểm việc thi tuyển vào một số chức vụ lãnh đạo sở, ngành; quy chế lấy ý kiến quần chúng đánh giá cán bộ; .
Đặc biệt, thời gian tới sẽ thí điểm cách tuyển chọn cán bộ vào các chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc sở, quận... Bí thư nhiều quận, huyện có mặt tại hội nghị đã "than thở" về tình trạng, lâu nay, mang tiếng là Thủ đô nhưng cách sử dụng cán bộ vẫn là "có sao dùng vậy".
Để khắc phục tình trạng này, ông Phạm Quang Nghị cho hay, sẽ xem xét bổ nhiệm các chuyên gia đầu ngành về làm việc ở những lĩnh vực trọng yếu của thành phố.
Về đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở, Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, có 55% cán bộ trình độ đại học (nay là 26,2%); tuổi dưới 45 sẽ chiếm 65 - 70% (hiện nay là 48,8%).
Theo Phó Bí thư Nguyễn Công Soái, đây là các biện pháp nhằm khắc phục hạn chế thiếu cán bộ giỏi trong các ngành khoa học, kỹ thuật, quản lý đô thị, kinh tế.
-
Lê Nhung