- Dù đã nhiều lần đưa ra lấy ý kiến tại Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH ) nhưng các đại biểu vẫn chưa thống nhất về rất nhiều điều khoản của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Lý do vì rất nhiều tội được xem là nghiêm trọng đều được bỏ án tử hình cho dù từ khi Bộ luật có hiệu lực, Nhà nước cũng không xử lý được bao nhiêu.
Tranh luận về tội hiếp dâm
Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Thu Ba, qua kết quả tổng hợp ý kiến các đại biểu QH, nhiều ý kiến không tán thành với việc bỏ hình phạt tử hình với tội hiếp dâm vì cho rằng trên thực tế có những trường hợp phạm tội hiếp dâm có tổ chức, hành vi mang tính chất dã man, gây tổn hại sức khỏe, thương tật từ 61% trở lên, gây tự sát, chết người.
Nhưng theo quan điểm của Ủy ban Tư pháp, tuy hiếp dâm là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại nhưng xét về mức độ nguy hiểm của hành vi và trong xu hướng tiến bộ của thế giới thì chỉ cần quy định chung thân là đủ răn đe.
Thực tế, những trường hợp người phạm tội hiếp dâm trẻ em đã được điều chỉnh bởi khung hình phạt tử hình tội hiếp dâm trẻ em (điều 112).
Giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi có bị xử lý hình sự?
Theo phản ánh của báo chí, UBND Phú Thọ đã giải thể Trung tâm bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Lâm do giả mạo hồ sơ đưa trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi nhằm trục lợi. Ảnh: Dân trí
Về việc nhập tội giới thiệu trẻ em làm con nuôi nhằm trục lợi (điều 119a) vào điều 119 (tội buôn bán người), UBTVQH cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo bà Lê Thị Thu Ba, nuôi con nuôi là một hoạt động nhân đạo góp phần bảo vệ quyền trẻ em phải được chăm sóc trong môi trường lành mạnh. Nhà nước chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động giới thiệu con nuôi vì mục đích nhân đạo, phi lợi nhuận.
Thời gian qua, đã xuất hiện hành vi lợi dụng việc giới thiệu con nuôi để thu lợi bất chính, ảnh hưởng xấu đến hoạt động nhân đạo này. Theo tờ trình của Chính phủ, dự kiến sẽ bổ sung xử lý hình sự tội giới thiệu trẻ em nuôi con nuôi để trục lợi.
Tuy nhiên, việc nhập hành vi này với tội buôn bán người có những quy định chưa rõ ràng nên Ủy ban Tư pháp kiến nghị trước mắt, chưa nên hình sự hóa hành vi này.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cũng than, hành vi giới thiệu trẻ em làm con nuôi đang ngày càng phát triển, do vậy, ban soạn thảo nên quy định thành một khoản riêng trong Bộ luật để kịp thời có chế tài xử lý.
Như vậy, dù đã nhiều lần đưa ra lấy ý kiến tại QH và các phiên họp của UBTVQH nhưng các đại biểu vẫn chưa thống nhất về nhiều điều khoản của dự thảo Luật sửa đổi. Lý do vì rất nhiều tội được xem là nghiêm trọng đều được bỏ án tử hình cho dù từ khi Bộ luật có hiệu lực, Nhà nước cũng không xử lý được bao nhiêu.
Chẳng hạn, về việc bỏ tội danh tham nhũng, đại diện cho Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ phòng chống tham nhũng Phạm Anh Tuấn đề xuất, vẫn nên giữ lại hai nhóm tội sẽ bị xử tử hình là đưa và nhận hối lộ.
Về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, lương thực, thực phẩm... các đại biểu vẫn bảo lưu quan điểm nên giữ án tử hình cho tội này, vì liên quan đến tính mạng và sức khỏe con người.
Dự kiến, nếu được thông qua tại kỳ họp QH tháng 5 tới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự sẽ có hiệu lực từ 1/1/2010.
-
Lê Nhung