- Lạc quan về tình hình châu Á trong bối cảnh khủng hoảng chung, quan ngại về xu hướng chủ nghĩa bảo hộ và nỗ lực tìm giải pháp nâng nội lực, tái cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa thị trường của các quốc gia để vượt khủng hoảng. Đó là những nội dung thảo luận ngày đầu tiên của Hội nghị quốc tế kéo dài 2 ngày tại TP.HCM “Nhận dạng thách thức châu Á và vai trò mới của Việt Nam”.
Các diễn giả chia sẻ góc nhìn của trưởng văn phòng Washington của tờ Wall Street Journal, ông John Bussey, cho rằng kinh tế châu Á có khả năng chống chọi tốt hơn và cũng phục hồi nhanh hơn cuộc khủng hoảng kinh tế.
"Kiến trúc sư" của Hiệp định thương mại Việt - Mỹ Charlene Barshefsky. Ảnh: Đoàn Quý |
IMF đưa ra dự báo, thế giới sẽ bị thiệt hại 4.000 tỷ USD sau khủng hoảng, mà chủ yếu là của Mỹ và các nước châu Âu. Hệ quả của khủng hoảng với châu Á ít hơn nhiều. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, các nước châu Á sẽ mất nhiều năm mới có thể khắc phục được khủng hoảng.
10 năm trước, các nước đã mất 5 - 7 năm để khôi phục được mức thu nhập trước khủng hoảng tài chính khu vực. Khủng hoảng lần này sẽ đòi hỏi xử lý dài hơn.
Tránh khai thác bừa bãi tài nguyên
Chính vì thế, thế giới và châu Á đang chứng kiến con số kích thích kinh tế vô tiền khoáng hậu, và cuộc đua tìm giải pháp vượt khủng hoảng của các quốc gia.
Ngay tại châu Á, các nước đang nỗ lực hành động quyết liệt, xử lý khủng hoảng ở cấp độ song phương và đa phương, khu vực, nội khối và toàn cầu.
“Các chính phủ sẽ cải tổ cơ cấu kinh tế, không có lựa chọn nào khác”, Đại sứ Charlene Barshefsky, cựu Đại diện thương mại Mỹ, người từng thúc đẩy đàm phán WTO của Trung Quốc và Việt Nam nói.
Bà chỉ rõ, với châu Á - nơi có mô hình tăng trưởng chỉ dựa vào xuất khẩu - cần tái cơ cấu tiết kiệm tài chính, cân bằng tiết kiệm và chi tiêu, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, tránh việc khai thác bừa bãi, vô tội vạ, thiếu tính toán.
"Ngôi sao đi xuống"
Với ASEAN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan quan ngại khủng hoảng sẽ buộc các nước trong khu vực đối mặt với áp lực do sự phân cách giàu nghèo, khi 37% dân số ASEAN vẫn sống dưới mức 2 USD/ngày/người. Xử lý vấn đề đó là điều kiện để tăng trưởng bền vững, dù không dễ.
Ảnh: Đoàn Quý |
Bà Lan nhấn mạnh, các nước cần suy nghĩ về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế ASEAN. Tốc độ tăng GDP của ASEAN ở mức 6-8% nhưng chất lượng vẫn còn là điều nghi ngờ. Các nước vẫn dựa vào khai thác lao động rẻ và tài nguyên thiên nhiên.
Theo bà Lan, cần đưa công nghệ vào, khai thác hiệu quả nguồn vốn tài nguyên của đất nước. “ASEAN được xem là các ngôi sao đang lên nhưng sẽ là ngôi sao đi xuống nếu không giữ tăng trưởng bền vững”.
Bà tư vấn, các nước cần điều chỉnh cơ cấu tăng trưởng. Không thể phụ thuộc mãi vào xuất khẩu, FDI. “Đầu tư nước ngoài có thể giúp một số nước giúp đạt mức thu nhập trung bình, nhưng không thể đưa một nước lên mức giàu”.
Theo bà Lan, cùng với chất lượng nguồn nhân lực, vấn đề quản trị và cải cách cơ cấu là ba chìa khóa cho tăng trưởng bền vững của Việt Nam và ASEAN.
Phải cải cách cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế, không thể dựa mãi vào nông nghiệp, vào ngành hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng thấp, dựa vào tài nguyên, và lao động giá rẻ.
Chia sẻ quan ngại của một doanh nhân Singapore làm việc ở Việt Nam, bà Lan cho rằng, cải cách hệ thống DNNN là một ưu tiên, tăng sức cạnh tranh của các DN.
Thiếu chính sách nội địa tốt sẽ bất ổn
Dùng hình ảnh con tàu nhỏ lần đầu ra khơi gặp phải bão lớn, bà Chi Lan bày tỏ mối quan ngại về tình thế Việt Nam trước “sóng thần” khủng hoảng kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên thừa nhận: “Trong gần 25 năm kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới nền kinh tế, Việt Nam chưa bao giờ phải đương đầu với nhiều tác động dồn dập đến như vậy từ các nhân tố bên ngoài”.
Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam (tổng kim ngạch XNK gấp 1,7 lần GDP, trong đó xuất khẩu chiếm tới trên 70% GDP), khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu tác động trực diện. So với cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á 1997, khủng hoảng lần này ảnh hưởng trầm trọng hơn. Năm 1997, khi ba thị trường chính là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản không chịu ảnh hưởng của khủng hoảng, xuất khẩu của Việt Nam vẫn thu hẹp rất nhanh.
Với nước nhỏ, cam kết đưa ra về cởi mở nền kinh tế sẽ thực hiện một cách hợp lý theo lộ trình đủ dài, để điều chỉnh từ từ và có phương pháp. Thương mại làm tăng của cải còn cách thức của cải đó phân phối, lan tỏa trong nền kinh tế phụ thuộc vào chính sách nội địa của một nước.
Ví dụ, nếu ngân hàng không hỗ trợ cho DN, chỉ cho người quen vay, thì làm sao có thể giúp DN tư nhân nhỏ lớn lên. "Hội nhập mà không có chính sách phù hợp về nội địa thì sẽ là bất ổn kinh tế", bà Barshefsky nói.
-
Hoàng Phương - Đoàn Quý - Ca Hảo