- Lần thứ 3 cho ý kiến sửa đổi điều 126 Luật Nhà ở quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua và sở hữu nhà trong nước, Ủy ban Kinh tế Quốc hội muốn Luật thiết kế phải xác định rõ hơn việc sở hữu nhà của đối tượng này để sinh sống tại Việt Nam.
Thêm nhiều đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có cơ hội sở hữu nhà ở trong nước. Ảnh: VNN |
Tuy nhiên, UB Kinh tế QH nhấn mạnh luật thiết kế phải xác định rõ hơn việc sở hữu nhà của đối tượng này để sinh sống tại Việt Nam.
Cụ thể, những đối tượng thuộc diện sở hữu nhiều nhà hay một nhà riêng lẻ đều phải nhằm mục đích "để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam".
Khác nhau cách cân nhắc con chữ để luật quy định chặt chẽ nhưng Chính phủ và UBTVQH đồng thuận quan điểm sửa đổi, thiết kế luật có tính tới hạn chế việc sử dụng nhà ở sai mục đích hoặc đầu cơ, mua đi bán lại gây tác động xấu đến thị trường bất động sản.
Mặc dù, trên thực tế, để hạn chế việc sử dụng sai mục đích, có thể áp dụng quy định của các luật có liên quan để điều chỉnh như Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Kinh doanh bất động sản...
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng cần cân nhắc thận trọng trong việc đưa ra những quy định mở để người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua và sở hữu nhà trong nước. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh đặc điểm của đối tượng có kỹ năng chuyên môn, đặc biệt về Việt Nam, được mua và sở hữu nhà ở, phải quy định rõ ràng hơn.
UBTVQH cũng nêu vấn đề xem xét các quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo quy định luật hiện hành, đối tượng này không được hưởng một số quyền như chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại, quyền bão lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền đồng tình với Chính phủ, cùng với việc mở rộng, bổ sung thêm đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì cũng nên mở rộng quyền và nghĩa vụ của họ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Quy định trong dự thảo luật sửa đổi của Chính phủ cho phép chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền cho thuê nhà trong thời gian họ tạm thời không sử dụng, được ủy quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.
Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ có thêm hai quyền về sử dụng đất ở gắn với nhà ở, nhưng so với công dân Việt Nam ở trong nước, đối tượng này bị hạn chế hơn hai quyền, đó là quyền góp vốn và quyền bảo lãnh bằng tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.
-
Xuân Linh