- Ngày 8/5 tới, Việt Nam sẽ báo cáo trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ việc đảm bảo các quyền con người.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Phạm Hải |
Dự kiến sẽ có đại diện của 192 nước thành viên Liên hợp quốc nghe báo cáo của Việt Nam và đặt câu hỏi phản biện cho các vấn đề quan tâm. Việt Nam sẽ có 60 phút để trình bày việc thực hiện nhân quyền trong nước.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, cơ sở thực hiện báo cáo kiểm điểm định kỳ dựa trên 5 tiêu chuẩn, trong đó có 3 tiêu chuẩn quan trọng. Đó là Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, các Công ước nhân quyền mà quốc gia là thành viên.
Báo cáo đề cập một cách toàn diện việc đảm bảo các quyền, từ dân sự, chính trị cho đến kinh tế, xã hội và văn hóa, đồng thời nhấn mạnh đến những ưu tiên của Việt Nam trong việc bảo vệ và chăm lo cho phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người tàn tật...
Thứ trưởng Minh cho hay, Việt Nam sẽ nhấn mạnh khi bảo vệ báo cáo rằng Việt Nam là đất nước gồm 54 dân tộc, có nhiều tôn giáo khác nhau và có truyền thống đoàn kết, trong quá trình xây dựng đất nước chưa từng có có xung đột sắc tộc hay chiến tranh tôn giáo xảy ra.
Ngoài ra, báo cáo nhấn mạnh đặc điểm trải qua lịch sử đất tranh chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc, người Việt Nam khát khao được hưởng các quyền cơ bản của con người như đã được ghi trong Tuyên ngôn thế giới 1948 và các Công ước quốc tế về quyền con người.
Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng để phát huy sự tham gia của người dân trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo ông Minh, cùng với cơ chế đối thoại song phương, việc thực hiện báo cáo trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc sẽ giúp các nước hiểu rõ hơn về việc đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam. Một trong những nguyên tắc kiểm điểm mà Việt Nam phải tuân thủ khi thực hiện báo cáo, đó là cơ chế hợp tác dựa trên thông tin khách quan, tin cậy và qua đối thoại trực tiếp.
Báo cáo dự kiến sẽ được một số nước phương Tây quan tâm, trong đó có thể hướng các câu hỏi phản biện liên quan đến các quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam. Bản báo cáo do Bộ Ngoại giao xây dựng đã nêu rõ các quyền dân sự và chính trị được ghi rõ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, từ Hiến pháp cho đến các văn bản pháp luật trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chỉ tính riêng từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó các quyền về dân sự, chính trị được quy định một cách cụ thể và toàn diện hơn.
-
Xuân Linh