- Kết quả chương trình giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) công bố được đánh giá là chi tiết, nhưng đại diện "năm nhà" gồm các Bộ Y tế, NN&PTNT, Công thương... vẫn loanh quanh đi tìm nguyên nhân, trách nhiệm. Lý do "thuyết phục" nhất vẫn là thiếu người, thiếu tiền, nền sản xuất nhỏ lẻ, hay nói như Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, với cung cách quản lý như lâu nay thì 5 chứ có đến 10 bộ cũng "bó tay".
Chất lượng sống giảm
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba nhìn nhận, kinh tế đang ngày càng khởi sắc nhưng chất lượng sống lại giảm sút. Như đa số những người nội trợ khác, ngày nào bà cũng đau đầu vì tìm thực phẩm an toàn cho mâm cơm gia đình.
Ảnh: Phạm Hải
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng phân vân: "Tại sao thực phẩm xuất khẩu luôn phải đảm bảo đúng cam kết nhưng thực phẩm nội địa liên tục bị báo động?".
Khảo sát của đoàn giám sát chỉ ra, diện tích trồng rau sạch an toàn của cả nước mới đạt tỷ lệ 8,5%. Diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%. Số còn lại do sản xuất nhỏ lẻ, không trong vùng quy hoạch nên khó kiểm soát về chất lượng. Các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ kiểm soát được 20 - 30% nhu cầu rau xanh.
Tương tự, có 58,1% số gia súc, gia cầm giết mổ trong tầm kiểm soát. Cả nước chỉ có 617 cơ sở giết mổ tập trung (chiếm 3,6 tổng số cơ sở giết mổ của cả nước). 62,9% số mẫu thịt, sản phẩm từ thịt tươi sống, trong đó có thủy sản đạt yêu cầu.
Những con số này là lý do cách đây không lâu, trả lời chất vấn trước HĐND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Đào Văn Bình khuyến cáo các bà nội trợ phải biết trở thành người tiêu dùng thông thái, nên tìm đến siêu thị hoặc các điểm bán đã được đăng ký mua rau an toàn, không nên mua tại các chợ cóc, chợ tạm, hàng rong.
"Nếu ăn từ bếp ăn gia đình, cứ ăn 1.000 bữa thì chỉ có từ 100 - 150 bữa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm". Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Nguyễn Đăng Vang.
Thực tế, 93,9% cơ sở dịch vụ ăn uống chưa được cấp giấy chứng nhận. Từ năm 2004 - 2008, trung bình mỗi năm có 181,2 vụ ngộ độc với 53,4 người chết/năm.Thống kê từ 61 tỉnh, thành phố cho thấy, số vụ ngộ độc thực phẩm đã tăng từ 403 năm 2004 lên 468 năm ngoái với số người tăng từ 6.207 lên 8.656 người.
"10 bộ cũng bó tay"
Cho rằng "bức tranh" vệ sinh an toàn thực phẩm trở nên u ám phần lớn do báo chí hơi "quá đà", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu dẫn những câu chuyện “không ai nói lại mà có nói cũng chẳng lại”. Vì theo ông Triệu, kết quả kiểm tra 26 nghìn mẫu rau quả tươi thì có hơn 90% đạt yêu cầu như báo cáo giám sát là con số tương đối tươi sáng.
Tuy nhiên, UBTVQH vẫn tiếp tục "truy" 5 bộ được giao quản lý vấn đề này về vai trò đầu mối.
"Tôi băn khoăn là từ khâu sản xuất đã không đạt chuẩn, vậy mà thực phẩm vẫn được lưu thông ra thị trường, đến tận bàn ăn của người dân", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển thắc mắc.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Ngọc Thuật, tiếng là giao 5 "nhà" quản lý nhưng như Bộ trưởng Triệu trả lời trước QH thì quy trình từ trang trại đến mâm cơm vẫn chưa phân công được rạch ròi trách nhiệm thuộc ai. Bộ NN&PTNT đang lên kế hoạch lập các chi cục quản lý chất lượng hàng nông sản ở từng tỉnh.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, chế tài xử phạt quá nhẹ, từ vài chục ngàn đến 40 triệu đồng, chưa thể đủ sức răn đe, trong khi cán bộ quản lý ngại ngần áp dụng chế tài xử lý hình sự.
"Thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ có 12 người, Bộ Y tế (9 người) và Bộ NN&PTNT (3 người), khác nào dẫn 1 tiểu đội đi đánh 3 sư đoàn của địch". Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu
Quản lý thị trường thì bó tay vì 42,5% tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đã lạc hậu. Trong khi đó, cả nước chỉ có chưa đầy 6.000 cán bộ làm quản lý thị trường, phương tiện thiếu nên chủ yếu thẩm định bằng... mắt thường.
Các ủy viên UBTVQH khác cho rằng, Việt Nam vẫn duy trì nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên ý thức trách nhiệm của người sản xuất với cộng đồng còn thấp, người nông dân vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên sức khỏe cộng đồng.
Tham gia đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Đăng Vang cho hay, chế tài và luật đều rõ, nhưng không mấy khi phạt các lỗi vi phạm, vì thương dân nghèo và cũng do nương nhẹ, thiếu quyết liệt.
Thực tế, từ 2004 đến 2008, qua thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, chỉ có 12/12109 cơ sở chế biến, giết mổ gia súc gia cầm bị đình chỉ. 759/849.073 cơ sở nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể, quán ăn đường phố bị đình chỉ.
Cho rằng đã đầu tư thì phải đến nơi đến chốn, Bộ trưởng Triệu "kêu" khó từ cơ chế, tiền, người, đến cái "vướng" của Bộ trưởng.
Theo ông Triệu, nếu không làm đúng quy trình sản xuất sạch từ gốc là khâu nuôi trồng thì khó ra được mâm cơm sạch. Tương tự là chế biến và lưu thông. Bộ Y tế không thể can thiệp đến từng hộ gia đình nếu chưa có những lò giết mổ tập trung như các nước tiên tiến.
Chưa kể, tuy được giao là cơ quan nhà nước chủ trì, nhưng Bộ trưởng Y tế không thể can thiệp vào địa phương. "Mà địa phương làm không tốt thì 5 bộ chứ có đến 10 bộ cũng bó tay".
"Bổ nhiệm giám đốc sở là tỉnh, ngân sách do HĐND quyết, biên chế vệ sinh phòng dịch, các tổ chức bộ máy cũng do tỉnh. Bộ trưởng thì chỉ ký các thông tư, nên không thể nói là Bộ trưởng phải quản lý được hết", ông Triệu kêu khó.
Bộ trưởng Y tế than, do “Chính phủ quản lý chưa giỏi, dân trí chưa cao, Quốc hội làm luật cũng chưa phải là có kinh nghiệm. Như Luật Đất đai, 10 năm mà phải sửa tới 4 lần”.
Nhân lực thì 9+3 (thanh tra chuyên ngành ở Bộ Y tế có chín người + ba người ở bộ NN&PTNT), đầu tư thì nhỏ giọt, (tính bình quân đầu người của cả nước chỉ đạt 780 đồng/người/năm). Vì thế, chừng nào còn chưa hiện đại hóa, chưa sản xuất lớn, chưa xóa đói giảm nghèo thì chừng đó, vẫn còn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
-
Lê Nhung