- “Di chứng chất độc da cam, gồm cả chất dioxin là thực tế hiển nhiên”, TS. Charles Bailey, Giám đốc Tổ chức “Sáng kiến đặc biệt về chất độc da cam/dioxin” (Mỹ) nhấn mạnh.
TS Charles Bailey và bà Tôn Nữ Thị Ninh tại cuộc đối thoại. Ảnh: HC
Ngày 21/4, tại Đà Nẵng, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã tổ chức hội nghị nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin nhằm khởi động cho tiến trình hướng tới cuộc gặp tiếp theo của nhóm này tại
Theo TS. Charles Bailey, Giám đốc Tổ chức “Sáng kiến đặc biệt về chất độc da cam/dioxin” của Quỹ Ford (Mỹ), chất độc da cam là vấn đề nhạy cảm trong nhiều thập kỷ qua và gây nhiều tranh cãi giữa VN và Mỹ. Chính phủ VN ước tính có khoảng 3 triệu người VN bị phơi nhiễm dioxin sinh ra thế hệ con, cháu bị dị tật bẩm sinh.
Đặc biệt, tại Đà Nẵng, theo Phó Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến, khảo sát bước đầu cho thấy có trên 5.000 nạn nhân và người nghi nhiễm chất độc dacam/dioxin, trong đó có hơn 1.400 trẻ em. Ở khu vực sân bay Đà Nẵng, một trong những “điểm nóng” được quân đội Mỹ dùng làm kho chứa và nơi nạp chất dioxin để đi rải ở những nơi khác, hơn 30 sau chiến tranh vẫn còn tồn lưu lượng lớn chất độc này trong thiên nhiên.
Hậu quả là người dân trong khu vực đã và đang phải tiếp tục gánh chịu nhiều căn bệnh hiểm nghèo từ di chứng của chiến tranh, đặc biệt là ung thư.
Thế nhưng Chính phủ Mỹ tuyên bố không có mối liên hệ nào giữa chất độc da cam với vấn đề sức khoẻ của các nạn nhân. Tuy nhiên, nhờ điều luật năm 1991 được thông qua, Chính phủ Mỹ đã cấp các khoản bồi thường và chăm sóc y tế cho gần nửa triệu cựu chiến binh Mỹ đối với hàng chục loại bệnh ung thư và sinh con khuyết tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam trong thời gian phục vụ chiến tranh tại VN.
Cựu binh Mỹ tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam tại Đà Nẵng. Ảnh: HC
“Vậy di chứng này, di chứng chất độc da cam, bao gồm cả chất dioxin là một thực tế hiển nhiên”, TS. Charles Bailey nhấn mạnh. Thế nhưng, từ năm 2004 đến nay, toà án các cấp của Mỹ đã liên tục bác bỏ đơn kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam VN đòi các công ty hoá chất Mỹ sản xuất chất diệt cỏ có chứa dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh VN phải bồi thường thiệt hại.
Trong năm 2008, Chính phủ VN đã dành ngân sách 782,238 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam khám chữa bệnh, tổ chức phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng; tư vấn sinh sản và tư vấn di truyền để hạn chế sinh ra những trẻ em bị dị tật bẩm sinh...
Chính phủ Mỹ cũng cam kết dành 3 triệu USD giúp VN xử lý ô nhiễm trong sân bay Đà Nẵng và hỗ trợ người khuyết tật và vào tháng 10/2008 đã trao nguồn tài trợ đầu tiên (1 triệu USD) cho 3 tổ chức phi chính phủ Mỹ thực hiện cung cấp dịch vụ xã hội cho người khuyết tật tại TP Đà Nẵng, 2 triệu còn lại để khắc phục ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Tuy nhiên, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiện Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, nguyên điều phối viên nhóm đối thoại VN, mối liên kết giữa phơi nhiễm dioxin và khuyết tật vẫn đang là vấn đề tranh cãi và vẫn phụ thuộc vào các sáng kiến tích cực từ Chính phủ Mỹ.
“Nguời dân và Chính phủ VN tin rằng, giải pháp cho vấn đề chất độc da cam/dioxin là vấn đề quan trọng và lâu dài để tìm kiếm cái có lợi trực tiếp cho những ngưòi bị ảnh hưởng, cho gia đình và cộng đồng. Họ cũng cảm thấy rằng vấn đề này là rào cản cuối cùng cho việc bình thường hoá quan hệ hoàn toàn giữa Mỹ và VN”, bà Ninh nói.
-
Hải Châu